Nhật Bản không muốn nói tránh về sức mạnh quân sự nữa

Tàu chiến lớp Hyuga trọng tải 13.950 tấn của Nhật Bản. Ảnh: US Navy.
Tàu chiến lớp Hyuga trọng tải 13.950 tấn của Nhật Bản. Ảnh: US Navy.
TP - Thủ tướng Nhật Bản hôm qua thúc giục đảng của ông trình kế hoạch sửa đổi Hiến pháp vào cuối năm nay. Nỗ lực sửa đổi Hiến pháp nhằm hợp pháp hóa Lực lượng Phòng vệ (SDF) được cho là vì Nhật Bản không còn muốn nói tránh về lực lượng vũ trang của họ nữa.

"Tôi muốn đảng Dân chủ Tự do thảo luận (việc sửa đổi Hiến pháp) kỹ càng, lên kế hoạch trong năm nay để đưa ra công luận”, Thủ tướng Shinzo Abe tuyên bố. Đây là lần đầu tiên Thủ tướng Abe vạch ra thời hạn cho việc sửa đổi Hiến pháp tồn tại suốt mấy thập kỷ qua, Kyodo đưa tin ngày 22/5.

Trước đó, hồi đầu tháng Năm, ông Abe thông báo sẽ sửa Điều 9 của Hiến pháp bằng cách thêm một đoạn vào để trao cho SDF địa vị pháp lý lớn hơn. Ông Abe đặt mục tiêu thực hiện điều này vào năm 2020.

Trao đổi với các phóng viên Đông Nam Á, trong đó có phóng viên Tiền Phong, GS Narushige Michishita, công tác tại Viện Nghiên cứu chính sách quốc gia tại Tokyo, kế hoạch sửa đổi Hiến pháp của Thủ tướng Abe nhận được hai luồng ý kiến trái chiều ở Nhật Bản.

GS Michishita nói rằng, ông ủng hộ kế hoạch này vì theo Hiến pháp hiện tại, Nhật Bản không được sở hữu bộ binh, hải quân và không quân, nhưng trên thực tế Nhật Bản vẫn có những lực lượng này dưới hình thức lực lượng phòng vệ trên biển, lực lượng phòng vệ trên không.

“Nhật Bản nói những lực lượng này không phải quân đội mà chỉ là bán quân sự. Nhưng có đúng vậy không? Tôi không nghĩ vậy. Chúng tôi đang nói dối về bản chất của lực lượng vũ trang vì Hiến pháp”, GS Michishita nói.

Học giả này cho rằng, thực tế đó khiến Nhật Bản khó ăn nói cả trong và ngoài nước; Điều 9 của Hiến pháp khiến chính sách quân sự của Nhật Bản không minh bạch và gây nhầm lẫn. Việc sửa Hiến pháp sẽ giúp Nhật Bản gọi tên các lực lượng vũ trang đúng như tên gọi của chúng, GS Michishita nói.

Nhật Bản không muốn nói tránh về sức mạnh quân sự nữa ảnh 1 GS Narushige Michishita trao đổi với phóng viên tại Tokyo. Ảnh: Thu Loan.

Cần trả lại tên

Từ sau Thế chiến 2, chính phủ Nhật Bản coi các lực lượng vũ trang không phải quân đội. Để bảo đảm logic của SDF, chính phủ Nhật Bản sử dụng các tên kiểu “nói giảm nói tránh” để gọi các tổ chức, phương tiện của lực lượng này. Ví dụ, đơn vị bộ binh được gọi là “đơn vị thông thường”; đơn vị pháo binh được gọi là “đơn vị đặc biệt”; đơn vị kỹ thuật được gọi là “đơn vị cơ sở”.

Trong Lực lượng phòng vệ trên biển (bản chất là hải quân Nhật Bản), tàu chiến lớp Hatsuyuki trọng tải 2.950 tấn và tàu chiến lớp Hyuga trọng tải 13.950 tấn được gọi “tàu hộ tống”. Tuy nhiên, Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế tại London gọi con tàu 13.950 tấn của Nhật Bản là tàu sân bay trực thăng.

Với 240.000 nhân lực trong lực lượng vũ trang và ngân sách quốc phòng lớn thứ 6 thế giới, việc gọi SDF là lực lượng phi quân sự hay bán quân sự là không phù hợp, GS Michishita nói.

Theo nhà nghiên cứu này, cách gọi này của Nhật Bản có vấn đề ở hai khía cạnh.

Thứ nhất, nó giảm bớt tính hiệu quả của việc kiểm soát dân sự ở Nhật Bản. Để Nhật Bản duy trì kiểm soát dân sự hiệu quả, người dân nước này phải hiểu đất nước mình có năng lực quân sự ở mức nào. Tuy nhiên, không nhiều người dân Nhật biết rằng, đất nước họ thực sự đang sở hữu tàu sân bay trực thăng.

Thứ hai, cách sử dụng các tên gọi “nói giảm nói tránh” làm giảm tính minh bạch của chính sách quốc phòng Nhật Bản. “Các sinh viên nước ngoài của tôi hỏi làm thế nào Nhật Bản có thể mô tả SDF không phải lực lượng quân sự, con mắt họ đầy sự hoài nghi”, GS Michishita nói.

Thiếu tướng Trung Quốc La Viện từng nói rằng, Nhật Bản chế tạo một tàu sân bay hạng nhẹ nhưng lại gọi là “tàu hộ tống được trang bị trực thăng”, rồi chỉ trích Nhật Bản tăng cường sức mạnh quân sự một cách lén lút.

Với thực tế đó, GS Michishita cho rằng, chính phủ Nhật Bản nên đặt lại tên hoặc bình thường hóa các tên gọi của SDF cũng như các đơn vị, phương tiện, vũ khí của lực lượng này nhằm tăng tính minh bạch của chính sách và năng lượng quốc phòng của Nhật Bản.

Theo kết quả một cuộc thăm dò dư luận (do hãng thông tấn Nhật Bản Kyodo thực hiện) vừa được công bố, 56% người trả lời cho rằng, cần chính thức hóa SDF trong Điều 9 của Hiến pháp.

Việt - Nhật sẽ diễn tập chống cướp biển

Trong cuộc họp báo chiều 22/5, Lực lượng cảnh sát biển Nhật Bản (JCG) thông báo sẽ đưa tàu tuần tra Echigo đến Việt Nam và Philippines để tham gia các cuộc diễn tập huấn luyện chung chống cướp biển. Đây là hoạt động trong khuôn khổ chương trình hợp tác chống cướp biển tại Đông Nam Á của Nhật Bản, theo đó, Tokyo sẽ hỗ trợ các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, tăng cường năng lực thực thi pháp luật của lực lượng cảnh sát biển, qua đó thúc đẩy mối quan hệ hợp tác với các quốc gia Đông Nam Á trong lĩnh vực này.

Dự kiến, ngày 24/5, tàu Echigo sẽ rời cảng Niigata của Nhật Bản và đến cảng Đà Nẵng ngày 13/6 để tham dự cuộc diễn tập huấn luyện chung. Tàu tuần tra Echigo dài 40 m, có một trực thăng trên boong, thuộc Sở chỉ huy cảnh sát biển vùng 9, Phòng cảnh sát biển tỉnh Niigata. Trưởng phòng hình sự quốc tế của JCG, ông Shiro Suzuki, cho biết đây là lần đầu tiên JCG cử tàu tuần tra đến Việt Nam kể từ khi Lực lượng cảnh sát biển Việt Nam và JCG ký bản ghi nhớ hồi tháng 9/2015. Đây cũng là lần đầu tiên tàu tuần tra do Nhật Bản tặng Việt Nam năm 2015 tham gia cuộc diễn tập huấn luyện chống cướp biển tại Đà Nẵng.             

TTXVN

MỚI - NÓNG