Cô kêu gọi: Mọi người xem phim đi, để hiểu đúng em đi đã, rồi ghét em cũng được. Ai bảo Ngọc Trinh thật thà? Ở đây, cô ấy cùng ê-kip làm phim đã cố gắng nhập nhèm giữa nguyên mẫu và nhân vật trên phim. Cho nên xem xong phim nhiều khán giả dễ bị lừa lại hỏi: Không biết cô Trinh ngoài đời có phải cô Trinh trên phim không?
Vấn đề sử dụng nguyên mẫu trong sáng tạo nghệ thuật lâu nay vẫn gây tranh cãi, đặc biệt trong văn chương. Chục năm trước, làng văn xôn xao với cuốn tiểu thuyết “Vết sẹo và cái đầu hói” của nhà thơ Võ Văn Trực. Từ cái bìa sách đã khiến người ta hình dung ra nguyên mẫu, đọc đến tác phẩm thì người trong giới, không cần nhạy cảm, đã biết chắc đó là ai.
Cũng không phải “Vết sẹo và cái đầu hói” là tác phẩm đầu tiên xây dựng nhân vật trên nguyên mẫu của đời sống là những văn nghệ sỹ tên tuổi, ngay từ những năm đầu của thời kỳ đổi mới, kiểu sáng tác này đã xuất hiện. Người hào hứng, kẻ chê bai, đủ cả. Song không vì thế mà sức hút của nguyên mẫu giảm đi trong sáng tác văn chương. (Mặc dù trong thời buổi đầy nhạy cảm này, sử dụng nguyên mẫu cũng chẳng khác nào “chơi dao”, không khéo đứt tay).
Một dạo, nhà văn Khuất Quang Thụy, ở vai trò Trưởng ban Kiểm tra của Hội Nhà văn Việt Nam, từng phải đại diện cho Hội theo một nhà văn ra tòa vì nhà văn ấy bị gia đình nọ kiện, chỉ vì một lí do đơn giản: đặt tên nhân vật trong tác phẩm giống tên họ nhà người ta.
Nguyên mẫu nếu vào tay một người viết cao tay thì sẽ thành nhân vật sống động như Thị Nở trong truyện ngắn của Nam Cao, nguyên mẫu chính là dì họ của nhà văn nổi tiếng. Giống như hiện tượng xã hội hóa phim ảnh, người ta đua nhau thành nhà sản xuất, thành diễn viên thì hiện nay lực lượng người viết tự xưng là nhà văn, nhà thơ cũng ngày càng đông đảo. Nguyên mẫu bỗng nhiên bị lạm dụng, trở thành “miếng mồi ngon” cho những người thích làm nhà văn nhưng ngại sáng tạo. Có khi họ bê nguyên cả cuộc đời của ai đó vào trang viết của mình, lười đến mức chẳng thay tên đổi họ cho người ta, hoặc cũng chỉ đổi qua loa, kiểu như Năm Cam thành Sáu Quýt, để khán giả còn dễ “nhận dạng”.
Ngọc Trinh lập lờ muốn đánh đồng đời mình với đời cô Trinh trên phim. Còn không ít người viết văn chương hiện nay lại muốn lôi nguyên mẫu vào tác phẩm, cốt sao cho người đọc ngay lập tức nhận ra và thi nhau bàn tán. Chưa bao giờ như bây giờ, ồn ào, điều tiếng lại có sức hấp dẫn như một giá trị, quyến rũ từ “nữ hoàng nội y” đến không ít người làm nghệ thuật.