Nhận diện 'cơn ác mộng' của Tổng thống Obama

Thế giới của Mitch McConnell rất nhỏ nhưng quyền lực và chặt chẽ, được tạo nên bởi lòng trung thành, kinh nghiệm và sự tận tâm cống hiến.
Thế giới của Mitch McConnell rất nhỏ nhưng quyền lực và chặt chẽ, được tạo nên bởi lòng trung thành, kinh nghiệm và sự tận tâm cống hiến.
Sẽ là không quá nếu như nói rằng Thượng nghị sĩ Mitch McConnell là cơn ác mộng với Tổng thống Mỹ. Trong suốt nhiệm kỳ của Tổng thống Obama, McConnel luôn là nhân vật "phá rối" đi đầu của đảng Cộng hòa chống lại chính quyền đương nhiệm.

Sau khi đánh bại đối thủ trong cuộc chạy đua, Thượng nghị sĩ Mitch McConnell đến từ bang Kentucky mới đây đã tổ chức một cuộc họp báo rầm rộ thông báo kế hoạch tham vọng kiểm soát Thượng viện của đảng Cộng hòa. Trên cương vị là lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện thay người tiền nhiệm Harry Reid (Thượng nghị sĩ của bang Nevada), ông McConnell sẽ đóng một vai trò then chốt trong việc xác định những cơ sở chính sách đối ngoại của Mỹ.

Giờ đây, có lẽ McConnell là một trong những nhân vật thuộc phe Cộng hòa hạnh phúc nhất khi nắm trong tay khả năng ngăn cản các dự luật của chính quyền Barack Obama. Mitch McConnell từng tuyên bố đầy ẩn ý trong một cuộc họp báo tại Đồi Capitol vài năm trước rằng: “Dân chủ sắp phải lĩnh thất bại”. Và giờ đây, có vẻ như ông đang bắt tay hiện thực hóa lời nói này. Những ý tưởng táo bạo của Mitch McConnell được đưa ra liên tiếp ngay sau khi ông giành chiến thắng vang dội ở Thượng viện, phản ánh tham vọng củng cố sức mạnh của đảng Cộng hòa trước sự lấn át gia tăng của đảng Dân chủ cùng đồng minh.

Nhân vật chống tổng thống hàng đầu

Năm 1984, Mitch McConnell bước vào Thượng viện Mỹ và ghi dấu ấn với việc cùng Thượng nghị sĩ Chris Dodd ủng hộ đạo luật chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc Apartheid. Ông cũng là kiến trúc sư của chương trình tài trợ mới của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho Ai Cập và Israel, thúc đẩy hoạt động bầu cử tự do và đối xử công bằng với người Hồi giáo tị nạn tại Myanmar, Campuchia và Macedonia.

Từ tháng 1/2007 đến ngày 4/11/2014, ông McConnell giữ vị trí lãnh đạo phe thiểu số của đảng Cộng hòa tại Thượng viện. Với bang Kentucky, McConnell là Thượng nghị sĩ thứ 2 được vinh dự là thủ lĩnh phe đa số của đảng Cộng hòa tại Thượng viện, và có "tuổi nghề" lâu nhất trong lịch sử của bang này. Theo đánh giá của chính giới, ông hiện là nhân vật quan trọng thứ 4 của đảng Cộng hòa và nằm trong danh sách 7 quan chức cao cấp nhất của Thượng viện Mỹ.

Tuy nhiên, chính trị gia đã phục vụ Thượng viện Mỹ suốt 30 năm này chưa bao giờ được yêu thích. Trong những năm đầu hoạt động chính trị tại bang Kentucky, McConnell giữ quan điểm chính trị tương đối ôn hòa. Những năm sau đó, ông chuyển dần sang xu hướng bảo thủ, thay đổi quan điểm trên một số vấn đề, trong đó có việc từ bỏ các quyền thương lượng tập thể, tăng lương tối thiểu mà trước đây ông vẫn ủng hộ. Không giống như nhiều đồng nghiệp luôn cố gắng lấy cảm tình của công chúng, McConnell trái lại thậm chí tạo dựng sự nổi tiếng bởi khía cạnh phản diện. Ông được biết tới vì "bàn tay sắt" trên chính trường qua tính kỷ luật, sự khôn ngoan và đôi khi bằng nỗi khiếp sợ. Thậm chí, đôi mắt luôn mở to nhìn trực diện của ông dường như đã đủ để ngăn cản những ai có ý định qua mặt McConnell.

