Tháng 11/2018, chính phủ Nhật Bản thông báo kế hoạch nâng cấp hai tàu khu trục trực thăng lớp Izumo nhằm biến chúng thành tàu sân bay mang tiêm kích tàng hình F-35.
“Kể từ khi chúng tôi được trang bị các tàu này (tàu lớp Izumo, biến chế năm 2015), chúng tôi đã muốn sử dụng chúng vào nhiều mục đích”, bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Takeshi Iwaya nói với các phóng viên. “Chúng tôi muốn đẩy mạnh nghiên cứu về vấn đề này”.
Natasha Pheiffer, giám đốc châu Á của tập đoàn vũ khí Anh BAE nói với Flight Global họ muốn nhận lãnh việc này. “Bà ấy cảm thấy rằng BAE rất phù hợp trong việc giúp Tokyo làm các phần việc để tích hợp máy bay cánh cố định lên hai tàu lớp Izumo nhờ việc họ đã thực hiện đối với các tàu sân bay lớp Queen Elizabeth của Anh, cũng mang theo máy bay F-35”, Flight Global ghi nhận.
Tokyo đã có kế hoạch đặt hàng thêm 100 máy bay F-35 để bổ sung vào đội bay hiện đã có 42 chiếc F-35 theo đơn đặt hàng từ năm 2011.
Những chiếc F-35 đầu tiên Nhật Bản mua thuộc phiên bản A cất hạ cánh trên đường băng thông thường. Còn gói hợp đồng mới được cho là có bao gồm một số máy bay F-35B cất hạn cánh thẳng đứng để hoạt động trên tàu. Nhưng việc hoán cải hai tàu chở trực thăng thành tàu sân bay không hề dễ dàng. Các tàu lớp Izumo được xem là khá nhỏ để máy bay cánh cố định có thể hoạt động. Điều đáng ngại là Nhật Bản chưa hề vận hành máy bay cánh cố định trên tàu kể từ Thế chiến II và cần phải huấn luyện phi công, đội ngũ phục vụ mặt boong, đội duy tu bảo trì để xử lý các thách thức đặc thù của việc vận hành tàu sân bay.
Nhưng các nước khác cũng đã thành công trong chuyện tổ chức cho máy bay cánh cố định hoạt động trên tàu mang máy bay loại nhỏ. Đáng kể nhất là trường hợp của Ý. Còn Úc cũng đang bàn thảo việc hoán cải các tàu mang máy bay loại nhỏ thành tàu sân bay thực thụ với dòng máy bay F-35.
Hiến pháp Nhật Bản thời hậu thế chiến đã cấm các hoạt động quân sự mang tính gây hấn. Trong hàng chục năm, lãnh đạo Nhật Bản đã diễn giải điều luật cấm này rằng nó mang ý nghĩa về mặt luật pháp, hải quân Nhật Bản không thể sở hữu tàu sân bay.
Hải quân Nhật do đó né lệnh cấm bằng việc mua thứ mà họ gọi là “tàu khu trục trực thăng”, là một loại tàu mặt nước có hangar chứa máy bay với mặt boong rộng để máy bay trực thăng cất, hạ cánh.
Tàu lớp Izumo thiếu vũ khí chính, trong khi đường băng kéo dài từ thân đến đuôi tàu. Thực ra nó là một tàu sân bay, chỉ trừ cái tên. Nhưng trong thực tế, tàu Izumo và tàu đàn em của nó là Kaga, được biên chế năm 2017, chỉ mang máy bay trực thăng.
Mỗi tàu dài 248m, lượng choán nước 27.000 tấn khi đầy tải, Izumo và Kaga được coi là tàu nhỏ. Tàu sân bay Mỹ thường có lượng choán nước trên dưới 100.000 tấn. Một số tàu đổ bộ tấn công mang theo trực thăng, máy bay AV-8B Harrier và F-35 cũng dài đến 260m và lượng choán nước đạt mức 41.000 tấn.
Nhưng các tàu Izumo cũng ngang cơ với soái hạm Cavour của Ý. Tàu đổ bộ Cavour mang theo 5 máy bay cất hạ cánh thẳng đứng Harrier và một số trực thăng. Nay Ý đang mua máy bay F-35 để thay thế 16 máy bay Harrier.
Với kinh nghiệm của BAE, chỉ cần làm lại mặt boong và lắp đặt một số thiết bị, các tàu Izumo đã có thể trở thành tàu sân bay thực thụ.