Nhẩn nha Mùa Báo Việt

Ông Phạm Thanh (giữa) Lê Huy Côn (phải) và Đoàn Mạnh Giao.
Ông Phạm Thanh (giữa) Lê Huy Côn (phải) và Đoàn Mạnh Giao.
TP - Ông Lê Huy Côn nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ công nghiệp hưu đã lâu và ông Đoàn Mạnh Giao, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) không biết tự năm nào nẩy ra cái sáng kiến cứ cận ngày 21/6, ngày Báo chí có một cuộc tụ tập. Nho nhỏ thôi, độ mươi người. Thành viên của cuộc tụ vui vẻ ấy tiêu chuẩn đầu tiên phải là những anh em làm báo đã hưu. Thú thực, tôi vẫn chưa thông tỏ cái quy chế ấy lắm?

Cuộc tụ năm nay vẫn là mấy ông mấy anh viết cũ. Phạm Thanh nguyên Trưởng Ban kinh tế và Hải Đường báo Nhân Dân, Đài tiếng nói Việt Nam có Trần Mai Hạnh và Kim Cúc, Trần Anh Thái, Phạm Quang Đẩu báo QĐND, Hữu Ước, nguyên Tổng Biên tập báo Công an và An ninh thế giới (CA&ANTG) và Ngôn Vĩnh. 

Cổng Thông tin Chính phủ Trần Việt Dũng … Ngó  vị phụ trách cuộc tụ kiêm trưởng mâm Lê Huy Côn tuổi sắp bát tuần và ông phó mâm Đoàn Mạnh Giao may mà còn nhanh nhẹn hoạt bát bên đám viết đa phần tóc trắng phớ với muối tiêu cộng thêm câu của ai đó buông ra đại ý là mỗi dịp 21/6 như thế này chúng ta nhìn thẳng vào mắt nhau thấy cũng đáng sống lắm vì  không có điều chi thấy phải ngường ngượng với nhau cả.

Hình như tất tật thành viên cuộc tụ đều có chung một mẫu số là hạ cánh an toàn? Như ông trưởng mâm Lê Huy Côn suốt mười mấy năm giữ chân Thứ trưởng thường trực Bộ Công nghiệp, may mà  phẩm chất tính cách lẫn cái vía lành khôn thiêng của các cụ phù hộ đã vượt thoát bao thứ vớ vẩn bủa vây quanh cái ghế thứ trưởng thường trực. 

Ông thứ trưởng họ Lê này mỗi lần vô Nam luôn là khách quý của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành. Vì sao ư? Bởi Lê Huy Côn, người có nhiều công lao khai sơn phá thạch cải biến một trung tâm Đào tạo công nhân may, thuộc công ty Dệt may Sài Gòn thuộc Tập đoàn Dệt – May thành Trường đại học Nguyễn Tất Thành với cơ ngơi khang trang có hơn 10.000 sinh viên với 22 khoa và 50 chuyên ngành như hiện nay.

Bên cạnh là ông phó mâm Đoàn Mạnh Giao tròm trèm tuổi ông Côn, tóc húi cua ngó còn rất phong độ. Cung cách chuyện trò cùng lối kiến văn khiến cánh viết lách cùng đám văn nghệ sĩ thường quây quanh ông một cách tự nguyện. Chợt nhớ 11 năm trước, ở Washington DC, Chánh văn phòng Chính phủ Đoàn Mạnh Giao tóc để dài chứ không cắt cua như bây giờ, chu tất cùng ông Lê Thanh Hải Chủ tịch TPHCM tổ chức chốc lát nhưng ấm áp một cuộc chúc mừng các nhà báo nhân dịp 21/6 trong nhóm báo chí tháp tùng chuyến thăm hữu nghị chính thức Hoa Kỳ của Thủ tướng Phan Văn Khải. Cũng trong chuyến đi ấy có một chuyện mà đến bây giờ tôi vẫn phải ghìm bút lại chưa dám động đậy! Chuyện do ông Giao kể lại.  Nói nhỏ thôi nha, chuyện tại sao TT Khải lại giở tờ giấy ra trong cuộc chuyện trò với TT G. Bush. 

