Cô gái nhầm El Nino là sữa: Hổng kiến thức nền?

TP - Không trả lời được những câu hỏi được cho là đơn giản như: “El Nino là gì”; “Canh cua thường được nấu với thứ gì”, phần thi của nữ kỹ sư trẻ (24 tuổi) trong chương trình “Ai là triệu phú” đang gây xôn xao cộng đồng mạng với những ý kiến trái chiều. Nhiều độc giả cảm thông, nhưng không ít người giễu cợt, chê bai, cho rằng, đây là một ví dụ điển hình về sự thiếu kiến thức nền, vốn sống xã hội của một bộ phận giới trẻ ngày nay.

Không phải hiện tượng cá biệt

Tối 22/11, VTV phát sóng chương trình “Ai là triệu phú”. Ngay hai câu hỏi đầu tiên của chương trình, nữ kỹ sư 24 tuổi đến từ Hà Nội P.T.Q. đã không trả lời được phải nhờ đến sự trợ giúp. Câu hỏi đầu tiên: “El Nino là gì?”, với 4 đáp án: “A. Một loại dương xỉ”, “B. Một điệu nhảy”, “C. Một khu rừng ở châu Phi” và “D. Một hiện tượng thời tiết”. Cô gái thốt lên: “Ôi! Mới câu đầu tiên sao khó thế! Cháu chưa nghe đến từ này bao giờ. Cháu nghĩ nó là một
loại sữa”.

Câu hỏi thứ 2: “Canh cua thường được nấu với thứ gì?”. Chưa để MC Lại Văn Sâm đọc xong các đáp án lựa chọn, cô gái cười trừ: “Ôi, cháu chưa nấu canh cua bao giờ, cháu có ăn nhưng không biết trong ấy người ta cho cái gì…”. Mặc dù suy luận có thể “C. Rau đay” là đáp án chính xác nhưng Q. lại không dám chắc, phải dùng quyền trợ giúp gọi điện hỏi ý kiến người thân. Cuối cùng, Q. mới đủ tự tin chọn đáp án “C. Rau đay”.

Chuyện của Q. không phải là hiếm, trước đó, tháng 4/2016, khán giả truyền hình cũng không khỏi bất ngờ khi một nam kỹ sư tham gia cuộc thi “Ai là triệu phú” không trả lời được câu hỏi: “Đâu là tên một loại mũ?” với 4 đáp án: A. Lưỡi hái, B.Lưỡi trai, C.Lưỡi lê, D.Lưỡi rắn (đáp án đúng là: B.Lưỡi trai). 

Bạn Khổng Cảnh Nguyên nói: “Chuyện này bây giờ đầy cả ra ấy mà. Nhân viên công ty tôi toàn kỹ sư hóa, kỹ sư sinh, dược sỹ thế hệ cuối 8X, đầu 9X nhưng những kiến thức phổ thông, nhất là lịch sử, địa lý thì hỏi gì cũng ú ớ, rất chán”. “Không có gì là ngạc nhiên... Thực tế hơn 90% giới trẻ bây giờ là như vậy... Nếu hỏi nơi ăn chơi, mua sắm ở đâu thì biết liền, còn hỏi về kiến thức sống thì thôi thua... Phải coi lại cách dạy và cách học của giới trẻ thời nay, kiến thức sống thực tế không có”, bạn trẻ có tài khoản Facebook dongnguyen bình luận.

Không phải cái gì cũng biết

Không ít người cũng tỏ ra cảm thông với Q., cho rằng “nếu không biết canh cua nấu với gì cũng không có gì ghê gớm cả”. “Q. có vẻ lười đọc báo, xem tivi (hoặc chỉ đọc, xem một số trang, kênh nhất định), vì thế em không biết El Nino là gì. Q. cũng có vẻ không phải là một nữ công gia chánh vì nếu không biết một công thức nấu ăn cụ thể thì vẫn có thể dùng phương pháp loại trừ. Nhưng mình tin, em không đáng bị khinh miệt. Với mình, một người không biết và tự nhận mình không biết cũng là điều đáng quý, còn dễ chịu hơn những người không biết gì nhưng hay tỏ ra hiểu biết”, bạn đọc Hoài Nguyễn bình luận.

Nhà báo Nguyễn Công Khanh (báo điện tử Zing.vn), người từng tham gia một cuộc thi về kiến thức trên truyền hình, chia sẻ: “Khi ngồi nhà xem tivi, ta thấy mọi chuyện đơn giản và dễ ợt. Nhưng khi ngồi ghế nóng, bạn lại thấy mọi thứ quá phức tạp, đơn giản vì bạn đang tham gia một trò chơi - có nghĩa là bạn đang trở thành nhân vật. Còn khi ở nhà, bạn là khán giả. Khán giả trong bất kì tình huống nào cũng tỉnh táo hơn nhân vật chính”. Nhà báo Khanh cho rằng, cô gái thi chương trình “Ai là triệu phú” không biết về hiện tượng thời tiết El Nino hay rau cỏ cũng dễ thông cảm, biết đâu cô ấy lại tinh thông những vấn đề khác, vấn đề mà cô ấy quan tâm.

Tăng cường nghe, xem, đọc

Nhiều người cho rằng, cuộc sống hiện đại ngày nay, người trẻ không chỉ phải giỏi chuyên môn mà cần trau dồi thêm cho mình kiến thức xã hội, nguồn sống phong phú. “Có rất nhiều thứ ở trên đời này chúng ta không học được từ trường lớp, thầy cô mà học từ những mối quan hệ giao tiếp xã hội, học từ những người sống quanh ta... Cái đó cho ta vốn sống sau này”, bạn đọc có nickname Combat Kara chia sẻ.

TS Tâm lý học Nguyễn Thị Kim Quý, Trưởng phòng Tham vấn và trị liệu Trẻ em (Hội Khoa học tâm lý - Giáo dục Việt Nam) nhắn nhủ các bạn trẻ, ngoài kiến thức chuyên môn cần trang bị thêm cho mình kiến thức xã hội, kỹ năng sống. “Bạn trẻ bây giờ có lợi thế sống trong thế giới rộng mở, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, Internet, mạng xã hội… Vì thế, hãy tận dụng những điều kiện thuận lợi này, tăng cường nghe, xem, đọc để trau dồi kiến thức xã hội, kỹ năng sống. Những kỹ năng này giúp cho cá nhân thể hiện được chính mình cũng như tạo ra những nội lực cần thiết để thích nghi và phát triển. Kỹ năng sống còn được xem như một biểu hiện quan trọng của năng lực tâm lý xã hội giúp cho cá nhân vững vàng trước cuộc sống có nhiều thách thức nhưng cũng nhiều cơ hội”, TS Kim Quý nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG