Tràn ngập những thứ nhảm, từ phim ảnh, tiểu phẩm hài, nhạc chế, những dòng trạng thái, video clip giật gân, đến những chiêu trò của các “ông hoàng bà chúa” showbiz, những màn quảng cáo bất chấp hậu quả của giới nghệ sĩ, những trận “bóc phốt” thô thiển kinh dị,… Tất cả đã đến mức vượt ngưỡng, khiến xã hội như ngập ngụa trong khí quyển độc hại của rác mạng.
Giao tiếp con người/xã hội không còn theo phương thức kinh điển tồn tại qua hàng ngàn năm, mà giờ hầu hết chỉ là những cái nick, những hình nhân trên mạng. Mức độ, tốc độ tương tác bùng nổ nhưng hầu như mọi thông tin không còn đáng tin cậy. Bởi vậy nên nhảm nhí trên mạng xã hội cũng đang là cơn lốc bụi mù đáng sợ, như những trận bão từ dâng lên khắp toàn cầu.
Nhảm nhí không hẳn là điều dối trá, khiến con người ta tưởng là vô hại, vẫn thoải mái thải ra, mọi lúc mọi nơi. Nhưng, thực tế đúng như nhận định của triết gia Mỹ Harry Frankfurt, rằng nhảm nhí là kẻ thù lớn nhất của sự thật, còn tệ hơn mọi thứ dối trá.
Nhảm, có lẽ bởi chủ thể của nó muốn khẳng định cái tôi, thể hiện rằng mình không phải là kẻ nhạt nhẽo, “thêm mắm dặm muối” cho hình ảnh bản thân giữa thời đại số mọi thứ đều có thể trình diễn trực tiếp.
Nhảm, có phải do sợ “nhạt”? François Jullien, triết gia đương đại người Pháp, trong cuốn “Bàn về cái nhạt…” (NXB Đà Nẵng, 2004), đã rút ra rằng “cái nhạt” nhìn từ tư tưởng, văn hóa Lão giáo Trung Hoa vốn được xem là một phẩm chất quan trọng của con người. Trong thế giới của cái nhạt, tâm hồn như hồ nước lặng, như bức tranh tối giản về bố cục, màu sắc, như bài thơ thiền kiệm chữ. Đó là một sự cân bằng, giúp con người “sẵn sàng ứng phó được với mọi biến động của thế giới và khắc phục những biến động ấy dễ dàng”.
Tất nhiên, giá trị của cái nhạt cũng là một nghịch lý, như chính Jullien thừa nhận “cái hài hòa một khi đi đến tột cùng thì chỉ có thể biến thành hư vô; với sự xóa bỏ hoàn toàn các khác biệt, mọi lương tri về phẩm chất cũng tiêu vong…”. Và điều này càng đúng, giữa nhân thế/tâm thế bây giờ.
Loài người, để tiếp tục là chính mình như đã từng, giữa thời đại này không hề đơn giản. Như cuộc tranh cãi đang xảy ra, rằng có nên dùng những cuốn sách giả bằng nhựa được sản xuất y như thật rất đẹp và sang trọng để làm vật trang trí, có thể phần thắng sẽ không thuộc về những độc giả trung thành ngàn đời của sách thật. Tưởng tượng đến một lúc tại mỗi phòng làm việc, mỗi nhà riêng ngồn ngộn, cao ngất những tủ sách với những cuốn sách bằng composite bìa in đủ thứ ngôn ngữ sang trọng, nhưng chỉ là sách fake. Chỉ để trang điểm vẻ trí thức sang trọng cho những tấm ảnh “tự sướng”.
Nên, đỉnh cao của cái nhảm, sẽ không chỉ dừng lại ở những hành vi đã được gọi tên như đã và đang thấy.