Nói vậy cũng không phải vậy vì có hai ông vướng phải vòng lao lý là Trần Mai Hạnh với Hữu Ước. Nhưng hai lão này hình như đã biết biến hung thành cát biến dữ thành lành? Bằng cớ là cái quỹ ba năm ngồi tù Chí Hòa của Hữu Ước, lão đã thăng hoa thành cuốn sách dầy nặng như cục gạch có tên là Sống đang được dư luận dòm ngó. Ông Côn với ông Giao đang chăm chú nghe lão lược thuật lại cái vụ mà báo chí đang rộ lên việc lão sẽ làm tới cùng vụ vu khống gì đó thời gian lão còn phụ trách tờ CA & ANTG. 

Người nghe thông cảm lẫn ái ngại. Các ông anh lớn tuổi đang có những góp ý cho Hữu Ước. Còn Trần Mai Hạnh nghe nói lão chả hề để uổng hoài mấy năm lao lý? Bằng cớ cuốn sách viết về sự kiện 30-4 lão nghiền ngẫm và khổ công chắp nối từng đoạn một trong nhà giam. Sau khi ra tù Trần Mai Hạnh chỉ việc chép lại cho sạch sẽ. Cuốn ấy, Trần Mai Hạnh đoạt Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam mới rồi. 

Thế nhưng, nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam suốt cuộc tụ rất kiệm lời. Đâu rồi chất xăng xái hoạt bát của phóng viên Trần Mai Hạnh thời tờ Tuần Tin Tức chui lủi cùng làm phóng sự về những vụ việc ở xứ Thanh giữa những năm tám mươi thế kỷ trước. Cũng nghe nói ông Trần Mai Hạnh đang ấp ủ một đề tài cho một cuốn sách hot hơn cuốn được giải của Hội Nhà văn mới rồi? Có thể lắm!...

… Ai đó đang đề cập, thậm chí chì chiết những hớ hênh của việc, của nghề báo. Rằng hay thì cũng có nhưng các cây bút phải nghiêm cẩn hơn. Là đang hôi hổi sự kiện cái SU mất tích. Phản ánh miêu tả thế nào, người ngoài cuộc thì báo nói sao biết vậy, nhưng dư luận anh em bên Không quân lấy làm lạ lùng và thắc mắc khi đọc thấy trên nhiều báo tả cung cách khi bung dù xuống biển nhất là kiểu tiếp mặt nước của phi công. 

Nhà báo lão thành Phạm Thanh, dân Quảng Xương xứ Thanh thì thở dài về câu chuyện ở báo nọ phản ánh một xã ở Thanh Hóa có hơn 500 cán bộ mà mỗi lần ông về quê chả dám gặp anh em lãnh đạo vì báo ấy viết sai. Tôi giật mình nghĩ ngay đến chuyện ở huyện nhà. Cô chủ tịch huyện lần gặp mới đây nhăn nhó thuật lại một việc dị hợm. 

Ấy là, không hiểu cao hứng kiểu gì mà phóng viên nhà Đài… nọ  nghĩ ra cách lấy chổi tre lia cho tướp luống cải đang mơn mởn giả bộ sâu ăn để chứng minh rau sạch. Cô chủ tịch thở dài, vốn luôn yêu quý bảo vệ các nhà báo nhưng chuyện này thì nuốt khó trôi.

Mâm phó Đoàn Mạnh Giao kể lại chuyện, một tờ báo nọ đã miêu tả mấy cái bonsai của quan chức này nọ có giá cỡ tiền hàng chục tỷ mới sắm mới mua. Tò mò ông Giao đến tận nơi. Mới ngó qua ông giật mình quả cái tay này trọc phú thẩm mỹ lù đù thật. Đám bonsai cây cảnh quả là nhiều nhưng pha tạp à uôm giá chỉ đáng vài triệu. 

