Nhạc kịch chữa lành khủng hoảng tuổi mới lớn

0:00 / 0:00
0:00
TPO - “Anh Chánh văn” - nhà văn Hoàng Anh Tú - đưa những câu chuyện thực tế về khoảng cách thế hệ, sự khủng hoảng tâm lý của tuổi mới lớn vào nhạc kịch "Rồi tôi sẽ lớn".

Nhạc kịch được Nhà hát Tuổi trẻ đầu tư nhiều hơn thời gian gần đây, với kỳ vọng đưa sân khấu tới gần khán giả trẻ. Đạo diễn, NSƯT Lê Ánh Tuyết vừa dàn dựng nhạc kịch Rồi tôi sẽ lớn từ kịch bản của nhà báo, nhà văn Hoàng Anh Tú. Buổi công diễn ra mắt hội đồng nghệ thuật và báo giới tối 14/9 để lại nhiều điều đáng suy ngẫm.

Nhà văn Hoàng Anh Tú cho rằng, tuổi dậy thì (từ 9-16 tuổi) luôn là một đề tài “nói mãi không hết chuyện”. “Từ những thay đổi về sinh lý sẽ dẫn đến những thay đổi về tâm lý. Có những đứa trẻ trưởng thành trong đơn độc không phải vì cha mẹ chúng không quan tâm, mà do cha mẹ không hiểu con”, anh nói.

Từ trải nghiệm làm cha, làm chuyên gia tư vấn tâm lý học đường, Hoàng Anh Tú đưa vào những câu chuyện đời thực. Mâu thuẫn cha mẹ và con cái được kể cô đọng trong ba câu chuyện của ba gia đình. Khoảng cách thế hệ muôn thuở nhưng ngày nay thường được bọn trẻ “thổi phồng lên”.

Nhạc kịch chữa lành khủng hoảng tuổi mới lớn ảnh 1

Nỗi cô đơn của những đứa trẻ không được cha mẹ thấu hiểu. Ảnh: NHTT

Những chuyện “nói mãi không hết” được kể khá dí dỏm, khiến khán giả trẻ bật cười. Bách - cậu bé 13 tuổi ước mơ làm streamer nhưng bị mẹ la mắng rồi vùng vằng bỏ nhà đi. Cô bé Hà buồn tủi vì mẹ đọc trộm nhật ký, ngột ngạt trước sự chăm sóc quá mức của mẹ và thất vọng hơn về người cha lừa dối gia đình. Một cậu bé khác được bố bày trò chơi nói chuyện “như hai người đàn ông”, cuối cùng cậu vẫn bị bố lấy quyền “tôn ti trật tự” để áp đặt, buộc phải từ bỏ giấc mơ theo đuổi âm nhạc.

Rồi tôi sẽ lớn không chỉ dành cho bọn trẻ, các bậc cha mẹ cũng soi thấy mình trong đó. Tâm lý so sánh kiểu “con nhà người ta”, ép uổng con chỉ cần học giỏi các môn tự nhiên, không ủng hộ con nếu lỡ mê nghệ thuật... của các nhân vật trong vở diễn ít nhiều phản chiếu thực tế.

Một bộ phận không nhỏ người làm cha làm mẹ đã nghĩ thay con, ước mơ thay con, luôn tạo áp lực nên đã đẩy họ ngày càng xa con.

Nhạc kịch chữa lành khủng hoảng tuổi mới lớn ảnh 2

Nhạc kịch nói hộ nỗi lòng của cả cha mẹ lẫn con cái. Ảnh: NHTT.

Nhìn con sửa mình cũng là điều người lớn tự nhủ khi thực sự lắng nghe điều con trẻ muốn nói. Nhân vật bà ngoại của Rồi con sẽ lớn tổ chức một bữa tiệc để cha mẹ và con cái lắng nghe, cảm thông lẫn nhau đem đến cái kết tươi tắn, nhẹ nhàng. Cách chữa lành những khủng hoảng, tổn thương của con trẻ và cả người lớn có lẽ chỉ có thể xuất phát từ sự cảm thông từ cả hai phía.

NSƯT Sĩ Tiến, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ chúc mừng ê-kíp sáng tạo và dàn diễn viên trẻ đã chạm tới mảng đề tài chưa được khai thác nhiều. Ngay cả đối với các nhà tâm lý, tuổi vị thành niên xưa nay luôn khó để giải mã. “Tôi hy vọng Rồi tôi sẽ lớn góp một phần nhỏ giải mã tâm lý trẻ vị thành niên”, NSƯT Sĩ Tiến chia sẻ với Tiền Phong.

Từng dàn dựng nhạc kịch về đề tài tuổi trẻ Trại hoa vàng (Huy chương Vàng Liên hoan Ca múa nhạc Toàn quốc năm 2021), NSƯT Lê Ánh Tuyết nhận thấy tác phẩm sân khấu dành cho lứa tuổi mới lớn còn ít ỏi. “Chúng tôi muốn các bạn trẻ phải thích xem, bằng cách gắn vào những yếu tố thời thượng của lứa tuổi này bằng âm nhạc và đời sống học đường, để khi xem các em thấy mình trong đó”, chị nói.

MỚI - NÓNG
Miền Trung tiếp tục mưa lớn
Miền Trung tiếp tục mưa lớn
TPO - Hôm nay (7/10), khu vực từ phía nam Nghệ An đến Quảng Ngãi tiếp tục có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to đến rất to. Khu vực Bình Định đến Bình Thuận, Tây Nguyên và Nam Bộ cũng có mưa dông. Miền Bắc tiếp tục những ngày nắng đẹp.
Hải Phòng: Di dời hàng trăm hộ ở chung cư nguy hiểm
Hải Phòng: Di dời hàng trăm hộ ở chung cư nguy hiểm
TP - Sau bão số 3, tòa chung cư cũ A7, A8 Vạn Mỹ cao 5 tầng, thuộc phường Vạn Mỹ (quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng) bị nghiêng, hư hỏng tổng thể từ kết cấu chịu lực đến tường che, có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào. Thành phố đã bố trí nơi ở tạm, huy động lực lượng hỗ trợ người dân di chuyển tài sản đến nơi ở mới.