Nhạc Việt truyền thống đi về đâu?

Nhạc Việt truyền thống đi về đâu?
TP - Những ý kiến tại cuộc hội thảo về Đào tạo và biểu diễn nhạc cụ dân tộc truyền thống VN, diễn ra cuối tháng 5 tại Học viện Âm nhạc Quốc gia VN, có thể nhiều chiều, nhưng đều chung một mối lo trước sự sinh tồn của nhạc Việt.
Nhạc Việt truyền thống đi về đâu? ảnh 1
Dàn nhạc truyền thống của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam được biên chế theo kiểu Tây với nhạc trưởng  Ảnh: N.M.H

Một trong những câu hỏi được đặt ra: Học viện Âm nhạc Quốc gia sau khi được đổi tên sẽ tiếp tục là một Nhạc viện (Concervatoire) gìn giữ âm nhạc phương Tây?

Một trong những điểm thu hút của Khoa Nhạc cụ truyền thống là người học ở đây ra hay được đi biểu diễn nước ngoài, hoặc biểu diễn phục vụ người nước ngoài. Nhưng các nghệ sĩ của ta vốn phát triển tính “hiếu khách” nên hay chơi nhạc của khách.

NSND Trung Kiên nói tại hội thảo: “Ví dụ tiếp đoàn Indonesia thì đánh nhạc Indonesia... Thế chỉ là giải trí thôi chứ không phải truyền thống nhạc dân tộc của chúng ta”.

Thứ trưởng Trần Chiến Thắng cũng chỉ ra một thực tế là các đoàn ngoại giao của ta ra nước ngoài chỉ có thể đem theo nhóm nhạc dân tộc, đem nhạc thính phòng phương Tây đương nhiên thua. Vấn đề Thứ trưởng đặt ra là Học viện nay khác gì Nhạc viện trước: “Điều cốt yếu là dạy của ta chứ không phải của phương Tây!”.

Liều lượng “ta” hiện nay của khoa Nhạc cụ Truyền thống e rằng hơi khiêm tốn. Th.S Nguyễn Xuân Bắc (ĐH VHNT Quân đội): “Một số nhạc cụ đặc trưng thuộc các loại hình diễn xướng phổ biến khác của người Việt như đàn tam bong trong chèo, đàn đáy trong ca trù, đàn sến và ghi ta phím lõm trong nhạc tài tử, kèn sona trong tuồng cũng không thấy có”.

Anh Bắc lên tiếng: “Liệu những gì đang có đã tương xứng với tầm vóc mới- xu thế mới của chúng ta chưa? Chúng ta có gì khác hơn để giới thiệu với các học viện và các trung tâm âm nhạc bên ngoài Việt Nam?”.

Theo giảng viên đàn bầu Bùi Lệ Chi, phần tác phẩm mới (sáng tác theo thang âm phương Tây) là thế mạnh đào tạo của khoa, chiếm phần lớn số lượng tác phẩm cũng như sự quan tâm của giảng viên.

“Phần nhạc cổ vốn đã khó tiếp cận lại chỉ được quy định bởi một thời lượng nhất định. Năm thứ nhất học Chèo, năm thứ hai học Huế, năm thứ ba học Cải lương. Vì thế các em chỉ biết chơi một số bài nhất định trong mỗi phong cách”, Bùi Lệ Chi cho hay.

Nhạc sĩ Hạnh Nhân (ĐH SKĐA) thống kê sơ bộ có khoảng 150 làn điệu Chèo phổ biến, 40 bản nhạc Huế- chưa kể nhạc lễ, nhạc dân gian. Ở Nam Bộ. Năm 1945, các nghệ nhân đúc kết có 72 bản nhạc Tài tử, và đến nhạc Cải lương thì không thể thống kê hết...

Hiện nay mỗi sinh viên của khoa Nhạc cụ Truyền thống được học 2 đàn, mỗi tuần một buổi lên lớp cho một loại đàn. Với “vận tốc” này đương nhiên còn rất xa mới có thể học hết bài bản cổ cho một phong cách, chứ đừng nói tới cả 3 phong cách. Theo giảng viên Trần Quốc Lộc, ở Ấn Độ, mỗi sinh viên học nhạc cổ truyền chỉ theo học chính thức một nhạc cụ với 3 buổi lên lớp/tuần.

Và họ chỉ cần 4-6 năm là có bằng ĐH. Trong khi để có bằng ĐH Nhạc cụ truyền thống ở Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam hiện nay, người học phải mất 10 năm. Vì còn phải học chơi các bản nhạc của Beethoven, Tchaikovski... và các tác giả trong nước.

Th.S Nguyễn Xuân Bắc (ĐH VHNT Quân đội) đề nghị một “cuộc cách mạng trong tư duy”. “Không nói ra nhưng có lẽ nhiều người cho rằng nhạc cụ truyền thống dễ học nên không cần học nhiều”, anh Bắc nói. “Đây là lối tư duy hoàn toàn sai lầm, bởi nếu dễ thế thì ở Việt Nam đã phải có vô số nhạc công biểu diễn nhạc cụ truyền thống điêu luyện. Để biểu diễn cho ra chất các thể loại, phong cách như Tuồng, Chèo, Cải lương... – có khi cả đời hoặc vài thế hệ mới có được một ngọn cờ”.

NSƯT Nguyễn Tiến (Nhà hát CMN Quân đội) cũng khẳng định: “Ngấm được một chất cả đời đã là khó. Một nghệ sĩ đàn dân tộc khi đã giỏi một loại như cải lương, thì chất cải lương đã ngấm sâu vào máu thịt và không thể cũng giỏi về nhạc chèo”.

Thời lượng dành cho những môn như hòa tấu nhạc cổ, học hát bài bản cổ- theo NSƯT Lê Phổ- vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu về nâng cao chất lượng. NSƯT Nguyễn Hòa Bình (CĐNT Hà Nội): “Các chương trình đào tạo ngày một nghèo nàn, thiếu hấp dẫn, thể hiện sự chậm biến đổi trong khi các điều kiện xã hội và thị hiếu ngày càng cao và đa dạng. Sự thay đổi đầu tiên và cần thiết theo tôi phải từ tư duy lãnh đạo”.

MỚI - NÓNG
CLB Bóng đá Hà Nội, hoa hậu Đỗ Mỹ Linh cùng Tiền Phong thăm viếng gia đình nạn nhân tử vong tại cầu Phong Châu, Phú Thọ
CLB Bóng đá Hà Nội, hoa hậu Đỗ Mỹ Linh cùng Tiền Phong thăm viếng gia đình nạn nhân tử vong tại cầu Phong Châu, Phú Thọ
TPO - Chiều 19/9, đoàn thiện nguyện báo Tiền Phong cùng Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh, BLĐ CLB Bóng đá Hà Nội, các cầu thủ đã trao số tiền ủng hộ 55 triệu đồng, hỗ trợ bà con bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 tại tỉnh Phú Thọ. Đoàn cũng đã đến thăm, chia sẻ với gia đình có 2 nạn nhân tử vong trong vụ sập cầu Phong Châu vừa qua.