Nhận tâm thư từ đại học Luật TPHCM, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói gì?

Trường ĐH Luật TPHCM đang xảy ra nhiều bất ổn
Trường ĐH Luật TPHCM đang xảy ra nhiều bất ổn
TP - Sau khi nhận được thông tin và “tâm thư” của một số cán bộ, giảng viên Trường ĐH Luật TPHCM, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã chỉ đạo thành lập ngay tổ công tác của Bộ vào làm việc với Trường ĐH Luật TPHCM.

Ngày 8/6, Phó Chánh thanh tra, Tổ trưởng Tổ công tác của Bộ GD&ĐT - ông Nguyễn Đức Cường cho biết, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã yêu cầu sớm kết luận và kiên quyết xử lý các vấn đề xảy ra để ổn định Trường ĐH Luật TPHCM. 

Sau khi nhận được thông tin và “tâm thư” của một số cán bộ, giảng viên Trường ĐH Luật TPHCM, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã chỉ đạo thành lập ngay tổ công tác của Bộ vào làm việc với Trường ĐH Luật TPHCM.

Bộ trưởng giao các đơn vị chức năng của bộ kiểm tra làm rõ các vấn đề mà cán bộ, giảng viên phản ánh để sớm kết luận và đề xuất hướng xử lý đảm bảo công tâm, khách quan, kiên quyết, kịp thời. Khi có thông tin kết luận phải công khai cho cán bộ, giảng viên nhà trường.

Bộ trưởng yêu cầu Đảng ủy, Ban giám hiệu Trường ĐH Luật TPHCM nâng cao tinh thần trách nhiệm trước cán bộ, giảng viên và sinh viên, nghiêm túc khắc phục các tồn tại, hạn chế của nhà trường thời gian qua, sớm ổn định các hoạt động của nhà trường. 

Thời điểm thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học 2019 đã cận kề, Bộ trưởng đề nghị cán bộ, giảng viên Trường ĐH Luật TPHCM đoàn kết, nêu cao tinh thần trách nhiệm, chung tay tổ chức kỳ thi và tuyển sinh năm 2019 an toàn, hiệu quả và thành công.

Như đã đưa tin, năm 2018, Kiểm toán Nhà nước đã tiến hành kiểm toán tại trường ĐH Luật TPHCM và ra thông báo số 556/TB-KTNN chỉ ra những sai sót, bất cập, hạn chế tại đây.

Cụ thể, theo Kiểm toán Nhà nước, Trường ĐH Luật TPHCM không thực hiện chi toàn bộ học bổng khuyến khích học tập cho sinh viên bằng nguồn thu học phí và chi từ nguồn ngân sách số tiền 1,5 tỷ đồng; Chưa thực hiện đấu thầu theo Luật đấu thầu về hợp đồng liên kết đào tạo với Công ty Anh văn Việt Mỹ (VASS) để tổ chức đào tạo Anh ngữ theo chương trình TOEIC quốc tế (3 tỷ đồng) và hợp đồng với Công ty cổ phần giáo dục và đào tạo GHI quốc tế tổ chức đào tạo kỹ năng cứng, kỹ năng mềm theo yêu cầu chuẩn đầu ra (653 triệu đồng).

Trong khi đó, trường này chi thù lao giảng dạy cho 55 giảng viên dạy vượt giờ 300 giờ lao động với số tiền 607,6 triệu đồng là chưa tuân thủ Nghị định 43/2013 của Chính phủ. Kết luận của Kiểm toán cũng nêu rõ trường ĐH Luật TPHCM chi trả thu nhập tăng thêm cho người lao động 18,2 tỷ đồng bằng 0,96 lần Quỹ lương cấp bậc chức vụ đang thực hiện theo tính bình quân, chưa căn cứ vào hiệu suất, kết quả công việc dựa trên tiêu chí xếp loại ABC theo quy định tại Quy chế chi tiêu nội bộ. Ngoài ra, chi thanh toán tiền học lại, thi lại cho cán bộ, viên chức chưa có trong Quy chế chi tiêu nội bộ, không có bảng chấm công và hồ sơ chứng minh các nội dung thực hiện như quản lý, chỉ đạo, thực hiện số tiền 2,1 tỷ đồng…

Theo Kiểm toán Nhà nước năm học 2016-2017 và 2017-2018 nhà trường thu học phí vượt mức quy định 6,87 tỷ đồng. Thu vượt học phí học lại, đồng thời chưa công khai mức thu trên trang mạng của trường số tiền 205,9 triệu đồng và thu vượt lệ phí tuyển sinh theo quy định 84 triệu đồng.

Về liên kết đào tạo, Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra, Trường ĐH Luật TPHCM thực hiện liên kết đào tạo với một số cơ sở giáo dục khi chưa đủ điều kiện thực hiện liên kết. Trong số 14 cơ sở liên kết đào tạo, chỉ có 2 cơ sở có công văn trả lời đồng ý của Bộ GD&ĐT, 1 cơ sở có gửi Bộ tờ trình nhưng không được phản hồi, còn lại 11 cơ sở chưa cung cấp được quyết định cho phép liên kết đào tạo của Bộ GD&ĐT.

Trước những sai sót, hạn chế trên, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị Trường ĐH Luật TPHCM thực hiện điều chỉnh số kế toán, báo cáo tài chính theo Kết luận của Kiểm toán nhà nước. Thu hồi nộp ngân sách nhà nước số tiền 1,766 tỷ đồng; Chuyển quyết toán năm sau số tiền 2,3 tỷ đồng; Thực hiện thu học phí theo đúng quy định; Chấm dứt việc thu lệ phí vượt, số tiền 6,87 tỷ thu vượt học phí đề nghị trích lập Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của trường…

“Ghế nóng” hiệu trưởng đang vắng chủ

Trước đó, ngày 7/6, trao đổi với PV Tiền Phong về những lùm xùm của Trường ĐH Luật TPHCM trong thời gian qua, bà Võ Thị Kim Oanh, Chủ tịch Hội đồng, Trường ĐH Luật TPHCM cho rằng, nguyên nhân sâu xa là từ chiếc “ghế nóng” hiệu trưởng đang thiếu chủ.

Theo bà Oanh, bất kể cơ quan, đơn vị nào cũng có những bất ổn nhất định. Vào khoảng cuối năm 2017, GS Mai Hồng Quỳ (thời điểm đó đang là hiệu trưởng - PV) chuẩn bị về hưu thì xuất hiện nhiều đơn thư tố cáo gửi đến khắp nơi. Lúc đó, trường có 3 hiệu phó nhưng chỉ có 2 người đủ điều kiện để ngồi vào chiếc ghế hiệu trưởng đó là thầy Lê Trường Sơn và thầy Bùi Xuân Hải. Riêng thầy Trần Hoàng Hải vì quá tuổi nên không đủ điều kiện. Đơn thư lúc đó chủ yếu tập trung vào tố cáo cô Quỳ và thầy Lê Trường Sơn nên xét về tiêu chí chỉ còn thầy Bùi Xuân Hải là đủ điều kiện.

“Tuy nhiên, vì độ chín và kinh nghiệm, Hội đồng trường và cán bộ chủ chốt đã giới thiệu thầy Trần Hoàng Hải nắm quyền phụ trách đồng thời mong muốn bồi dưỡng đội ngũ kế cận. Đây là mong muốn của tập thể”, bà Oanh nói.

Liên quan đến kết luận của Kiểm toán Nhà nước thời gian qua, bà Oanh xác nhận đúng sự việc. “Cùng với kết luận, phía Nhà trường cũng đã có biện pháp xử lý trách nhiệm những cá nhân liên quan, khắc phục hậu quả, một số sai phạm khác thì đang tiếp tục làm rõ để xử lý… nên việc lặp lại những vấn đề này là không cần thiết, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của trường. Theo tôi, những bất ổn hiện nay là không đáng và nguyên nhân sâu xa là từ chiếc “ghế nóng” hiệu trưởng đang thiếu chủ”, bà Oanh khẳng định.

Theo bà Oanh, thầy Trần Hoàng Hải hiện rất được mọi người ủng hộ, điều đó được thể hiện qua số phiếu. Cụ thể là ngày 20/2/2019, nhà trường đã tổ chức lấy phiếu tín nhiệm hiệu trưởng, hiệu phó theo kế hoạch thực hiện công tác quy hoạch viên chức giai đoạn 2018- 2023. Kết quả, Hiệu phó phụ trách Trần Hoàng Hải có số phiếu tín nhiệm cao nhất, gần như tuyệt đối và bỏ xa hai người kia. “Tuy nhiên, do thầy Trần Hoàng Hải được bổ nhiệm làm phó hiệu trưởng phụ trách nên về nguyên tắc, chiếc ghế nóng hiệu trưởng vẫn còn trống. Nói là đa số ủng hộ nên vẫn còn số ít chưa phục, họ tiếp tục đấu tranh, phản biện”, bà Oanh bày tỏ…

Trong khi đó, PGS.TS Trần Hoàng Hải, Phó hiệu trưởng phụ trách trường ĐH Luật TPHCM cho biết, mấy ngày gần đây tình hình nội bộ nhà trường bất ổn gây nên tâm trạng hoang mang, lo lắng cho tập thể thầy cô giáo trong trường. Tuy nhiên, mọi hoạt động của nhà trường vẫn diễn ra bình thường, không có bất kỳ xáo trộn hay đình trệ.

“Trong số các vụ việc tố cáo, có nhiều vụ việc xảy ra trước đó khá lâu, có kết luận của thanh tra và xử lý cá nhân liên quan. Một số vụ việc sau này, nhà trường cũng đã mời cơ quan công an vào cuộc để làm rõ, trả lại công bằng cho tập thể nhà trường”, ông Hải khẳng định và mong muốn cán bộ, giảng viên nhà trường đồng lòng, đoàn kết, ổn định để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh đại học sắp tới.

MỚI - NÓNG