Nhà văn Ma Văn Kháng: Sợ những ngày rỗi rãi…

TP - Ở tuổi 79 Ma Văn Kháng trình làng cuốn tiểu thuyết “Người thợ mộc và tấm ván thiên”. Tưởng đây sẽ là tác phẩm cuối cùng của nhà văn nhưng mới đây ông lại khiến độc giả ngỡ ngàng khi tiếp tục “sinh nở”: “Chim én liệng trời cao”. Giải thích cho sự sung sức của mình, Ma Văn Kháng khiêm tốn: “Tôi kinh hãi khi thấy mình đang trở thành kẻ vô tích sự nên chống lại bằng cách mở computer ra”.

Cả hai tác phẩm ra đời vào buổi hoàng hôn cuộc đời của tác giả “Mùa lá rụng trong vườn” đều lấy cảm hứng từ vùng cao. “Người thợ mộc và tấm ván thiên” bắt nguồn bằng nguyên mẫu sống động. Còn “Chim én liệng trời cao”  lại là bài ca về chiến tranh cách mạng. Người ta thường nói: Khi về già, những ký ức tươi đẹp của tuổi trẻ thường sống lại mạnh mẽ. Phải chăng Ma Văn Kháng ở tuổi 80  muốn trở lại ngày xưa? Có hai lí do khiến nhà văn tiếp tục cầm bút. “Về hưu đã lâu, cuộc sống mòn mỏi lê thê trong những ngày rỗi rãi, quẩn quanh trong nghỉ dưỡng và lo buồn về bệnh tật nên phát sinh tâm lí kinh hãi khi thấy mình đang trở nên một kẻ vô tích sự và như vậy là phải chống lại bằng cách mở computer ra. Thêm nữa, ngẫm ra cuộc kháng chiến chống Pháp, một trang lịch sử vàng son quá đẹp vì sự hùng tráng và vẻ tươi đẹp đầu đời của nó, đặc biệt là công cuộc đó diễn ra quá độc đáo ở vùng đồng bào các dân tộc miền núi, mà xem ra còn ít người biết đến quá!”.

Nhà văn Ma Văn Kháng: Sợ những ngày rỗi rãi… ảnh 1 Nhà văn Ma Văn Kháng: Không thích đảm nhiệm vai trò nhà sư phạm, nhà truyền bá đạo đức.

Nếu bạn đọc trẻ thờ ơ, cũng đành!

“Chim én liệng trời cao”, cuốn tiểu thuyết có độ dày tới 400 trang, được Ma Văn Kháng phát triển từ truyện vừa đã in vào những năm 70 của thế kỷ trước, mang tên “Chim én”. Băn khoăn hỏi tác giả: Đề tài chiến tranh cách mạng, đề tài miền núi có lẽ ít hấp dẫn với bạn đọc trẻ hôm nay, ông nghĩ sao? Nhà văn của một loạt tiểu thuyết “vang bóng một thời” chia sẻ: Do rỗi rãi mới mở truyện “Chim én” ra đọc, bỗng “nẩy ra tham vọng là cần viết lại để nâng tầm vóc lên. Quái quỷ là cái ham hố của cái anh nhà văn ta”. Ông công nhận, sách của ông không tạo hứng cho người trẻ: “Đưa sách cho mấy cháu nội ngoại, chỉ có một đứa đọc, còn đa phần thờ ơ: “Cháu thích đọc truyện vui cơ”, chúng nói. Số phận cuốn sách trên thị trường nếu là vậy, thì cũng đành vậy thôi”.

