Vụ nữ sinh tử vong do viêm não mô cầu: Theo dõi 50 người liên quan

Các ban đỏ điển hình của bệnh nhân viêm não mô cầu. (Ảnh minh hoạ)
Các ban đỏ điển hình của bệnh nhân viêm não mô cầu. (Ảnh minh hoạ)
Một học sinh lớp 12 trường THPT Lương Thế Vinh (thành phố Hải Dương), em Đỗ Thị X đã tử vong do viêm não mô cầu vào ngày 22/2 vừa qua. Hiện địa phương này đang theo dõi gần 50 người có nguy cơ nhiễm viêm não mô cầu.

Ông Bùi Huy Nhanh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Hải Dương, cho biết, trường hợp tử vong vì não mô cầu này là ca đầu tiên sau hơn 10 năm địa phương không ghi nhận ca nào.

Vì thế, ngay khi xác định ca tử vong do căn bệnh nguy hiểm này, Trung tâm đã tiến hành điều tra, lập danh sách những người tiếp xúc trực tiếp, chăm sóc bệnh nhân, các học sinh học cùng lớp...

Theo đó, hiện có gần 50 trường hợp là người thân và học sinh cùng lớp với bệnh nhân bị tử vong được theo dõi sức khỏe chặt chẽ, giám sát tại gia đình để có thể xác định sớm bệnh khi có dấu hiệu; đồng thời hướng dẫn thực hiện tốt vệ sinh cá nhân (rửa tay xà phòng, sử dụng nước súc miệng, họng thông thường), vệ sinh nơi ở; khử khuẩn lớp học, gia đình và các hộ lân cận.

Bởi viêm màng não mô cầu rất nguy hiểm do lây truyền qua đường hô hấp và chỉ sau vài tiếng nhiễm bệnh có thể xuất hiện sốc nhiễm khuẩn. Ở thể nặng, thể tối cấp, bệnh nhân sẽ nhanh chóng bị nhiễm trùng, nhiễm độc nặng, rơi vào tình trạng sốc, suy đa thể tạng và có thể tử vong nhanh trong vòng 24 tiếng. Trong khi đó, phát hiện sớm, điều trị kháng sinh rất đặc hiệu với căn bệnh này.

Chiều 24/2, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã chỉ đạo Sở Y tế Hải Dương nhanh chóng xử lý, ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch não mô cầu nguy hiểm.

PGS Trần Đắc Phu cho biết: Mọi người đều có cảm nhiễm với vi khuẩn não mô cầu. Nhóm tuổi nguy cơ mắc bệnh cao nhất và cũng là nhóm người lành mang vi khuẩn nhiều nhất là lứa tuổi trẻ. Tại Việt Nam, bệnh này lưu hành ở nhiều nơi, có thể gây thành dịch.

Khi có dấu hiệu nghi ngờ cần đến viện sớm. Đặc biệt, nếu 1 bệnh nhân có tiếp xúc với bệnh nhân hoặc sống trong tập thể có người đã được xác định viêm não mô cầu, lại có các biểu hiện lâm sàng như sốt cao đột ngột, có thể có rét run, ho, đau họng, mệt mỏi, nhức đầu, rồi thêm các triệu chứng màng não - não như đau đầu dữ đội, cứng gáy, buồn nôn, rối loạn ý thức, li bì, vật vã, kích thích… thì cần nghĩ đến nguy cơ viêm não mô cầu.

Còn tại bệnh viện, cần cách ly bệnh nhân và với những người tiếp xúc trực tiếp cần đeo khẩu trang, dùng thuốc dự phòng.

Theo Theo Dân trí
MỚI - NÓNG