Nhà văn, nhà báo Hồ Thị Hải Âu chia sẻ: Tôi ngạc nhiên về độ nóng của câu chuyện. Đến mức mắng mỏ, chửi bới thậm chí văng tục và trù ẻo cô gái ấy một cách không tiếc lời. Những lời lẽ tàn nhẫn đến mức khiến tôi có cảm giác như sự thiếu khuyết một vài kiến thức phổ thông của một cô gái trẻ còn làm bất an xã hội nhiều hơn cả nạn tham nhũng, nợ công tăng cao, hay sự cố môi trường Formosa…
Cô gái ấy còn trẻ, hồn nhiên và có chút vụng về, có chút thiếu hụt kiến thức đơn giản phổ thông nhưng vẫn thấy đáng mến. Có gì đâu…
Vậy, chúng ta nên nhìn nhận câu chuyện này như thế nào?
Ai cũng có thể sai, có sai thì mới trưởng thành. Cô gái không biết một số điều thường thức cũng không phải là hay. Nhưng mọi sai khuyết mang tính cá nhân, nếu không ảnh hưởng đến quyền lợi cộng đồng và quốc gia thì nên nhìn nhận nó bao dung, vị tha. Chúng ta đã từng biết đến sự tàn độc mang tên “cộng đồng mạng”. Nhiều bạn trẻ đã phải tự tử vì bị ném đá, bị sỉ nhục… Thủ phạm chính là những trái tim đen tối, những cái đầu luôn tự cho mình có quyền phán xét, nhục mạ, qui chụp người khác.
Chị có kỳ vọng con gái mình sẽ nắm hết kiến thức xã hội, kiểu như canh cua nấu ra sao?
Nhà tôi hiếm khi ăn canh cua. Nếu có nấu thì nhà tôi hay nấu với rau mùng tơi, không phải rau đay. Bởi vậy có thể con gái tôi chưa chắc đã biết. Nhưng con gái tôi lại biết làm món nem cuốn cánh phượng, món phở kiểu Hà Nội, món bún thang và có thể làm bánh ngọt kiểu Pháp, món mì Ý, món súp cá hồi kiểu Mỹ… Do đó, đừng bao giờ giận dữ mắng mỏ một cô gái rằng “không biết món canh cua là không biết nội trợ”.
Cảm ơn những chia sẻ của chị!