Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư và... 'nỗi người' miên man

TP - Nhân dịp Tết đến Xuân về, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã tiết lộ với phóng viên những cảm hứng sáng tác luôn nồng nàn trong tác phẩm của chị cùng con người và vùng đất phương Nam.

- Một câu hỏi khá quen thuộc: động lực nào đã và đang giữ cho ngọn lửa văn chương trong chị luôn mạnh mẽ khác thường?

- Chắc do tôi không biết làm gì khác, ngoài viết. Tập trung vào mỗi một thứ, à không, hai chứ, viết và gia đình, tôi không bị phân tán vào những công việc khác, cả đọc tôi cũng đọc chọn lọc vào những thứ mình cần, không đọc cho vui, hay mạng xã hội tôi cũng tránh tham gia, sợ mình bị phân mảnh, chẻ nhỏ. Lúc nào cũng muốn gom về một mối, kiểu như cục đất to thì cú ném hay cú rơi cũng uy lực hơn. Nhiều khi tôi thấy mình giống như con ngựa bị (hay được) che mắt, chỉ nhìn về một phía, không ngó quanh.

- Chị từng viết rằng: “Không phải tự dưng mà nhiều nhà văn, nhà biên kịch hay lặn vào trong những cái vực đầy mảnh vỡ ấy, tìm kiếm vài ba mảnh sắc nhọn nhất, mang về tạo tác lại. Như mài giũa, khui miệng những vết thương, cho công chúng nhìn thấy cùng lúc nỗi đau và vẻ đẹp của nỗi đau”. Nếu nói chị là nhà văn của nỗi đau của con người, điều đó có đúng không?

- Tôi thích chữ “nỗi người” hơn, bao gồm cả vui buồn. Nhưng nỗi đau thì như tôi thấy, càng phân chất nó càng muôn màu muôn vẻ. Tại sao người ta lại nuôi dưỡng nỗi đau, chung chạ với nó mà không chịu thoát ra, buông bỏ. Hay tại sao những lời khó nghe người ta lại nhớ lâu hơn những phỉnh nịnh vuốt ve. Chỉ là vài thí dụ vậy. Tôi nghĩ trong mỗi người ai cũng âm ỉ một vài nỗi đau nào đó, có thể họ cũng không nhận ra, cho tới khi có thứ gì đó chiếu rọi vào.

- Đọc tác phẩm của chị, nhất là “Cánh đồng bất tận” người ta thấy chị đã phân tích mổ xẻ những mất mát, thậm chí sự tha hóa của con người đến tận cùng. Chị cũng viết rằng: “Bất hạnh cho văn chương, khi nhiều câu chuyện được viết hời hợt trên những bề mặt, và nhà văn ung dung nghĩ cuộc đời chỉ vậy”. Phải chăng văn học có quá nhiều những tác phẩm được viết hời hợt trên những bề mặt? Và sự thành công của văn học chỉ tới khi nhà văn thấu hiểu và viết về “những khối đời sống hỗn mang đa chiều” ít người nhìn thấy?

- Viết câu đó chắc là tôi viết cho mình, dặn mình đừng có dễ dãi. Dân chỗ tôi hay có câu thấy vậy mà không phải vậy. Tôi nghĩ bất cứ ai cũng có khả năng kể chuyện, nhưng họ chỉ kể đúng như mình nhìn thấy, chứng kiến. Nhà văn mà cũng làm y vậy thì đặc biệt nỗi gì. À, nói tới đây tôi nhớ câu tụi nhỏ hay dùng, “tưởng thế nào…”

- Nhà văn hay bất kỳ ai cũng không thể mãi sống trong nỗi buồn hay sự cô đơn bất tận được. Chắc chắn là chị cũng tìm thấy rất nhiều những khoảnh khắc và tâm trạng hạnh phúc hay cảm xúc tương tự như vậy trong công việc sáng tác, viết lách, xuất bản, tiếp xúc với bạn đọc… Chị có thể kể lại những niềm vui trong công việc viết lách đầy trăn trở của chị?

- À, tôi hay khăn gói đi lang thang một mình, cũng hay ngồi quán một mình, ai nhìn vào cũng kêu ôi sao buồn vậy. Với họ, một mình đồng nghĩa với buồn. Nhưng mỗi khi mô tả đời sống mình, tôi không bao giờ nói mình buồn, chỉ là tẻ nhạt. Giờ nào việc ấy đều đều, hết ngày này tới ngày kia. Tôi cũng không có cảm giác cô đơn, chẳng phải tôi ngày nào cũng nói cũng bày tỏ mình trên trang viết đó sao.

- Hầu hết tác phẩm cũng như chủ đề sáng tác của chị là về nông thôn, về đồng bằng sông nước, song độc giả của chị không chỉ là người nông thôn. Khi viết, chị có nghĩ tới những độc giả thành phố, những độc giả bên ngoài Việt Nam hay không?

- Tôi chỉ nghĩ mỗi chuyện viết sao cho hay, kể sao cho ra chuyện, chuyện thể hiện sao cho ra ý tưởng chính. Chỉ nhiêu đó thôi đủ đau đầu rồi. Tôi tin một người viết nghĩ tới độc giả mình, yêu chiều, chăm sóc họ chính là ở thái độ viết sao cho tốt nhất có thể. Nói thật là tôi còn không nghĩ bạn đọc mình là giới nào, vùng miền nào. Cả một ý nghĩ trước đây rằng tôi viết cho người Việt đọc (vì mình viết bằng tiếng Việt), giờ cũng bỏ rồi.

- Có người nói chị là văn chuyên viết về phụ nữ nông thôn, song thực tế các nhân vật nam giới trong tác phẩm của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư cũng rất ấn tượng. Rút cục, đàn bà hay đàn ông là trung tâm trong tác phẩm của chị?

- Con người. Hay khi nãy tôi có nói, nỗi người. Khi một ý tưởng tới, tôi buộc phải chọn nhân vật nào phù hợp, và không quan trọng giới nào. Ngay cả tôi sống cũng không quan tâm chuyện giới cho lắm. Một người chơi được, là nam hay nữ hay giới tính thứ ba chẳng quan trọng gì.

- Tình yêu của chị với Cà Mau, với đồng bằng trong các tác phẩm rất đậm nét. Nhưng chị cũng từng viết: “Đất còn đi, sao người lại không?”, vậy chị đã từng bao giờ nghĩ rằng mình sẽ đến sống và viết ở những vùng đất khác xa những “Cánh đồng bất tận hay không?”.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư và... 'nỗi người' miên man ảnh 1

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư

- Tôi nghĩ không cần thiết. Nếu mình có trí tưởng tượng đủ mạnh thì mình có thể sống ở bất cứ đâu, trên trang sách. Một người đã có tuổi như tôi, và là một người viết nữa, rất cần sự ổn định. Hồi trẻ, mình không quảy gánh ra đi thì thôi, giờ không phải lúc nổi trôi.

- Chị có thể hé lộ các dự án của chị hiện nay?

- À cái này không cần hé lộ, kiểu gì bạn đọc cũng biết tôi đang viết, đang làm đầy bản thảo cuốn sách nào đó. Một nhà văn thì chẳng có gì bí mật hết.

Xin cảm ơn chị đã trả lời phỏng vấn của báo Tiền Phong!