Gỡ 'nút thắt' để văn hóa hái ra tiền

0:00 / 0:00
0:00
TP - Tỷ trọng đóng góp của công nghiệp văn hóa vào GDP nước ta được cải thiện đáng kể sau khi có Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, tuy nhiên từ lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) cho tới các chuyên gia văn hóa đều chỉ ra nhiều nút thắt cần tháo gỡ.

Tiềm năng phát triển

Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (tháng 9/2016). Đây là nỗ lực của Việt Nam trong công cuộc đổi mới thể chế, nhằm tháo gỡ nút thắt, thay đổi nhận thức để hình thành nên một khung chính sách có khả năng tạo nên sự đổi thay và hội nhập của các ngành công nghiệp văn hóa. Điều này được khẳng định tại hội thảo tổng kết 5 năm thực hiện chiến lược, do Bộ VHTTDL chỉ đạo hôm 12/9. Ông Đoàn Văn Việt, Thứ trưởng Bộ VHTTDL nhận định, công nghiệp văn hóa tạo ra sức mạnh mềm, thúc đẩy hội nhập quốc tế và nâng cao vị thế đất nước.

Gỡ 'nút thắt' để văn hóa hái ra tiền ảnh 1

Cần đầu tư nhiều hơn cho các sản phẩm văn hóa chất lượng cao. Ảnh: Kỳ Sơn

Nhìn lại 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, các chuyên gia đánh giá, bức tranh về công nghiệp văn hóa đang dần rõ nét hơn. “Nếu năm 2015, các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 2,68% GDP, sau ba năm triển khai Chiến lược, 12 ngành công nghiệp văn hóa đóng góp doanh thu khoảng 8 tỷ USD, tương đương với 3,61% với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2018”, bà Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam nêu.

Với 12 lĩnh vực hoạt động chính: quảng cáo, kiến trúc, phần mềm và các trò chơi giải trí, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, điện ảnh, xuất bản, thời trang, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, truyền hình và phát thanh, du lịch văn hóa, công nghiệp văn hóa Việt Nam đã phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa, từng bước quảng bá hình ảnh, bản sắc, tạo ra sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam, góp phần nâng cao vị thế đất nước. Đồng thời, các ngành công nghiệp văn hóa đang từng bước tạo nên sự gắn kết bền vững trong phát triển đất nước.

“Trong vòng 5 năm qua, một số ngành công nghiệp văn hóa như điện ảnh, du lịch văn hóa... đóng vai trò then chốt trong việc xây dựng và quảng bá thương hiệu quốc gia thông qua các hoạt động xúc tiến, quảng bá, phát triển thương hiệu dưới dạng thức các chương trình, sự kiện hợp tác quốc tế được tổ chức tại Việt Nam. Việt Nam cũng tổ chức các sự kiện quốc tế, các diễn đàn, hội nghị, hội thảo, hội chợ hay lễ hội/liên hoan quốc tế về điện ảnh và du lịch tại nhiều quốc gia trên thế giới như Liên hoan phim Việt Nam thường niên, Liên hoan phim quốc tế Hà Nội, Ngày phim và Tuần phim Việt Nam, tham gia Hội chợ thế giới EXPO Dubai 2020...”, bà Nguyễn Thị Thu Phương nói.

So với các ngành công nghiệp khác, chi phí tái sản xuất trong ngành công nghiệp văn hóa thấp, nhưng tốc độ tăng trưởng cao. Nhiều nước trên thế giới đã đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa và biến ngành công nghiệp này thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Gỡ “nút thắt”

Dù được đánh giá có tiềm năng phát triển nhưng con đường phát triển công nghiệp văn hóa gặp nhiều bất cập, thách thức. Nhiều nhà khoa học, chuyên gia thẳng thắn thừa nhận các sản phẩm và dịch vụ văn hóa Việt Nam chưa đồng đều, thiếu sự độc đáo, tính ứng dụng chưa cao. Điều này làm giảm sức cạnh tranh của các sản phẩm và dịch vụ văn hóa Việt Nam trên thị trường nội địa và quốc tế.

Đó là do sự thiếu hụt nguồn vốn, mô hình đầu tư, mức thuế áp dụng với các doanh nghiệp sáng tạo văn hóa còn ở mức cao. “Tôi cho rằng nút ở đây là cơ chế chính sách. Nếu một doanh nghiệp mà đầu tư 30 tỷ đồng để xây dựng trường học thì toàn bộ giá trị làm ra 30 tỷ đồng, doanh nghiệp đó không phải nộp thuế. Nhưng 30 tỷ đồng đó đầu tư cho lĩnh VHTTDL lại phải nộp thuế. Chính vì thế sự mặn nồng của các doanh nghiệp đối với hoạt động văn hóa chưa được nhiều. Trách nhiệm của chúng tôi cũng như là các cơ quan pháp chế của Bộ chính là kiến nghị với Bộ Tài chính, báo cáo với Chính phủ, Quốc hội phải có giải pháp về miễn thuế hoặc có giải pháp thuế để các doanh nghiệp có thể tham gia mạnh mẽ hơn vào cộng đồng sáng tạo, đặc biệt là trong phát triển công nghiệp văn hóa”, ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở VHTT Hà Nội nhận định.

NSƯT Trần Ly Ly, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho rằng thông qua những chính sách về giảm thuế, chính sách đầu tư, chính sách xã hội hóa, chính sách đào tạo nghệ sĩ, tạo ra không gian nghệ thuật sẽ là những bước góp phần phát triển công nghiệp văn hóa. “Để phát triển văn hóa một cách toàn vẹn và phát triển công nghiệp văn hóa thì chúng ta nên nghĩ một chiến lược bền vững hơn. Ví dụ chúng ta hỗ trợ cho các nghệ sĩ trẻ, đây là một chính sách hoặc có chính sách giảm thuế cho những nhà đầu tư về nghệ thuật”, NSƯT Trần Ly Ly nêu.

Bên cạnh đó, một số nhà nghiên cứu, chuyên gia cho rằng sự phối hợp giữa các bộ, ban, ngành liên quan đến sự phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam như Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và đào tạo... còn hạn chế, chưa rõ ràng.

Bà Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế nêu ví dụ của Trung Quốc, cho thấy sự đóng góp đáng kể của công nghiệp văn hóa. Năm 2018, tổng giá trị công nghiệp văn hóa Trung Quốc đạt khoảng 600 tỷ USD, gấp hơn 10 lần so với năm 2004. Từ năm 2005 đến năm 2018, hằng năm sự đóng góp của công nghiệp văn hóa bình quân tăng trưởng đạt 18,9%, cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP hằng năm của Trung Quốc là 7,9%.

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).