Năm 1949, từ một chiến sĩ liên lạc, sau đợt phục vụ tại mặt trận Tây Nguyên, người lính Đoàn Hữu Công (tên khai sinh của nhạc sĩ Thuận Yến) được điều về làm cán bộ văn nghệ của Đoàn văn công Khu ủy Liên khu V. Sau đó, ông theo học sáng tác tại Trường âm nhạc Việt Nam.
Khi cả nước bước vào thời kì kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông đã sáng tác những ca khúc đầu tiên cổ vũ thanh niên lên đường. Càng sáng tác, bút lực của ông càng dồi dào, và con đường âm nhạc của ông khởi sắc từ đó.
Trong gia tài âm nhạc của Thuận Yến, người yêu nhạc thường xuyên bắt gặp hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh kính mến, người mẹ, người chiến sĩ, hình ảnh tình yêu anh và em.
Chỉ tính riêng đề tài người chiến sĩ, ông đã sở hữu tới hàng chục ca khúc, không ít ca khúc trong số đó đã trở thành bất hủ. Bản thân từng là chiến sĩ, từng trải qua hàng giờ sinh tử trong mưa bom bão đạn, nhưng những sản phẩm âm nhạc của nhạc sĩ Thuận Yến viết về đề tài tưởng chừng khô khan này, hầu như chưa bao giờ mất đi chất tình cảm, trữ tình.
Một trong những nhạc phẩm nổi tiếng nhất đặc trưng cho sự hòa hợp chất thơ – chất lính ở nhạc sĩ Thuận Yến chính là ca khúc “Màu hoa đỏ” (lời thơ Nguyễn Đức Mậu).
Từng được vinh danh là Ca khúc xuất sắc của Bộ quốc phòng năm 1994, nhưng có lẽ giải thưởng lớn nhất đối với cố nhạc sĩ chính là sự trường tồn của “đứa con tinh thần” trong lòng bao thế hệ người yêu nhạc.
Nhạc sĩ Thuận Yến thời trẻ
“Màu hoa đỏ” mở đầu bằng 2 câu hát ngắn gọn nhưng tràn ngập nỗi buồn và sự đau thương, thể hiện ở những nốt trầm và giọng điệu chậm rãi vừa kể, vừa ca:
Có người lính, mùa xuân ấy, ra đi từ đó không về…”
Để rồi từ trong đau thương, niềm xúc động sôi trào, những nốt cao ngân lên, đưa hình ảnh người lính hòa vào núi sông bất tử, cất lên thành tiếng gọi Tổ quốc tự hào:
“Việt Nam ơi! Việt Nam!
Ngọn núi nơi anh ngã xuống
Rực cháy lên màu hoa đỏ phía rừng xa
Rực cháy lên màu hoa đỏ phía hoàng hôn.”
Không chỉ khắc họa sự bi tráng vượt trên nỗi đau chiến tranh, những nhạc phẩm của nhạc sĩ Thuận Yến còn đề cập đến một chủ đề lãng mạn hơn, nên thơ hơn, đó là tình yêu người lính. Nhạc phẩm nổi bật trong nhóm ca khúc thuộc chủ đề này chính là bài hát “Gửi em ở cuối sông Hồng” (lời thơ Dương Soái).
Đây là ca khúc hát về mối tình của người lính biên phòng với “em” thương yêu nơi quê nhà. Giai điệu da diết, ngân nga được nhạc sĩ Thuận Yến thổi vào những dòng thơ của nhà thơ Dương Soái đã đưa tình yêu nam – nữ hòa chung với dòng nước sông Hồng, với tình yêu đất nước, quê hương. “Em” vì “anh” sẽ năng lao đông, chăm sản xuất; “anh” vì “em” sẽ giương tay súng, vững tinh thần.
Chỉ vì một nhầm lẫn của phát thanh viên Đài Phát thanh mà từ “Thuận Yên”, người nhạc sĩ tài hoa đã trở thành “Thuận Yến”. Nhưng nhầm lẫn vậy có lẽ lại hay. Bởi chính sự mềm mại của cái tên “Thuận Yến”, đặt bên cạnh sự cứng cỏi của tên khai sinh “Đoàn Hữu Công” đã khắc họa đúng nhất sự hòa hợp của chất lính – chất thơ, của người chiến sĩ – người nhạc sĩ trong chính bản thân Thuận Yến và trong các nhạc phẩm bất hủ mà ông để lại cho nền âm nhạc Việt Nam.
Nguồn audio các bài hát: Zing.
> Xem thêm video: Nhạc sĩ Thuận Yến và 3 bài hát xúc động về Bác Hồ