Mỹ lơ là với Triều Tiên, Trung Quốc vào cuộc

Người biểu tình ở Seoul ngày 17/12 kêu gọi Mỹ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt Triều Tiên Ảnh: EPA
Người biểu tình ở Seoul ngày 17/12 kêu gọi Mỹ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt Triều Tiên Ảnh: EPA
TP - Năm 2019 sắp khép lại, bất an gia tăng ở Hàn Quốc vì cách Mỹ xử lý vấn đề Triều Tiên, khi Bình Nhưỡng đang doạ có thể phóng tên lửa hay thử hạt nhân để làm “quà Giáng sinh”.

Hoài nghi gia tăng về mục đích cuối cùng của Washington đối với bán đảo Triều Tiên khi Seoul đang chịu sức ép phải mua thêm vũ khí của Mỹ và gánh thêm chi phí để duy trì 28.500 quân Mỹ đồn trú. Hàn Quốc đã là khách hàng mua vũ khí nhiều thứ tư của Mỹ, với mức chi 6,23 tỷ USD trong giai đoạn 2018-2019, và gần đây triển khai đội máy bay chiến đấu tàng hình F-35A mà Bình Nhưỡng tố là vi phạm thỏa thuận đạt được tại cuộc gặp thượng đỉnh năm ngoái. 

“Mối lo ngày càng lớn hiện nay là Tổng thống Donald Trump có thể để căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên trong các tháng tới trong lúc thúc ép Hàn Quốc tăng đóng góp cho lực lượng đồn trú Mỹ, vì nếu thành công với Seoul, ông Trump sẽ có thể làm tương tự với Nhật Bản và Đức”, báo SCMP dẫn lời ông Yang Moo-jin (ĐH Nghiên cứu Triều Tiên ở Hàn Quốc). 

Sau khi ông Trump bị Hạ viện luận tội và đối mặt phiên tòa tại Thượng viện trước cuộc bầu cử tổng thống vào năm sau, ông Yang cho rằng, Tổng thống Mỹ sẽ khó có khả năng tập trung vào mục tiêu đạt được bước đột phá trong việc buộc Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân và tên lửa. “Cảm giác được nhiều người chia sẻ ở Seoul hiện nay là Tổng thống Trump có thể không nghiêm túc lắm sau một thời gian muốn đạt tiến triển với Triều Tiên. Trước cuộc bầu cử năm sau, bất kỳ sự nhượng bộ nào với Bình Nhưỡng đều có thể khiến ông ấy mất điểm với lực lượng cử tri bảo thủ ủng hộ ông ấy”, ông Yang nói. 

Đầu năm nay, Tổng thống Trump ghi điểm khi nói rằng “không có thỏa thuận nào” còn tốt hơn một “thỏa thuận tồi”, sau khi ông gặp nhà lãnh đạo Kim Jong Un hồi tháng 2. Giới phân tích cho rằng, lợi ích của Mỹ và Triều Tiên hiện nay không gặp nhau. Bình Nhưỡng đặt ra thời hạn vào cuối năm nay để Mỹ phải nhượng bộ trong đàm phán, còn Washington nói rằng họ không có giới hạn nào về thời gian để giải quyết vấn đề này. 

“Không thời hạn nào là thông điệp nghe rất hay ở Washington và giống như Mỹ đang giữ thiện chí, nhưng đối với Bình Nhưỡng, đó là một dấu hiệu nữa cho thấy Mỹ không cảm thấy sức nóng của chiến dịch "gây sức ép tối đa", và vì thế áp lực sẽ phải tăng thêm”, cây viết Ankit Panda của tạp chí The Diplomat đánh giá. Ông Harry Kazianis, giám đốc cấp cao về nghiên cứu Triều Tiên tại Trung tâm Lợi ích quốc gia ở Washington, vừa viết trên Twitter rằng, các quan chức ngoại giao và tình báo Mỹ đang có mối lo ngại chung về điều Triều Tiên có thể làm trong vài ngày tới. “Qùa Giáng sinh” mà Bình Nhưỡng nói đến có thể là một vụ phóng tên lửa tầm xa hoặc một vụ phóng vật thể vào vũ trụ, ông Joel Wit, người phụ trách 38 North - trang web chuyên phân tích về Triều Tiên, phán đoán. 

Trong bối cảnh đó, GS Moon Chung-in, cố vấn đặc biệt của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, nói rằng, chiến lược của ông Trump về gây “sức ép tối đa” lên Triều Tiên để buộc họ phi hạt nhân rõ ràng đã thất bại. GS Moon nói Bình Nhưỡng cảm thấy bị “phản bội” trước việc Washington nối lại các cuộc tập trận chung với Seoul, dù với quy mô giảm bớt.

Vai trò của Trung Quốc

Trong bối cảnh đó, Trung Quốc, nước đồng minh gần gũi và có tầm ảnh hưởng nhiều nhất đối với Triều Tiên, đã vào cuộc để cố duy trì ổn định trên bán đảo. Ông Stephen Biegun, đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên, đến Bắc Kinh hôm 19/12 dù đây không phải chặng dừng chân nằm trong lịch trình ban đầu của ông. Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc La Chiếu Huy trong cuộc gặp ông Biegun đã thúc giục Washington tiếp tục đàm phán với Triều Tiên và xây dựng lòng tin để giải quyết khác biệt. Có tin đồn ông Biegun thăm Bình Nhưỡng sau đó, nhưng thông tin này chưa được xác thực. 

Tuần trước, Trung Quốc cùng Nga trình một nghị quyết lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để đề xuất dỡ bỏ một số biện pháp trừng phạt đang bóp nghẹt kinh tế của Triều Tiên, nhưng bị Mỹ phản đối. Trung Quốc hôm nay đón Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và ông Moon đến Seoul để gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Sau đó, ông Abe và ông Moon gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường. Vấn đề Triều Tiên chắc chắn là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự, bên cạnh các vấn đề khác như thỏa thuận thương mại tự do… 

Ông Cheong Seong-chang, một nhà nghiên cứu tại Viện Sejong (Hàn Quốc), cho rằng, vấn đề phi hạt nhân hoá sẽ không đạt được nếu không có vai trò chủ động của Trung Quốc. “Khi đối thoại Mỹ - Triều bế tắc, giờ là lúc cần mở rộng đối thoại song phương thành đối thoại bốn bên, với sự tham gia của 2 miền Triều Tiên và 2 đồng minh quan trọng nhất của họ là Mỹ và Trung Quốc”, ông Cheong nói.

Theo ông, hiện đã có những nỗ lực để thu xếp cho chuyến thăm của ông Tập tới Seoul vào năm tới. “Cải thiện trong quan hệ Trung - Hàn là nhân tố tích cực có thể đưa Triều Tiên quay lại bàn đàm phán”, ông Cheong nói. 

MỚI - NÓNG