Vẫn biết sách ra mắt khó có thể tạo nên cơn sốt như thời “Mùa lá rụng”, “Đám cưới không có giấy giá thú”… song ông vẫn hăm hở viết: “Dù là mới đi viện đặt thêm 3 cái stent ở động mạch vành về (nhà văn bị bệnh tim-pv), sức khỏe rất kém”. Ở “Chim én liệng trời cao” có những trang viết tác giả đặc biệt cảm hứng như những trang văn trữ tình về mùa cốm ở một làng Tày (chương 19, phần một) hay như chương 7 (phần hai) kể chuyện Tiển bắn hổ cứu Thào Câu (tên các nhân vật trong truyện)… Việc “nâng cấp” truyện vừa thành tiểu thuyết được Ma Văn Kháng hoàn thành trong khoảng nửa năm từ tháng 9 năm 2016 đến tháng 2 năm 2017. Ông gửi sách đến NXB Kim Đồng với lời nhắn biên tập viên: “Bác tuổi cao quá rồi, không chờ đợi được đâu. Vậy đọc sớm và cho bác ý kiến là có in được không, để bác biết, còn bao giờ in cũng được”. Chẳng ngờ, sau 15 ngày biên tập viên NXB Kim Đồng có tin vui: Sách sẽ được xuất bản. Ma Văn Kháng chỉ hơi tiếc: “NXB cắt mấy câu tình tứ ở chương 19, phần một, đoạn đôi nam nữ gặp nhau tình tự dưới gầm sàn đêm giã cốm”.

Với “Chim én liệng trời cao”, Ma Văn Kháng có dịp “trình bày cuộc sống, sinh hoạt, phong tục, cảnh quan đặc sắc cùng các nhân vật mang dấu ấn thời đoạn và các tình huống kỳ thú hiếm hoi ở vùng đồng bào Dao, Mông, Hà Nhì…”. Ông yêu quý “đứa con” mới sinh này như những “đứa con” đã nổi tiếng trước đó. Ma Văn Kháng bật mí, hiện nay những cuốn: “Đồng bạc trắng hoa xòe”, “Vùng biên ải”, “Muà lá rụng trong vườn”, “Đám cưới không có giấy giá thú”, “Côi cút giữa cảnh đời”, “Chó Bi đời lưu lạc”, “Gặp gỡ ở La Pan Tẩn”, “Một mình một ngựa”… của ông vẫn được tái bản đều đều.

Nhà văn Ma Văn Kháng: Sợ những ngày rỗi rãi… ảnh 2 Cuốn sách “Chim én liệng trời cao” .

Không phải nhà truyền bá đạo đức

Có nhà văn tỏ ra hoài nghi về tác dụng của văn chương hư cấu đang trở về con số không, không tác động đến ai, không thay đổi được điều gì. Còn Ma Văn Kháng lại nghĩ khác: “Tác phẩm văn học không phải là cuốn sách giáo khoa theo ý nghĩa đi dạy dỗ ai. Vả chăng nhà văn cũng không ai thích đảm nhiệm vai trò nhà sư phạm, nhà truyền bá đạo đức. Dẫu, đã có lúc họ làm điều đó một cách xuất sắc như  trường hợp “Thép  đã tôi thế đấy” với tư tưởng “Người ta chỉ sống có một lần”... chẳng đã từng là sách gối đầu giường của nhiều thế hệ thanh niên Việt Nam những năm khói lửa chiến tranh cách mạng! Quan trọng  là điều  Jean Paul Sartre (nhà triết học, tiểu thuyết gia…pv) đã viết sau đây:  Văn hóa chẳng cứu vớt  được ai, chẳng cứu vớt được cái gì, văn hóa không biện hộ. Nhưng đấy là sản phẩm của con người; con người tự phóng chiếu trong đó, tự nhận ra mình trong đó, riêng chỉ có tấm gương ấy cũng cho con người thấy hình ảnh của mình.

Là người sở hữu gia tài văn chương đáng nể cùng nhiều giải thưởng văn chương danh giá, ở tuổi 80 Ma Văn Kháng chỉ mong “được sống những ngày vui vẻ trong tình yêu thương của gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và bạn đọc”. Ông không nuối tiếc, không bao giờ nghĩ được gì, mất gì với nghiệp viết: “Tôi trở thành nhà văn như một sự tự nhiên. Không cố ý. Nên chẳng có gì ân hận”. Sau cuốn “Chim én liệng trời cao” ông chưa có dự án sáng tác nào: “Thảng hoặc sức khỏe cho phép và có cảm hứng thì viết vài ba bài báo”. Ma Văn Kháng đúc kết: “Tình yêu được nuôi dưỡng bằng tình yêu chứ không bằng cái gì khác. Đã yêu văn chương thật sự thì có gì khó khăn mà không vượt qua được”. Một ngày bình thường của tác giả “Mùa lá rụng trong vườn” được ông miêu tả gói gọn trong một câu: “Như một ông già hưu trí bình thường, không có thú vui, ưu đãi gì đáng kể”.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.