Nhập nhèm giao khoán rừng ở Tương Dương

Rừng chưa được bàn giao cho người chăm sóc nhưng gần chục tỷ đồng đã được chi trả.
Rừng chưa được bàn giao cho người chăm sóc nhưng gần chục tỷ đồng đã được chi trả.
TPO - Thực hiện Quyết định 57/2012 của Thủ tướng Chính phủ, lẽ ra Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Tương Dương (Nghệ An) phải hoàn thành việc giao khoán bảo vệ, phát triển, chi trả dịch vụ môi trường rừng, nhưng đến thời điểm này, công tác bàn giao chưa xong mà 8,5 tỷ đồng đã được giải ngân, trong đó không ít trường hợp chi sai.

Trong kế hoạch giao rừng phòng hộ tại vùng lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ, bản Huồi Xá (thuộc xã Mai Sơn, huyện Tương Dương) có 420 ha. Tuy nhiên, khi thực hiện giao rừng và trả tiền, cán bộ Ban quản lý rừng phòng hộ đã trả tiền trước và giao rừng bảo vệ sau. 

Ông Lữ Giang Nam, Phó trưởng bản Huồi Xá, thuộc xã Mai Sơn cho biết, “Tháng 10/ 2013 là giao tiền cho các hộ dân, nhưng đến 27/12/2013 mới giao khoán rừng cho các hộ dân".

Cũng bằng cách trên, nên 45 ngàn ha rừng phòng hộ giai đoạn 2013 – 2015 của huyện Tương Dương chưa được giao hết, nhưng số tiền 8,5 tỷ đồng chi trả bảo vệ rừng đã được giải ngân.

Nhập nhèm giao khoán rừng ở Tương Dương ảnh 1

Đã thế số tiền được chia đều cho cả thôn bản, trong khi đó các tổ bảo vệ và một số hộ gia đình mới là đối tượng chịu trách nhiệm chính trong việc bảo vệ các diện tích rừng được giao khoán. Cũng vì lý do này mà một số nơi đã xuất hiện mâu thuẫn giữa những người được nhận giao khoán rừng và những hộ không nằm trong danh sách. Nguy cơ rừng vô chủ đang diễn ra tại nhiều thôn, bản trên địa bàn huyện miền núi Tương Dương. 

Ông Kha Văn Quân, Trưởng bản Huồi Tố 1, xã Mai Sơn cho biết thêm, gần 420 ha rừng phòng hộ thuộc tiểu khu 524 được giao cho 30 hộ gia đình của bản Huồi Tố 1 vừa mới bị cắt, do rừng giao sai trạng thái và chồng lấn lên đất rừng của một huyện khác đó là Kỳ Sơn. Mặc dù trước đó hơn 1 tháng, các hộ dân này đã được chi trả 48 triệu đồng tiền bảo vệ rừng đợt 2. Tổng cả 2 đợt là 92 triệu đồng. Nghĩa là bà con đã nhận tiền nhưng lại chẳng phải thực hiện nghĩa vụ chăm sóc, bảo vệ rừng. 

Ông Lô Đại Duyên – Chủ tịch UBND xã Mai Sơn, huyện Tương Dương phản ánh,“nếu xảy ra cháy rừng ai chịu trách nhiệm. Trên cương vị Chủ tịch UBND xã, Trưởng ban chỉ đạo phòng chống cháy rừng, tôi phải nắm rõ vấn đề này, nhưng đến nay, vẫn chưa nắm được cụ thể về việc giao đất, giao rừng...”.

Không chỉ có vậy, nhiều diện tích rừng phòng hộ giao khoán cho các hộ dân còn không đúng với trạng thái. Thể hiện ở chỗ đất không có rừng, đồi núi trọc cũng được tính vào diện tích rừng phòng hộ. Sự nhập nhèm, không rõ ràng này là kẽ hở gây thất thoát ngân sách Nhà nước. 

Ông Lê Phùng Thiều – Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Tương Dương cho rằng,  trong quá trình khảo sát và thiết kế, rồi quá trình nghiệm thu cũng đã phát hiện những diện tích rừng sai với trạng thái. 

Được biết, Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Tương Dương hiện đang quản lý trên 100 ngàn ha đất rừng; trong đó có 70 ngàn ha diện tích có rừng.

MỚI - NÓNG
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
TPO - Mưa lớn kéo dài cùng nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng, chia cắt giao thông một số khu vực ở Hà Tĩnh. Ngành chức năng địa phương đã xả tràn các hồ chứa để ứng phó mưa lũ có thể xảy ra.