Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng đánh giá, nhìn lại chặng đường vừa qua, GDNN đã có những bước thăng trầm nhất định. Tuy nhiên, điều đáng mừng là nhận thức chung của toàn xã hội về dạy và học nghề ngày càng tích cực hơn. Các thể chế, chính sách dù chưa đồng bộ, toàn diện nhưng cũng đã thể hiện sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ban, ngành trong việc phát triển GDNN.
Trong điều kiện ngân sách còn hạn chế, các cơ sở GDNN đã phải huy động mọi nguồn lực được cho phép để xây dựng cơ sở vật chất tốt hơn. Công tác quản lý nhà nước tuy còn nhiều bất cập nhưng phải thừa nhận rằng các cơ quan quản lý đã có những nỗ lực lớn. Chúng ta có sự thống nhất chung từ hệ thống giáo dục công lập, tư thục đến hệ thống có vốn đầu tư nước ngoài.
Theo ông Dũng, đội ngũ nhà giáo là yếu tố cực kỳ quan trọng, quyết định sự thành hay bại của GDNN.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng cùng lãnh đạo Tổng cục GDNN gặp mặt nhà giáo GDNN. |
Ông Trương Anh Dũng - Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN khẳng định, bằng tất cả nỗ lực của toàn hệ thống GDNN, các cơ sở đào tạo, thầy cô giáo và các cán bộ quản lý trong hệ thống, chúng ta đã gặt hái được rất nhiều thành công.
Tuy nhiên, nếu đánh giá một cách khiêm tốn thì chúng ta đang trong giai đoạn bắt đầu đổi mới. Phần lớn những ý tưởng, sáng kiến mà chúng ta đặt ra gần đây nhất trong Văn kiện Đại hội lần thứ 13 của Đảng hay trong Chiến lược phát triển GDNN đến năm 2030 định hướng đến năm 2045 đang ở thì tương lai. Nhưng một thực tế đáng mừng là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành, các địa phương đều rất quan tâm đến GDNN.
"Đội ngũ nhà giáo trong hệ thống GDNN của chúng ta đang gặp muôn vàn khó khăn. Lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đang trực tiếp chỉ đạo để tháo gỡ những khó khăn đó. Mức thu nhập là một vấn đề, nhưng để khơi dậy đam mê, nhiệt huyết, tình yêu nghề của các thầy cô thì việc động viên, tôn vinh, khen thưởng đội ngũ nhà giáo cũng cần được quan tâm hơn nữa. Điều kiện giảng dạy của nhà trường cần phải đáp ứng để thầy cô nâng cao chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, còn nhiều cơ sở chưa có đủ điều kiện, có những nơi còn khó khăn hơn cả. Chúng tôi chia sẻ với những khó khăn đó", ông Trương Anh Dũng chia sẻ.
Tại buổi gặp mặt, các thầy cô cũng nêu những khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sinh viên, đặc biệt là khi các doanh nghiệp tuyển dụng đều yêu cầu ứng viên phải có ít nhất 1 năm kinh nghiệm.
Đối với vấn đề này, thầy Nguyễn Anh Tuấn - Giảng viên Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Singapore chia sẻ, việc doanh nghiệp đòi hỏi kinh nghiệm của sinh viên mới ra trường cũng là điều nhà trường từng trăn trở. Tuy nhiên, nhà trường đã có một chiến lược thành công để giải quyết vấn đề này. Đó là việc liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp.
Các thầy cô cũng đưa ra một số kiến nghị như được quan tâm đầu tư hơn nữa cho các thiết bị dạy học; quan tâm hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng cho nhà giáo; sớm có những chính sách hỗ trợ kịp thời nâng cao đời sống của đội ngũ nhà giáo nói chung, nhà giáo GDNN nói riêng...
BOX: Theo số liệu từ Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, hiện cả nước có 1.909 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN), trong đó có 399 trường cao đẳng, 458 trường trung cấp và 1.052 trung tâm với gần 84.000 giảng viên, giáo viên dạy nghề. Trong đó, có 37.235 giảng viên cao đẳng, 13.295 giáo viên trung cấp và 33.429 nhà giáo tại các trung tâm GDNN và các cơ sở khác có tham gia hoạt động GDNN.
Hầu hết đội ngũ nhà giáo đạt chuẩn về nghiệp vụ sư phạm, trình độ đào tạo, chức danh nghề theo quy định (trong đó 31,7% có trình độ trên đại học, 60,1% có trình độ đại học, cao đẳng hoặc cao đẳng nghề và 8,2% có trình độ trung cấp chuyên nghiệp hoặc trung cấp nghề). Khoảng 70% nhà giáo đạt chuẩn trình độ kỹ năng nghề để dạy thực hành.