Trong suốt nhiệm kỳ của Tổng thống Obama, McConnel luôn là nhân vật "phá rối" đi đầu của đảng Cộng hòa chống lại chính quyền đương nhiệm. Vị chính khách này từng trở nên vô cùng nổi tiếng khi mạnh dạn tuyên bố: "Mục tiêu số 1 của tôi là ngăn cản Tổng thống Obama chiến thắng, và sẽ không để ông ấy tiếp tục lãnh đạo đất nước". Ngay sau khi được bầu làm lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện (bắt đầu từ tháng 1-2015), McConnell đã lập tức chỉ trích Tổng thống Obama vì đã không làm việc với đảng Cộng hòa. Ông tỏ ra không hài lòng về sự mất tập trung của ông Obama khi Tổng thống đưa ra quyết định cải cách hệ thống nhập cư mà không thông qua Quốc hội.

Quyết định này của người đứng đầu nước Mỹ được cho là sẽ mang lại cơ hội cho hơn 5 triệu người đang sống ở Mỹ mà không có giấy tờ nhập cư hợp pháp. Với McConnell, đây là trò đùa lố bịch của đảng Dân chủ, rằng lẽ ra Tổng thống chỉ nên thúc đẩy các chính sách về nhập cư trong bối cảnh tỉ lệ thất nghiệp tại Mỹ đang gia tăng. "Tôi đã ngây thơ hy vọng rằng Tổng thống sẽ nhìn vào kết quả cuộc bầu cử và sẽ làm việc với chúng tôi một cách trung lập. Tôi vẫn đang hy vọng vào Tổng thống ở một số mặt nhưng những dấu hiệu ban đầu là không tốt", McConnell cho biết.

Mitch McConnell được cho là có quan điểm khá diều hâu liên quan tới hoạt động quân sự và cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố. Tháng 10-2002, ông từng bỏ phiếu ủng hộ Nghị quyết Iraq, cho phép Mỹ tấn công quân sự nước này. Sau đó đến năm 2007, ông cũng ủng hộ việc tăng quân tại Iraq và lớn tiếng chỉ trích các nghị sĩ kêu gọi rút quân Mỹ tại đây. Về cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu của Mỹ, ông McConnell cho rằng cần phải có hành động quyết liệt và thực tế hơn nữa.

Dưới thời Tổng thống Obama, McConnell đã cáo buộc Nhà Trắng quan tâm nhiều tới một chiến lược truyền thông hơn là theo đuổi một cuộc chiến (thực sự) chống lại chủ nghĩa khủng bố.

Nhận diện 'cơn ác mộng' của Tổng thống Obama ảnh 1

Việc đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát Thượng viện báo hiệu nhiều sóng gió sắp tới cho Tổng thống Barack Obama.

Thay đổi cán cân quyền lực

Mitch McConnell đang thực hiện những bước tiến rất chắc chắn để củng cố địa vị chính trị và "hái" thêm tiền cho kế hoạch ở Thượng viện. Nhiều nguồn tin cho biết: Người đàn ông này âm thầm gia tăng tài chính từ các nhóm hoạt động bí mật có liên kết chặt chẽ với nhau thông qua "đồng minh". Dòng tiền sẽ được dùng hỗ trợ các hoạt động chính trị của từng thành viên. Đồng thời, McConnell tuyên bố tháo gỡ các rào cản chính, tạo mọi điều kiện để Ủy ban Thượng viện đảng Cộng hòa nâng cao tính tương tác với cử tri hay các ứng viên trong mọi cuộc đối đầu với đảng Dân chủ.

Mọi nỗ lực của McConnell đều thể hiện tham vọng chiến thắng, và không được phép thất bại. Tuy nhiên, đây chỉ là phép thử đầu tiên với Thượng nghị sĩ bang Kentucky, xem ông thực sự là ai và có hiểu thời cuộc hay không. McConnell hoàn toàn nắm trong tay cơ hội gia tăng quyền lực trong Quốc hội, thậm chí vượt ra ngoài mong đợi là những chiến dịch tranh cử vào các vị trí cao hơn. Ai cũng rõ, McConnell đang nhắm tới mục tiêu này, nhưng lại rất thầm lặng tiến từng bước và cẩn thận toan tính để dựng lên một thế giới của riêng mình.

Trong thế giới ấy, Mitch McConnell được tôn thờ và gọi bằng danh xưng "Ông chủ lớn". McConnell không phân biệt bất cứ nhân vật nào, vị trí hay quyền lực, miễn là họ trung thành và "được việc" trong từng kế hoạch và bước tiến của ông với đảng Cộng hòa. Ít nhất 20 thành viên đang hỗ trợ McConnell: đó là những chiến lược gia chính trị, quan chức cấp cao chuyên tư vấn và thẩm định kế hoạch hay những tài năng còn rất trẻ nhưng đầy táo bạo, nhanh nhạy với thời cuộc được McConnell tin cậy giao phó trọng trách hoàn thiện từng chương trình nghị sự.

