“Tổ quốc gọi, chúng tôi sẵn sàng” vừa đạt giải A trong cuộc vận động sáng tác ca khúc kỷ niệm 90 năm thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Điều gì thôi thúc anh viết tác phẩm này?
Tôi may mắn nhận lời đề nghị của Ban Bí thư T.Ư Đoàn. Trước đây tôi từng viết một số tác phẩm về Đoàn, về thanh niên, có khi do cảm hứng có lúc lại do quá trình thực hiện các chương trình do T.Ư Đoàn đặt hàng.
Với anh, liệu với ca khúc mang tính chất đặt hàng có thể hấp dẫn bằng ca khúc viết ra do sự thôi thúc từ bên trong của nghệ sĩ?
Đối với người sáng tác, khi viết đề tài mình từng có nhiều tác phẩm, mỗi tác phẩm sẽ mang cách nhìn khác nhau. Nếu anh may mắn sẽ có được một, hai bài để lại dấu ấn. Muốn như vậy đòi hỏi người sáng tác không ngừng tìm tòi, cần có sự đọc hiểu, trau dồi và tự thu lượm trong cuộc sống. Có như vậy các ca từ mới dễ đọng lại.
Đề tài viết về thanh niên thường có ý tưởng chung và rất kinh điển về tâm trong trí sáng, hoài bão ước mơ xây nghiệp lớn, làm theo lời Bác... Tại Đại hội thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác lần thứ V, VI, mỗi đại hội tôi đều viết ca khúc chính thức và đều được đón nhận. Chủ đề của hai ca khúc ấy đều giống với chủ đề “Tổ quốc gọi, chúng tôi sẵn sàng”. Thế nhưng tới ca khúc mới này, tôi tìm ra cách nói khác đi.
“Tổ quốc gọi, chúng tôi sẵn sàng” nêu bật tinh thần thanh niên luôn trong tâm thế sẵn sàng. Trong cuộc sống thời bình, thanh niên sẵn sàng cống hiến, tình nguyện xây dựng đất nước. Tôi rất ưng ý với ý tưởng: Ngày tương lai đi con đường rộng mở nhưng mãi tự hào nhìn về quá khứ, lấy đó làm điểm tựa để tuổi trẻ sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ, để vượt qua mọi thử thách gian lao.
|
Có lẽ đây là ca khúc ưng ý nhất của anh viết về thanh niên cho tới thời điểm này?
Tôi khá ưng ý về hình thức trình bày của “Tổ quốc gọi, chúng tôi sẵn sàng”. Kết cấu âm nhạc chặt chẽ, có chút rock, ca từ không gượng ép, vẫn có tính cổ động nhưng lại không quá gò bó mà đã hướng tới sự gần gũi với người nghe nên dễ được các bạn trẻ đón nhận.
Trong đời sống âm nhạc mà nhạc trẻ thống lĩnh như hiện nay, những ca khúc mang âm hưởng chính thống một chút thường phải có sự mới mẻ trong âm nhạc mới thu hút giới trẻ. Tôi nghĩ rằng cuộc vận động của T.Ư Đoàn rất cấp thiết. Dịp này có khoảng 30 ca khúc tốt, được trình bày và diễn xướng với nhiều hình thức khác nhau. Trước nhu cầu thưởng thức, biểu diễn của giới trẻ hiện nay, tôi nghĩ nên có thêm nhiều cuộc vận động về đề tài học sinh, sinh viên hơn nữa.
Năm 2020 anh từng đạt giải Nhất ca khúc viết về thanh niên xung phong, nay lại thêm giải A này, liệu có bí quyết nào để “đánh” đâu thắng đó?
(Cười) - Quả thực tôi thường được nhiều hội đồng giám khảo đánh giá ở mức A, nhất, nhì. Đối với người sáng tác, bí quyết lớn nhất chính là nên đọc nhiều, nhất là đọc thơ, biết quan sát, yêu thương cuộc sống, càng đi nhiều càng quan sát cuộc sống kỹ càng hơn. Sống cởi mở mới có thể cảm nhận và rung động được. Ca từ đúng thôi chưa đủ, âm nhạc không có cảm xúc không thể thuyết phục người nghe.
Ba thường dặn tôi phải nghe thật nhiều, chừng nào mình nghĩ âm nhạc của mình hay mà đóng cửa không nghe nữa là thua. Nghe ở đây là đọc học cái hay chứ không phải nghe để sao chép. Nghe những giai điệu hay một cách tích cực để ngấm những giai điệu mới mẻ, khi viết ca khúc mới sẽ có cách nhìn riêng.
Nếu cảm xúc không đủ, tự mình nghe lại không thấy hay tôi sẽ không cố, bởi thiếu vắng cảm xúc thì ca từ chỉ như lời hô khẩu hiệu suông, khó lòng thuyết phục người khác.
Viết về Đoàn sung sức như thế có lẽ cũng nhờ vào chặng thời gian là cán bộ đoàn trường sôi nổi?
Với tôi, viết bài hát đề tài về Đoàn hay về thanh niên không quá khó, có lẽ do tôi có trải nghiệm thanh xuân phong phú. Từng là cán bộ đoàn trường, từng được vinh danh 10 gương mặt thanh niên tiêu biểu toàn quân, được trao giải thưởng Sao tháng Giêng nhờ thành tích học tập, cộng thêm biết bao chuyến đi biểu diễn ở những nơi khó khăn nhất từ biên giới tới hải đảo. Đó là hành trang quý giúp tôi thêm vững vàng.
Kỷ niệm nào ấn tượng nhất đối với anh trong những chuyến đi của thời tuổi trẻ sôi nổi ấy?
Tôi còn nhớ trận lũ lịch sử ở Hương Sơn (Hà Tĩnh) năm 2002, tôi cùng ban nhạc Đồng Đội đứng lên kêu gọi các mạnh thường quân, tổ chức hai đêm biểu diễn. Biết bao nhiêu hiện vật, tiền mặt được trao tặng tới đồng bào hứng chịu thiệt hại từ bão lũ trong đêm diễn ấy. Kỷ niệm đáng nhớ ấy chứa đựng khát vọng thật sự của thanh niên.
Có những người cho rằng tổ chức Đoàn chủ yếu mang tính phong trào. Quan điểm của anh thế nào?
Mỗi người có cách nhìn khác nhau, nhưng nếu ai mang tâm thế của đoàn viên, cán bộ đoàn sẽ hiểu đây là nơi tập hợp thanh niên có ý chí. Đương nhiên Đoàn cần những hoạt động cộng đồng để thu hút giới trẻ, thông qua đó lời kêu gọi cũng có tính thực tế hơn là chỉ kêu gọi trên giấy tờ. Đôi khi nghe một bài hát hay đạt hiệu quả hơn rất nhiều lời hiệu triệu. Thời xưa, cha anh chúng ta từng phấn chấn nghe bài ca đi cùng năm tháng để “xếp bút nghiên lên đường tranh đấu”, lấy máu viết thư xin lên đường đánh giặc.
Hoạt động đoàn thời nay khác biệt gì với thời trẻ của anh?
Cuộc sống thay đổi không ngừng, chỉ khoảng chục năm nay thôi mọi thứ có sự thay đổi tích cực và hiện đại hơn. Chúng ta ngày càng cởi mở hơn đón nhận cái mới, những hoạt động thông qua kênh mạng xã hội cũng vì thế hiệu quả hơn. Ngày xưa chúng tôi chủ yếu tuyên truyền qua các hoạt động văn hoá nghệ thuật, ngày nay cán bộ đoàn có thể nhờ mạng xã hội lan toả rất hiệu quả. Tính liên kết vùng miền, cộng đồng bây giờ cũng mạnh hơn xưa rất nhiều.
Có khi nào anh nghĩ mình chịu thiệt thòi vì dẫu có nỗ lực thế nào cũng luôn phải chịu sự ảnh hưởng từ cái bóng rất lớn của cha mình - nhạc sĩ An Thuyên?
Tôi lại không nghĩ đó là thiệt thòi, ngược lại là động lực. Tôi luôn coi đó là chút áp lực dễ chịu mà không phải ai cũng may mắn có được cha mẹ là người giỏi giang, thành đạt. Đối với những người hiểu rõ điều này đương nhiên sẽ coi đó là bệ phóng, là may mắn, tuy nhiên cũng có những người không vượt qua được.
