Với đội quân diễn viên tuyệt đại đa số còn vô danh (bản thân chủ trò khi đó cũng chả hơn gì mấy), vậy mà các buổi diễn đều cháy vé. Vừa du học Mỹ về, anh hâm nóng lại dự án nhạc kịch và ra mắt vở mới và tiếp tục hoàn thành bộ phim đầu tay quay theo chiều dọc.
Hai năm vừa qua, Phi Phi Anh (biệt danh PPAN) - từng lọt top 30 người trẻ dưới 30 tuổi có đóng góp tích cực cho xã hội do Forbes Vietnam bình chọn năm 2015 - dành để đi thực tập và làm phim tốt nghiệp. Thời gian này anh hoàn toàn tự do và trở lại với ê-kip thân thiết.
Có khoảng 60% diễn viên cũ sẽ đồng hành Phi Phi Anh trong lần tái xuất của hai vở diễn trước đây, trong đó có Minh Quân (top 3 Việt Nam Idol 2015). Thanh Ngọc (ca sĩ triển vọng Sao Mai Điểm hẹn 2014) không thể tham gia vì mới sinh con, nhưng chồng cô lại thế chân vợ.
Hình ảnh quảng bá cho các vở nhạc kịch mang hơi hướng Broadway. Ảnh: Đô Tăng.
Điều làm nên sự gắn bó của ê-kip chính là cách làm việc không giống ai của đạo diễn. PPAN sẵn sàng sửa kịch bản theo diễn viên. Không chỉ ở tình tiết mà cả những chi tiết nhỏ nhặt như: Diễn viên gặp khó khăn khi phát âm chữ “b”, vậy là tất cả các “bình hoa” trong kịch bản sẽ được đổi thành “lọ hoa”.
Sau mỗi buổi tập, tập kịch bản lại thêm chi chít các gạch xóa. Sự nuông chiều này không phải vô cớ mà nhiều khi chính là tận dụng chất xám của tập thể để hoàn thiện kịch bản. Phương châm biên kịch của Phi Phi Anh là không theo khuôn mẫu, sẵn sàng sửa kịch bản đến khi nào hay thì thôi.
Tuy nhiên, trong kỷ luật, anh lại rất nghiêm. Diễn viên không thuộc lời thoại đúng tiến độ bị bắt chép phạt là chuyện thường. “Tôi không áp đặt nhân vật vào các bạn nhưng phải áp đặt các bạn vào kỷ luật nhất định. Tất cả những điều tôi làm đều hướng đến sự tôn trọng khán giả”.
Đêm hè sau cuối bắt đầu diễn từ 4/10. Tháng 11 đến lượt Góc phố danh vọng. Vở mới Mộng ước không xa vời dành cho tháng 1/2017. Dự tính họ sẽ diễn ròng rã tới 35 buổi cho 3 vở. Vì vẫn trung thành với khán phòng của Trung tâm Văn hóa Pháp - sức chứa 300 người nên tổng cộng cũng chỉ có khoảng 1 vạn khán giả được xem mà thôi. Hai vở trước đây trong mùa diễn 2012-2013 cũng đã đạt mốc 5 nghìn khán giả rồi.
Các vở diễn của PPAN khó có khả năng đi lưu diễn vì lượng nhân công quá lớn, riêng tiền vé không đủ trang trải mà phải nhờ vào tiền tài trợ. Các vở diễn lớn đều phải có ê-kip dự phòng, đằng này không. Lý lẽ của anh: “Dưới 30 tuổi, người ta ít ốm lắm. Mấy năm rồi diễn có bạn nào ốm đâu…”.
Phim tốt nghiệp khoa Sân khấu Điện ảnh ĐHTH Hamsphire, chuyên ngành đạo diễn - biên kịch của Phi Phi Anh dài 90 phút tên gọi Cơn bão đi qua địa cầu (mượn ca từ của Trịnh Công Sơn) quay trong nước và cũng sử dụng dàn diễn viên hoàn toàn nghiệp dư.
Song anh chưa có ý định công chiếu vì tự thấy chưa phù hợp trong thời điểm này. Chỉ tính riêng yếu tố phim quay theo chiều dọc (giống như thói quen quay bằng điện thoại của nhiều người) đã làm khó cho các rạp phim. Chắc phải thiết kế màn ảnh riêng cho phim này.
Phi Phi Anh có tài vẽ tranh. 19 tuổi đã có tác phẩm triển lãm tại bảo tàng mỹ thuật Singapore. Tài năng hội họa của anh được đào luyện trong 4 năm học cấp 3 tại Singapore. Hiện nay nhiều tranh của anh vẫn được treo tại trường.
Tuy vậy, PPAN chưa bao giờ có ý định làm họa sĩ (bán tranh). Anh bắt đầu xây dựng ước mơ đạo diễn phim từ khi mới 11- 12 tuổi, khi háo hức đón xem các chương trình Kỹ xảo điện ảnh trên truyền hình, hay ngất ngây với Người nhện, Xác ướp Ai Cập…
Để đạt được ước mơ, Phi Phi Anh lên cho mình một kế hoạch hành động từng bước. Đầu tiên là phải vào được trường Hà Nội- Amsterdam từ cấp hai. Lên cấp ba phải vào lớp chuyên Anh 1 để có nhiều cơ hội xin học bổng. Khi giành được học bổng sang Singapore, PPAN nghĩ ngay phải đi tiếp Mỹ… “Càng lớn lên mục tiêu càng không rõ ràng”, PPAN chia sẻ. “Giờ mấy năm nữa vào trường gì tôi không thể biết…”. Giờ thì PPAN để cho mình một hướng đi mở, cũng có thể anh chẳng tiếp tục đi học, thậm chí cũng không nhất thiết cứ phải làm đạo diễn.
PPAN có những quan điểm khá thực tế về phim ảnh. “Quan điểm của tôi là phim phải gần gũi, khán giả xem phim phải liên hệ được với đời sống, có thể nhìn thấy những nhân vật trong phim ngoài đời. Nói những lời phải lọt vào tai. Còn nghe không giống người thường nói đã thấy không được rồi. Người Bắc nói khác người Nam nói khác. Đừng dùng biên kịch miền Nam viết lời thoại cho nhân vật miền Bắc...”. Nếu hồi nhỏ, PPAN quan tâm kỹ xảo thì giờ đây là xây dựng nhân vật. “Vai trò của nhân vật trong vở kịch có thể rất nhỏ thôi nhưng nó phải là con người. Nếu dựng lên để mua vui, để làm màu thì xóa nhân vật đi cho xong”.
Nếu yêu cầu PPAN kể tên một đạo diễn mà anh yêu thích thì anh sẽ cho ra cả một danh sách những nhân vật có cá tính nghệ thuật rất khác nhau, từ Quentin Tarantino tới Steven Spielberg hay Christopher Nolan… “Tôi quá hâm mộ nhưng người đấy nên muốn làm những phim phải hay kiểu như thế”, PPAN nói. Nhưng trước mắt, mộng ước của PPAN chỉ là bán được hết vé 35 buổi diễn.