Ông cũng đặt niềm tin vào bạn cũ, những nghị sĩ từng có thời nổi tiếng hay tham gia chung trong hoạt động bầu cử, và thậm chí là người vợ - Elaine Chao -  cựu Bộ trưởng Bộ Lao động rất quen thuộc với giới hoạt động chính trị tại Washington. Thế giới của McConnell rất nhỏ nhưng quyền lực và chặt chẽ, được tạo nên bởi 3 yếu tố mà vị nghị sĩ này rất coi trọng: lòng trung thành, kinh nghiệm và sự tận tâm cống hiến. Thế nên, McConnell được coi là một trong những nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn nhất ở Washington hiện nay. 

Việc đảng Cộng hòa giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử giữa kỳ để nắm quyền kiểm soát Thượng viện báo hiệu nhiều sóng gió sắp tới cho Tổng thống Barack Obama. Mitch McConnell nói rằng, kết quả này là "sự phản đối chính phủ mà người dân không còn tin tưởng", qua đó chỉ rõ nguyên nhân thất bại của ông Obama. Khi đảng Cộng hòa giành được Thượng viện, Mitch McConnell sẽ trở thành lãnh đạo cả phe đa số ở cả hai viện của Quốc hội. Điều này đồng nghĩa với việc ông có thể phong tỏa các chính sách và chương trình nghị sự của ông Obama trong hai năm cuối nhiệm kỳ ở Nhà Trắng.

Quyền lực của đảng Cộng hòa ở Thượng viện cũng sẽ buộc ông Obama phải giảm bớt tham vọng thực hiện một số quyền hành pháp mà không cần Quốc hội cho phép, để thúc đẩy những kế hoạch có thể được cả hai đảng ủng hộ, như các thỏa thuận thương mại hay cải cách thuế.

Nhận diện 'cơn ác mộng' của Tổng thống Obama ảnh 2

Mitch McConnell cũng phải đối mặt với sức ép từ những người ủng hộ phe đảng Trà với nhiều cá nhân là ứng cử viên tổng thống tiềm năng vào năm 2016.

Tuy nhiên, ông McConnell cũng đưa ra thông điệp hòa giải: "Chúng tôi đều có nghĩa vụ làm việc cùng nhau về những vấn đề có thể đồng ý". Khi được hỏi về những vấn đề chính có thể hợp tác với Tổng thống Obama, Mitch McConnell chỉ đưa ra một trong số nhiều ưu tiên về đối ngoại liên quan tới các thỏa thuận thương mại. Đây cũng là một trong những lĩnh vực hiếm hoi mà ông McConnell có tiếng nói đồng thuận với Tổng thống Obama.

Trước đó, ông từng kêu gọi bỏ phiếu trao cho Tổng thống quyền được tự nâng mức trần nợ liên bang. Với quan điểm ủng hộ tự do hóa thương mại, Thượng nghị sĩ McConnell rất lạc quan về thương mại quốc tế. Điều này báo hiệu khả năng các chủ trương của Chính phủ Mỹ thúc đẩy thương mại sẽ được thông qua nhanh chóng.

Dù có đôi chút ủng hộ nhưng Mitch McConnell cũng thừa biết rằng: đảng Cộng hòa sẽ phải gánh vác nhiều trách nhiệm hơn cho những gì sẽ diễn ra trong hai năm tới, và có thể là yếu tố quan trọng quyết định số phận cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2016. Chiếc ghế tổng thống vẫn là ngôi vị quyền lực thực sự. Với McConnell, sự thay đổi chính trị lâu dài bắt nguồn từ việc giành được Nhà Trắng và sử dụng nó làm thẩm quyền quốc gia để hành động. 

Ngoài ra, ông Mitch McConnell cũng phải đối mặt với sức ép từ những người ủng hộ phe đảng Trà - Tea Party, một phong trào cực đoan bao gồm phần lớn thành viên là những đảng viên "siêu bảo thủ" của phe Cộng hòa và người ủng hộ việc đưa đảng này thiên hữu hơn nữa - với nhiều cá nhân là ứng cử viên tổng thống tiềm năng vào năm 2016 (như Thượng nghị sĩ bang Texas Ted Cruz, Thượng nghị sĩ bang Kentucky Rand Paul và Thượng nghị sĩ bang Florida Marco Rubio). Chỉ một năm trước đây, vụ chính phủ ngưng hoạt động gây ra bởi những người ủng hộ đảng Trà trong Quốc hội đã làm tổn hại danh tiếng của đảng Cộng hòa.

Bởi vậy, làm thế nào để cân bằng giữa việc ngăn chặn nghị trình của ông Obama và kiểm soát một số thượng nghị sĩ Cộng hòa có quan điểm bảo thủ hơn trong hai năm tới sẽ là một thách thức chính trị to lớn đối với cá nhân Mitch McConnell…

Theo Theo An Ninh Thế Giới
MỚI - NÓNG