Bước phát triển mới trong quan hệ Việt-Nhật

Nhà vua Akihito và Hoàng hậu Michiko xuống sân bay Phú Bài chiều 3/3 để bắt đầu chương trình thăm cố đô Huế. Ảnh: Như Ý
Nhà vua Akihito và Hoàng hậu Michiko xuống sân bay Phú Bài chiều 3/3 để bắt đầu chương trình thăm cố đô Huế. Ảnh: Như Ý
TP - Sáng 3/3 tại Hà Nội, hội kiến thân mật với Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói rằng, chuyến thăm lần đầu tiên tới Việt Nam của Nhà vua và Hoàng hậu là sự kiện đặc biệt, có ý nghĩa lịch sử quan trọng, đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ hữu nghị giữa hai nước và hai dân tộc Việt Nam - Nhật Bản.

Nhà vua Akihito và Hoàng hậu Michiko cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Phu nhân trao đổi sâu sắc về văn hóa, giao lưu văn hóa giữa hai nước, hai dân tộc; nhấn mạnh Việt Nam và Nhật Bản có nhiều nét tương đồng về văn hóa và sự giao lưu lâu đời trong lịch sử. Đó là sự gắn kết chặt chẽ giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Nhà vua Akihito bày tỏ chia sẻ sâu sắc với những mất mát trong chiến tranh của Việt Nam và ấn tượng sâu sắc trước những thành tựu to lớn mà Việt Nam đã đạt được trên con đường đổi mới và xây dựng đất nước; đánh giá cao sự đóng góp của Việt Nam với hòa bình, mong muốn nhân dân hai nước tiếp tục hợp tác vì hòa bình thế giới. 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Nhà vua Akihito cho rằng, quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa Việt Nam và Nhật Bản hiện ở giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất trong lịch sử.

Chiều 3/3, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân tới nơi lưu trú của Nhà vua Nhật Bản Akihito và Hoàng hậu Michiko, trân trọng chia tay Nhà vua và Hoàng hậu kết thúc các hoạt động tại thủ đô Hà Nội, tiếp tục chuyến thăm cấp Nhà nước tại thành phố Huế. 

Chủ tịch nước Trần Đại Quang giới thiệu với Nhà vua và Hoàng hậu một số nét văn hóa đặc sắc cố đô Huế - nơi được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào năm 1993. Huế cũng là nơi Hoàng Thái tử Naruhito và Hoàng tử Akisino cùng Công nương từng đến thăm. 

Tại Huế hiện còn rất nhiều di sản được bảo tồn như thành quách, cung điện, lăng tẩm... của các vua chúa triều Nguyễn, trong đó nhiều di tích đã được trùng tu, bảo tồn với sự giúp đỡ của Chính phủ Nhật Bản và các chuyên gia từ Đại học Waseda, Đại học Tokyo... Tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng có quan hệ hợp tác với nhiều địa phương của Nhật Bản, như các cố đô Nara, Kyoto, thành phố Yokohama…

Trong chương trình tại Huế, Nhà vua Akihito và Hoàng hậu Michiko sẽ đến thăm Khu lưu niệm Nhà yêu nước Phan Bội Châu - biểu tượng của phong trào Đông Du - phong trào thanh niên Việt Nam đầu thế kỷ 20 sang Nhật Bản để học tập con đường cứu nước.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, bia tưởng niệm bác sĩ Asaba Sakitaro, người đã giúp đỡ nhiều cho phong trào Đông Du do Nhà yêu nước Phan Bội Châu sáng lập hiện vẫn được bảo tồn tại thành phố Fukuroi, tỉnh Shizuoka là minh chứng về một tình bạn tuyệt đẹp Việt - Nhật trong thế kỷ 20.

Dấu ấn xưa của người Nhật ở Việt Nam

Trong cuộc trả lời báo Nhật Asahi Shimbun về chuyến thăm của Nhà vua Akihito và Hoàng hậu Michiko đến Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, vượt qua những thăng trầm của lịch sử, với nhiều nét tương đồng về văn hóa, giá trị nhân văn, hai dân tộc Việt Nam - Nhật Bản đã gắn bó và tạo dựng được mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp. 

Thủ tướng đề cập một địa danh gắn liền mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản từ xa xưa, đó là Phố cổ Hội An thuộc tỉnh Quảng Nam quê của Thủ tướng, nơi từng là một thương cảng hết sức sầm uất ngay từ thế kỷ 17 và 18, tấp nập các đoàn thuyền buôn của người Nhật đến giao thương. 

Nói một cách hình ảnh, Chùa Cầu ở Phố cổ Hội An với dấu ấn văn hóa Nhật Bản đậm nét có thể được xem như là một trong những biểu trưng cho sự kết nối giữa hai dân tộc.

Về những thành công trong phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam những năm qua, không thể không nhắc đến những đóng góp và hỗ trợ quý báu của Chính phủ và nhân dân Nhật Bản, của các nhà đầu tư, doanh nghiệp Nhật Bản.

MỚI - NÓNG