Nhan sắc ảo và khoe thân thời @

Biến tướng phản cảm từ trào lưu “vòng tay chạm rốn”.
Biến tướng phản cảm từ trào lưu “vòng tay chạm rốn”.
TP - Nhiều người đua nhau đo sự cân đối của gương mặt, cơ thể bằng tay và chỉnh sửa dung nhan bằng hiệu ứng công nghệ. Đi cùng trào lưu này là những trường hợp biến tướng phản cảm.

Nở rộ nhan sắc ảo

“Vòng tay chạm rốn” đang là trào lưu thu hút nhiều người trẻ tham gia. Đây là trào lưu xuất phát từ một bộ phận giới trẻ Trung Quốc với suy nghĩ vòng tay ra sau lưng, qua eo và ngón tay chạm đến rốn thì chứng tỏ cơ thể có vòng hai cân đối, hoàn hảo. Tham gia “vòng tay chạm rốn” có cả người của công chúng như nữ diễn viên Dương Mịch, Hoắc Tư Yến, Trương Gia Nghê; các thành viên nhóm nhạc EXO ở Đài Loan...

Tại Việt Nam, trào lưu này nhanh chóng được không ít người thực hiện và đăng tải hình ảnh trên trang cá nhân, diễn đàn xã hội. Gõ từ khóa “vòng tay chạm rốn”, Google cho 304.000 kết quả chỉ trong thời gian 0,34 giây. Còn trên Facebook có hẳn fanpage Lấy tay chạm rốn - Vòng tay chạm rốn, Vòng tay sau lưng chạm rốn... thu hút hàng nghìn người tham gia theo dõi. Fanpage Vòng tay sau lưng chạm rốn chia sẻ: “Chụp ảnh chạm rốn không chỉ chứng tỏ được mình sở hữu một vòng eo thon thả, mà còn được khoe khéo vẻ quyến rũ, gợi cảm với những đường cong “chết người”. Thế nhưng, các bạn nữ cũng đừng quá “ám ảnh” với thử thách này nhé...”. Trong số những người tham gia trào lưu này có nhiều gương mặt được xem là hot teen, sao Việt như Khả Ngân, người mẫu Hoàng Thùy, ca sỹ Thiều Bảo Trang, Ngọc Trinh, Lilly Luta... Nhiều lời thử thách thực hiện “vòng tay chạm rốn” tiếp tục được đưa ra.

Trước “vòng tay chạm rốn”, cộng đồng mạng từng rộ lên phương pháp test “tỷ lệ vàng” của gương mặt cân đối bằng ngón tay. Theo đó, cư dân truyền nhau rằng, đặt ngón tay trỏ của mình lên cằm và mũi, sau đó xác định xem phần môi của mình có chạm vào ngón tay này hay không. Nếu có, bạn là người xinh xắn; còn nếu môi không chạm thì là người có khuôn mặt không đẹp. Hàng loạt gương mặt trong làng giải trí, hot teen bị cuốn hút, hoặc bị các anh hùng bàn phím đo đếm, bình luận. 

Với tinh thần “thà đẹp nhân tạo hơn xấu tự nhiên”, những người có điều kiện thì đi phẫu thuật thẩm mỹ, còn đa phần tìm đến hiệu ứng công nghệ. Trên các diễn đàn, mạng xã hội tràn ngập những bức ảnh được tút tát bằng ứng dụng Camera 360 thay đổi màu sắc da, xóa mụn; dùng Photo Wonder như một phép thần thông biến thân hình trở nên cân đối, sửa mũi, nâng ngực; Spring với tính năng kéo dài chân thuôn dài. Không kể giới tính, độ tuổi, tất cả đều mang vẻ đẹp không tì vết cùng tiêu chí da trắng, mắt to tròn...

Thiếu cơ sở và “khó đỡ”

Thu hút nhiều người tham gia, nhưng “vòng tay chạm rốn”, đo tỷ lệ vàng khuôn mặt bằng ngón trỏ đều được cảnh báo là chưa có tài liệu khoa học nào chứng minh chính xác. Jolene Tan, một nhà nghiên cứu xã hội ở Singapore, cho rằng, những bức ảnh khoe chạm tay tới rốn có thể khiến mọi người vui vẻ, nhưng đôi khi cũng gây ra hiệu ứng tâm lý không tốt, thậm chí phát cuồng. Thử thách này giống với việc khuyến khích bệnh rối loạn ăn uống và “làm méo mó” tiêu chuẩn cái đẹp của xã hội; “chạm tay vào rốn” không có nghĩa sở hữu thân hình thon thả mà chỉ là có cánh tay dài và mềm dẻo.

“Hệ quả của việc làm đẹp mù quáng như trào lưu vòng tay chạm rốn và những hành động biến tướng để giải trí dễ bị tổn thương về tâm lý, dẫn đến mất niềm tin vào cuộc sống và thậm chí có thể ảnh hưởng đến tính mạng”.

TS. Nguyên An Chất, Giám đốc Cty Tâm lý An Việt Sơn 

Từ những thử thách “vui là chính”, “vòng tay chạm rốn” xuất hiện nhiều hình ảnh phản cảm về trang phục hở hang. Người ta chụp ảnh từ phòng tập thể thao, phòng ngủ đến phòng vệ sinh, nơi công cộng (công viên, cửa hàng...). Thậm chí, nhiều thử thách phản cảm đã được giới trẻ đưa ra là chạm ngực, chạm vào vị trí nhạy cảm trên cơ thể, rồi đăng tải hình ảnh lên mạng xã hội. Thực hiện vòng tay chạm ngực, người mẫu Hoàng Thùy còn thách thức một loạt sao Việt. Cô người mẫu Andera không quên bình luận: “Làm cái này đau tay đừng hỏi. Đùa chứ ngực lép cũng có cái hay”. Những bức hình này nhận được hàng nghìn like, bình luận thích thú, nhưng cũng không ít ý kiến phê bình như “Người của công chúng mà kỳ quá. Phản cảm” và bình luận khiếm nhã.

Một số chuyên gia cho rằng, giới trẻ cần cảnh giác với các trào lưu đang nở rộ trên mạng xã hội. Đa phần là để giải trí, mua vui, không phải là thước đo để các bạn trẻ soi mình vào đó. “Thực ra, vòng tay chạm rốn không thể hiện điều gì. Hình thức, vóc dáng của con người không phụ thuộc vào cánh tay dài hay eo thon nhỏ. Các bạn trẻ không nên sa đà vào những trào lưu kiểu này vì vừa mất thời gian vừa khiến người khác hiểu không hay về mình”, BS. Lê Trọng, chuyên gia tư vấn về sức khỏe, nói.

MỚI - NÓNG