Nhân duyên trong mơ được thể hiện hình tượng Bác

TP - Hiếm nghệ sĩ nào được như Minh Hải. Anh có 20 năm làm nghề và từ 15 năm nay thường xuyên được thể hiện hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Quãng đường làm nghề, đặc biệt những lần thể hiện hình tượng lãnh tụ vĩ đại của dân tộc luôn mang đến nhiều cảm xúc đặc biệt.

Nhân duyên cả đời

Hơn 20 năm gắn bó với Nhà hát Kịch Việt Nam sau khi tốt nghiệp trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, nghệ sĩ Minh Hải có đến 15 năm thể hiện hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Anh được trải nghiệm nhiều dạng vai trên sân khấu, tuy nhiên thành công lớn nhất của Minh Hải được ghi nhận chính là bản lĩnh và khả năng thể hiện nhuần nhuyễn, thuyết phục hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Minh Hải được trao cơ hội thể hiện hình tượng lãnh tụ khi đang làm trợ lý trường quay cho chương trình Sân khấu truyền hình. Thời điểm đó, anh phải giúp đạo diễn Phạm Hà Bảo tìm diễn viên để thể hiện hình tượng Bác trong những năm 1947-1950 cho vở Bác Hồ ra trận.

“Năm 2009, tôi là trợ lý trường quay cho chương trình Sân khấu truyền hình, phát sóng tối thứ 7 hằng tuần. Thời điểm đó, ê-kíp mong muốn tìm kiếm diễn viên thể hiện Bác với ngoại hình gầy gò, khắc khổ, mặc quân phục để đi chỉ huy Chiến dịch Thu - Đông”, nghệ sĩ Minh Hải nhớ lại.

Lúc đó, nhiệm vụ cấp bách của ê-kíp là tìm cho được diễn viên thể hiện hình tượng Bác Hồ. Tuy nhiên, ngày ghi hình đã có nhưng nhà sản xuất vẫn đau đáu với khâu chọn diễn viên. “Có nhiều nghệ sĩ trước đó đã ghi dấu ấn khi thể hiện hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng tại thời điểm đó lại chưa có ngoại hình phù hợp. Tôi được chọn sau khi đọc thử Tuyên ngôn độc lập bằng chất giọng Nghệ An. Sau đó, đạo diễn vén trán và yêu cầu tôi cạo thêm 3-4 cm tóc. Tôi đồng ý, bởi đây là sự hi sinh vì nghệ thuật rất xứng đáng”, nghệ sĩ Minh Hải kể lại.

Vở Bác Hồ ra trận mở đầu cho sự nghiệp thể hiện hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh của nghệ sĩ Minh Hải. Ngay sau vở Bác Hồ ra trận, Minh Hải lên đường sang Trung Quốc, gia nhập đoàn phim Vượt qua bến Thượng Hải. Thời điểm đó, đoàn làm phim đang tìm kiếm diễn viên để thể hiện hình tượng Bác vào năm 1933 khi Người hoạt động ở Hạ Môn (Trung Quốc).

Nhân duyên trong mơ được thể hiện hình tượng Bác ảnh 1

Vở Đêm trắng đem về cho nghệ sĩ Minh Hải huy chương Vàng trong Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2024

Nghệ sĩ Minh Hải nhớ mãi khoảnh khắc vội vàng chạy đến nơi tuyển chọn của đoàn làm phim: “Vào 17h, đoàn làm phim gọi cho tôi để lên gặp mặt, xem xét cho vai trong Vượt qua bến Thượng Hải. Thời gian rất gấp rút, bởi đạo diễn Phạm Đông Vũ (Trung Quốc) phải lên máy bay về nước lúc 21h. Tôi đến gặp nhà sản xuất trong bộ vest đen. Hình ảnh của tôi lúc đó có nhiều nét tương đồng với hình ảnh Bác khi ở thành phố Tours (Pháp) nên tôi được chọn luôn”.

Nửa tháng sau, đoàn Việt Nam gồm sáu người trong đó có Minh Hải khởi hành sang Trung Quốc để làm phim. Nghệ sĩ Minh Hải tự hào bởi được xuất hiện trong Bác Hồ ra trận và Vượt qua bến Thượng Hải là hai nhân duyên rất lớn của cuộc đời.

Ánh mắt và giọng nói có thần

Với nghệ sĩ Minh Hải, ba cảm xúc đầu tiên khi cầm kịch bản thể hiện hình tượng Bác Hồ luôn là niềm xúc động, bồi hồi, đi kèm với áp lực. Anh khẳng định, áp lực có lẽ chiếm đến 99%. Phần lớn áp lực đến từ thực tế trước Minh Hải đã có nhiều nghệ sĩ tiền bối thể hiện rất thành công hình tượng Bác, chẳng hạn như nghệ sĩ Văn Tân, Tiến Hợi.

Nhân duyên trong mơ được thể hiện hình tượng Bác ảnh 2

Nghệ sĩ Minh Hải trong vở Đêm trắng tái hiện hình ảnh Bác Hồ

“Dù lần đầu tiên hay lần thứ bao nhiêu nhận vai đi nữa, tôi đều rất xúc động. Mỗi người có phong cách riêng, vì vậy mỗi vai diễn cũng cần có cách diễn riêng. Tôi luôn cố gắng nghiên cứu và thể hiện gần nhất theo hình tượng của Bác, nhưng luôn gắng đưa vào một vài dấu ấn cá nhân. Nét riêng ấy được thể hiện qua tiếng nói và ánh mắt”, nghệ sĩ Minh Hải nói.

Minh Hải có nhiều đêm không ngủ, chỉ để nghiên cứu, tập luyện, đi đi lại lại trước gương và ghi hình thử. Sự trăn trở ấy không gì khác ngoài mong muốn thể hiện thành công hình tượng về vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc.

Để tái hiện hình tượng Bác Hồ một cách sống động, chân thực nhất bên cạnh tạo hình, trang phục, nghệ sĩ Minh Hải sẽ nhấn nhá đài từ hoặc thể hiện những cử chỉ đặc trưng của Bác. Đây đều là những hành động của Bác trong cuộc sống hằng ngày, được ghi lại trên tư liệu. Nam nghệ sĩ tái hiện lại từ dáng đi, hành động cho thuốc chiến sĩ, cho kẹo các cháu thiếu nhi đến ánh mắt khích lệ các chiến sĩ... Anh gây ấn tượng với giọng nói Nghệ An, có thể nói là giống giọng nói của Bác đến 70%.

“Tiếng nói của Bác khi đọc bản Tuyên ngôn độc lập luôn hằn sâu trong tâm trí của nhiều người dân. Không chỉ giống vẻ ngoài, hình tượng mà giọng nói của diễn viên cũng cần có nét tương đồng. Phải có sự đồng bộ cả về đường hình và đường tiếng, để làm được điều đó diễn viên phải dày công vô cùng. Đến bây giờ nghĩ lại, tôi không hiểu sao mình có thể làm được”, Minh Hải bộc bạch.

Vào vai mượt mà, tái hiện sống động hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Minh Hải từng được cố NSƯT Tiến Hợi - người nhiều lần thể hiện hình tượng Bác Hồ - khen ngợi.

Nghệ sĩ Nguyễn Minh Hải sinh năm 1979, thuộc đoàn kịch Cổ điển, Nhà hát Kịch Việt Nam. Anh được khán giả biết đến nhiều nhất khi thể hiện hình tượng Bác qua một số vở kịch như Nước mắt giữa rừng Pác Bó, Bác không phải là vua, Ông Cụ ở quê ra, Đêm Giao thừa, Người đi dép cao su, Đêm trắng...

Anh không chịu đóng khung trong dạng vai nhất định, từng gặt hái các huy chương ở các dạng vai khác nhau với các tác phẩm Trong mưa dông thấy nắng, Khát vọng, Thiên mệnh. Minh Hải thử sức cả ở phim điện ảnh Truyền thuyết Quán Tiên với vai binh trạm trưởng Lâm, phim Câu chuyện pháp sư trong vai thầy giáo Tường Văn, gần nhất là vai đồng bào Dao trong phim truyền hình Đi giữa trời rực rỡ.

Mới đây, nghệ sĩ Minh Hải giành huy chương Vàng trong Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2024 với vở kịch Đêm trắng. Trước đó vào năm 2020, nam nghệ sĩ đã đoạt giải diễn viên xuất sắc với vai chính trong vở Đêm trắng (kịch bản Lưu Quang Hà, NSND Xuân Bắc đạo diễn).

Vở diễn tái hiện sự trăn trở của Bác Hồ trước khi đưa ra quyết định khó khăn - thi hành án tử - trong vụ án tham nhũng nổi tiếng những năm 1950. Trong lúc cả đất nước bước vào thời kỳ cam go nhất của kháng chiến chống thực dân Pháp, một sĩ quan quân đội lại tham nhũng, ăn chơi vô độ trên sự hi sinh xương máu của nhân dân. Diễn xuất thăng hoa, tâm huyết của Minh Hải khiến khán giả rưng rưng, như thấy lại bóng hình Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những hoàn cảnh lịch sử đặc biệt.