Rồi không thiếu những báo mạng giăng đầy ảnh nhà khủng, vườn khủng với những lời chú thích như rôm đốt hoành tráng không kém. Nhưng ngó qua ảnh, lớn thì lớn thật nhưng cung cách xây cất bày biện rất kém thẩm mỹ phản khoa học, chỉ có đám trọc phú mới giăng mới bầy để lòe thiên hạ mà thôi.

 Kể lại chuyện này muốn nhắn nhủ  đồng nghiệp của các ông phải cố để có những kiến thức sơ đẳng khi hành nghề. Thẩm định giá trị phải tương đối. Chứ không lại cổ súy tán dương thứ thẩm mỹ kệch cỡm của bọn trọc phú vô tình sẽ phản tác dụng.

Còn lão Phạm Thanh khái quát cứ như một thứ tổng kết nghiệp vụ rằng, có hai loại sai sót: Do nhầm lẫn và do cố ý. Sơ suất do kiến thức, do nghiệp vụ non yếu thì có thể khắc phục nhưng cái khoản cố tình thì có lẽ khó có thuốc chữa vì nó là đạo đức nghề nghiệp mất rồi!

Nhẩn nha Mùa Báo Việt ảnh 1

Các nhà báo “phục” đón Tổng thống Mỹ Obama.

Chẳng rõ ai tự dưng khơi lên cái chuyện lình xình việc bổ nhiệm con trai vị cựu Bộ trưởng vào cái chức cái ghế quá rộng quá lớn- ý không xứng với năng lực mà dư luận mấy bữa nay đang xôn xao. Không khí cả mâm bia như chùng xuống khi nguyên Thứ trưởng Côn cười mà rằng, bữa nay có nhiều món, vị tất có nên thêm cái món nhân sự nữa không nhỉ? 

Đang ngồi, ông Côn chợt đứng dậy giọng khẽ khàng như tâm sự… Chất giọng chùng cùng vẻ mặt buồn rợi của ông cứ như thể ông là người trực tiếp gây ra cùng là chịu trận cái việc mà thiên hạ đang đàm tiếu kia và ông đương thay mặt để xin lỗi vậy! Ông bảo thời nào cũng có quy chế, đừng nói bây giờ nhiều cái sơ hở. Thời nào cũng vậy, nhân sự tức là việc người, là khoa học thuộc về con người. Quy chế chỉ phần nào ức thúc hạn chế cái sự tham. Nhưng cứ nhăm nhăm rình chực sơ hở để lòng tham chui lọt thì chả có quy chế nào phong tỏa...

Hưu. Cả chủ lẫn khách. Đâu đó đương thịnh hành cái thói thường chỉ hưu  thì người ta hay mạnh miệng lớn tiếng? Nhưng để ý suốt cả cuộc tụ, có cả bia làm xúc tác, cả mâm chỉ rủ rỉ vừa phải. Tịnh bặt hẳn không có khuôn mặt nào đỏ văng...

Những rủ rỉ chuyện nghề cùng nghiệp. Có xót xa tiếc nuối nhưng không tuyệt vọng. Những chuyện hành nghề của các quan và dân báo xuyên qua thời bao cấp khốn khó cũng được rủ rỉ trải bày. Hình như cái ngưỡng hưu nó làm nên tiêu chí để trung hòa cùng chế ngự? Những cuộc gặp hiếm hoi mỗi năm một lần vào Mùa Báo Việt cứ như một dạng, một kiểu riêng của 21/6? Được rủ rỉ tâm can cùng các bậc cao niên biết mình, hiểu nghề mình nghiệp mình lại cũng chả vui sao?

Chẳng rõ ai tự dưng khơi lên cái chuyện lình xình việc bổ nhiệm con trai vị cựu Bộ trưởng vào cái chức cái ghế quá rộng quá lớn- ý không xứng với năng lực mà dư luận mấy bữa nay đang xôn xao. Không khí cả mâm bia như chùng xuống khi nguyên Thứ trưởng Côn cười mà rằng, bữa nay có nhiều món, vị tất có nên thêm cái món nhân sự nữa không nhỉ?


MỚI - NÓNG