Nữ kĩ sư không biết El Nino, nấu canh cua gây tranh cãi

Phạm Thị Quyên trở thành "mũi dùi" của mạng xã hội khi không tự trả lời được câu hỏi này. Ảnh cắt từ clip.
Phạm Thị Quyên trở thành "mũi dùi" của mạng xã hội khi không tự trả lời được câu hỏi này. Ảnh cắt từ clip.
TPO - Sau phần thi  Ai là triệu phú với hai câu trả lời 'ngớ ngẩn' bị ném đá, cô gái có tên Phạm Thị Quyên bỗng chốc trở thành tâm điểm soi mói 'ném đá' của cư dân mạng trong suốt những ngày qua. Song cũng có ý kiến cho rằng chỉ qua hai câu trả lời không thể đánh giá đủ về một con người.

Sau khi chương trình phát sóng, cô kỹ sư bị cộng đồng mạng “ném đá” không ít. Thế nhưng, đây cũng không phải chuyện hiếm gặp trong xã hội mạng phát triển rầm rộ hiện nay.

Điều đáng nói, câu chuyện bị đẩy đi khá xa khi nhiều người còn gán cho cô tội "thiếu hiểu biết, ngáo ngơ", "không có não", hay "để quên bộ óc ở hành tinh khác". Trong đó, nhiều người thì bênh vực nhưng có hàng trăm những anh hùng trên bàn phím tìm đủ lý do để chê cười cô kỹ sư này.

Facebook có tên Nguyễn Ngọc Khôi Nguyên thẳng thắn chia sẻ: Học nhiều mà giới trẻ đến El Nino là gì, canh cua nấu với gì không biết. Buồn ghê gớm. Học mọi thứ chứ không phải chỉ học chữ không”.

Còn với Đỗ Danh Thiệp, đang làm việc tại Nhật Bản thì cho rằng, chúng ta hoàn toàn không nên ném đá hay kỳ thị em đó. Trong cuộc sống có nhiều thứ không thể biết hết được chứ. Chỉ qua hai câu không thể đánh giá đủ về một con người.

Anh Khanh, một người từng ngồi "ghế nóng" tham gia một cuộc thi về kiến thức trên truyền hình, chia sẻ: “Khi ngồi nhà xem tivi, ta thấy mọi chuyện đơn giản và dễ ợt. Nhưng khi ngồi ghế nóng, bạn lại thấy mọi thứ quá phức tạp, đơn giản vì bạn đang tham gia một trò chơi - có nghĩa là bạn đang trở thành nhân vật. Còn khi ở nhà, bạn là khán giả. Khán giả trong bất kì tình huống nào cũng tỉnh táo hơn nhân vật chính”.

Anh Khanh cho rằng, cô gái thi chương trình “Ai là triệu phú” không biết về hiện tượng thời tiết El Nino hay rau cỏ cũng dễ thông cảm, biết đâu cô ấy lại tinh thông những vấn đề khác, vấn đề mà cô ấy quan tâm. 

Trao đổi với Tiền Phong, ThS. Nguyễn Thị Tuyết Minh (Giảng viên khoa Xã hội học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho rằng, nữ kĩ sư này không đáng bị lên án đến như thế vì một người bình thường không thể biết hết mọi thứ.

Cũng theo cô Minh, không thể bắt người khác giỏi giang giống mình hay bắt người khác phải hiểu biết như mình nên đừng vội áp đặt cho cô gái trẻ ấy.

“Người nào cũng có điểm mạnh, yếu khác nhau và không thể dựa vào hai câu trả lời đơn thuần để đánh giá rằng nhân cách hay kỹ năng sống của cô ấy có vấn đề. Mặt khác, đây là một cuộc chơi trên truyền hình chứ không phải là cuộc thi, mà cuộc thi cũng có người thắng, người thua" - bà Tuyết Minh nói.

Theo bà Minh, chính tâm lý đám đông, hùa theo ý kiến của đám đông trên mạng xã hội đã dẫn đến mất phương hướng thông tin.

Bà Minh cho rằng, đây không phải là lần đầu tiên mạng xã hội thể hiện tính chất "con dao hai lưỡi". Mạng xã hội “ảo” nhưng những lời nói, nhận xét lại không ảo chút nào vì sẽ ảnh hưởng đến người khác, thậm chí có khi gây hậu quả khôn lường

 “Vì thế, mỗi người cần có ý thức và trách nhiệm với lời nói của mình, cũng như có ý thức làm chủ trong sử dụng và tham gia mạng xã hội”- Bà Minh nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG