Trước đó, ngày 22/2, học sinh Đỗ Thị X. lớp 12 trường THPT Lương Thế Vinh (thành phố Hải Dương), đã tử vong do viêm não mô cầu. Ngành y tế tỉnh Hải Dương hiện đang theo dõi gần 50 người có nguy cơ nhiễm bệnh này. Đây là trường hợp tử vong đầu tiên do não mô cầu tại địa phương này trong 10 năm qua. Ông Bùi Huy Nhanh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Hải Dương, cho biết, ngay khi xác định ca tử vong này, Trung tâm đã tiến hành điều tra, lập danh sách những người tiếp xúc trực tiếp, chăm sóc bệnh nhân, các học sinh cùng lớp...
PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết, viêm màng não mô cầu rất nguy hiểm do lây truyền qua đường hô hấp và chỉ sau vài tiếng nhiễm bệnh có thể xuất hiện sốc nhiễm khuẩn. Ở thể nặng, thể tối cấp, bệnh nhân sẽ nhanh chóng bị nhiễm trùng, nhiễm độc nặng, rơi vào tình trạng sốc, suy đa thể tạng và có thể tử vong nhanh trong vòng 24 tiếng. Nếu phát hiện sớm, điều trị kháng sinh rất hiệu quả với căn bệnh này. Các chuyên gia dịch tễ cho hay, mọi người đều có thể nhiễm vi khuẩn não mô cầu. Nhóm tuổi nguy cơ mắc bệnh cao nhất và cũng là nhóm người lành mang vi khuẩn nhiều nhất là lứa tuổi nhỏ. Bệnh do não mô cầu bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, có thể dẫn tới tử vong hoặc để lại nhiều di chứng nặng.
Tại Việt Nam, bệnh xuất hiện quanh năm, có thể xảy ra dịch vào thời tiết mùa thu, đông và xuân. Trong năm 2015 và những tháng đầu năm 2016 ghi nhận các trường hợp mắc bệnh rải rác tại một số tỉnh, TPHCM, Sơn La, Hòa Bình, Gia Lai, Nam Định, Lạng Sơn, Hải Dương... Khi có dấu hiệu nghi ngờ cần đến viện sớm. Đặc biệt chú ý, nếu 1 bệnh nhân có tiếp xúc với bệnh nhân hoặc sống trong tập thể có người đã được xác định viêm não mô cầu, lại có các biểu hiện lâm sàng như sốt cao đột ngột, có thể có rét run, ho, đau họng, mệt mỏi, nhức đầu, rồi thêm các triệu chứng màng não - não như đau đầu dữ đội, cứng gáy, buồn nôn, rối loạn ý thức, li bì, vật vã, kích thích… thì cần nghĩ đến nguy cơ viêm não mô cầu. Còn tại bệnh viện, cần cách ly bệnh nhân và với những người tiếp xúc trực tiếp cần đeo khẩu trang, dùng thuốc dự phòng.