Tên của ba tôi là sự đảm bảo ban đầu, nhưng tôi không phải nhờ vào việc là con của ai mà quan trọng hơn mình làm việc như thế nào, bằng hành động và sản phẩm cụ thể ra sao.
Anh nhận ra động lực này từ khi nào?
Ai cũng có thời tuổi trẻ bên cạnh sự năng động, nhiệt tình nhưng sự chín chắn chưa tới. Đến lúc vượt qua ngưỡng tam thập nhi lập, thường con người ta bắt đầu suy nghĩ sâu sắc hơn. Tôi nhận ra không quá sớm không quá muộn, nhận ra động lực vừa đúng lúc và cho tôi thêm tinh thần phấn đấu tích cực.
Có phải chính ba An Thuyên là người tạo áp lực để anh thi vào trường nghệ thuật quân đội?
Tôi được gia đình quan tâm đào tạo, dạy dỗ và cho ăn học đầy đủ. Thời tuổi trẻ chưa chín chắn đúng là còn ham chơi, sau này nhiều điều trong cuộc sống tác động tới nhận thức của tôi nhiều hơn.
Hai ba con anh có thể trò chuyện nhiều với nhau không?
Lúc còn trẻ thì ít thôi, có thể nói là tôi ngại nói chuyện với ba thì đúng hơn. Sau này khi bắt đầu sáng tác, hai ba con có dịp nói chuyện nhiều hơn. Ba có thể nhờ tôi nghe một bài hát và góp ý, còn tôi mỗi lần viết ca khúc mới sẽ khoe với ông, lắng nghe ông nhận xét nhiều điều mới mẻ. Thông qua âm nhạc hai ba con gần gũi với nhau hơn. Tôi học được phong cách sáng tác, kỹ năng nghề nghiệp từ ba mình.
Ban đầu ba mẹ không thích con theo âm nhạc vì sợ tôi khổ. Tôi nghĩ mình tự lựa chọn yêu âm nhạc với tấm gương của ba. Tới nay tôi vẫn nghĩ đó là sự lựa chọn đúng đắn, nếu có quay trở lại thời trai trẻ tôi vẫn không từ bỏ.
Biết đâu nếu không có cái bóng là con trai nhạc sĩ An Thuyên, anh sẽ được ghi nhận nhiều hơn?
Tôi nghĩ điều đó khó khẳng định chắc chắn được đúng-sai. Tôi biết mình có người bố nổi tiếng, tài năng. Hiểu điều đó và tôi luôn dựa vào bản thân, lao động nghệ thuật nghiêm túc, chăm chỉ mỗi ngày giống ba từng làm. Hơn nữa trong nghệ thuật, mỗi người có ngôi sao chiếu mệnh riêng. Có người giỏi nhưng chưa chắc nổi tiếng, có người nổi tiếng nhưng chưa phải giỏi nhất.
Nhạc sĩ An Thuyên viết ca khúc nổi tiếng “Hát vang lý tưởng tuổi trẻ Việt Nam” trong nhiều hoạt động của Đoàn. Anh dường như kiên trì phát huy ngọn lửa do ba mình trao truyền?
Cuộc sống có sự tiếp nối, là cái duyên may. Ông viết “Hát vang lý tưởng tuổi trẻ Việt Nam” tại Đại hội thanh niên khóa X, khoảng ba năm trước khi ông từ giã cõi đời. Tôi khi ấy chính là người làm chương trình nghệ thuật mừng đại hội thành công, tôi cảm nhận rất rõ năng lượng của ông dù khi đó ở tuổi 63. Ông viết bài hát cho Đoàn với giai điệu trẻ trung, ca từ rất mới mẻ. Tôi nhìn thấy ở ba rất nhiều điều đáng học hỏi. Dù ở tuổi nghỉ hưu nhưng ông vẫn rất quan tâm tới các bạn trẻ, tới phong trào thanh niên. Chính sự yêu mến đó tạo nên cái duyên giúp tôi sau này khi viết ca khúc về thanh niên không quá khó khăn.
Tôi tin rằng chắc chắn ở một nơi xa, ba tôi sẽ tự hào về con trai. Mặc dù điều tôi làm không quá ghê gớm, không quá lớn lao nhưng ít ra tôi có thành công nhất định, được khán giả yêu mến và quan trọng có sự sáng tạo trong âm nhạc. Sinh thời ba tôi luôn gửi gắm rất nhiều tình cảm, kỳ vọng vào con đường âm nhạc của tôi. Ông sợ tôi thụ động, bởi trước khi đến với sáng tác tôi học chơi đàn trong thời gian dài.
Đời sống của một nghệ sĩ có gì khác người thường?
Tôi nghĩ đời sống của mình đủ phong phú hơn người bình thường. Chúng tôi có nhiều mối quan hệ hơn, có nhiều dịp gặp gỡ mọi thành phần trong xã hội. Tôi được đi và chủ động đi nhiều hơn. Tôi tự hào đi khắp dọc dài đất nước, hai lần đi Trường Sa, từng đặt chân tới các đồn biên phòng heo hút nhất, khổ ải nhất và gặp gỡ các chiến sĩ ở đó. Có những vùng miền thời này chưa có điện tôi cũng được tới đó. Đó là những trải nghiệm thú vị. Cuộc sống phong phú rất đáng yêu.
Nhiều người càng sống càng thấy cuộc đời không có gì quan trọng nữa. Làm sao anh có thể giữ được nhiệt huyết và đưa điều đó vào các sáng tác?
Nghệ sĩ mà cảm thấy trống rỗng, chẳng thấy điều gì hay ho thì cực kỳ nguy hiểm. Con người nên được người khác truyền năng lượng tích cực cho mình. Tôi luôn không ngừng ước mơ, không ngừng cố gắng bước tới nấc thang cao hơn nữa trong sự nghiệp. Mỗi ngày trôi qua tôi luôn biết cách tiếp thu để cuộc sống không rơi vào sự tự thỏa mãn, điều đó là đáng sợ nhất. Nếu ta coi mình đã đứng ở vị trí cao, khi đó ta bị dừng lại.
Trong nghệ thuật và âm nhạc không có cái gọi là đúng hay sai, không phân biệt bằng định lượng mà chủ yếu là định tính. Người làm nghệ thuật luôn phải hoàn thiện hơn cái hôm qua mình làm. Muốn như vậy con người luôn phải ở trạng thái mở, nếu đóng cửa từ chối giao lưu thì không thể đòi hỏi âm nhạc hay nghệ thuật có sự mới mẻ được.
Tôi cũng là con người bình thường, cũng có lúc rơi vào mất phương hướng. Khi đó tôi chỉ còn cách làm mới mình bằng những chuyến đi. Những chuyến thiện nguyện giúp tôi thấy nhiều người còn khó khăn vô cùng.
Anh có ấp ủ nào lớn hơn trong sự nghiệp?
Có lẽ điều cần nhất chính là phải có tuyển tập âm nhạc cho riêng mình, với sự phối khí mới và sự góp mặt của các nghệ sĩ nổi tiếng, để ca khúc của mình đi sâu vào đời sống âm nhạc hơn nữa. Tôi nghĩ không thể muộn hơn 5 năm tới, bởi thường qua 50 tuổi, sức sống âm nhạc và sáng tạo đối với nghệ sĩ có thể phai nhạt dần.
Cảm ơn anh!
Nhạc sĩ An Hiếu sinh năm 1975, hiện là giảng viên tại trường ĐH Văn hóa-Nghệ thuật Quân đội. Trước đó, anh là trưởng ban nhạc Đồng Đội. An Hiếu tham gia khối phí, sáng tác và đạt nhiều giải thưởng âm nhạc. Một số ca khúc nổi bật của anh: “Tình yêu âm nhạc”, “Hành khúc cuộc đời”, “Cha yêu”, “Giấc mơ cho con”, “Chuyện lính kèn”, “Bão đêm”, “Lời yêu xa”, “Vâng lời Bác”, “Hãy thắp sáng ngọn đuốc hòa bình”, “Sáng mãi ngọn lửa thanh niên xung phong”.