Ông ngồi đó, giữa chiếc bàn quen thuộc, đọc báo, ăn cơm, uống thuốc... với chiếc xe lăn. Gương mặt chẳng biểu lộ chút vui mừng, khổ đau hay bất hạnh. Hỏi gì thì ông nói nấy, không hỏi chuyện thì ông lẳng lặng nghĩ ngợi gì đó rất xa xăm, hoặc cũng chẳng nghĩ ngợi gì bởi ông chẳng để tâm tới mọi thứ xung quanh, có khi ông ngồi ngáp vặt hoặc gật gà chợp mắt thoáng chốc trong cái mê mê tỉnh tỉnh của căn bệnh tai biến trở đi trở lại nhiều lần. Mà đâu chỉ mỗi tai biến, ông mang trong người 14 thứ bệnh trọng: tiểu đường, huyết áp, tim mạch… Mỗi ngày ông uống cả vốc thuốc để chống đỡ với chúng, cùng những vết thương lòng chẳng thể nguôi ngoai trong cả một kiếp đời đã sống.
Nói thì nói vậy, nhưng nhắc đến mọi việc, nhiều câu chuyện, nhiều con người ông nhớ hết, kể cả những chuyện xa lắc từ thuở nào, thuở đi bộ đội, thuở lấy vợ, sinh con, thuở mới viết truyện ngắn đầu tiên của đời văn nghiệp. Ngẫm lại, văn chương mang đến cho ông nhiều thứ nhưng cũng đã lấy đi của ông rất nhiều thứ.
Thuở còn sung mãn, ông đi khắp đất nước, đi viết văn, kiếm tiền, đi tìm những vinh quang của một người đàn ông xuất thân từ một vùng quê lam lũ nhưng đầy sức phấn đấu, đầy tham vọng và dư thừa sự khôn khéo để đương đầu với cuộc đời đầy rẫy biến cố, va đập khiến bất cứ ai cũng có thể gục ngã.
Thuở còn khỏe mạnh, minh mẫn, mấy ai sánh được với “cái đầu” văn hóa - doanh nhân của nhà văn Lê Lựu, nhiều người ngưỡng mộ ông không chỉ bởi tài viết văn, mà còn ngưỡng mộ ông bởi ông quan hệ rộng, đi khắp đất nước và “muốn gì được nấy”. Ông xuất hiện ở đâu là tay bắt mặt mừng, là trang trọng comple, cà vạt, là những hợp đồng ký tá, là một loạt các dự định, dự toán, điện thoại liên hồi…
Nhưng cuộc đời thật sự không ai học được chữ ngờ. Những tưởng con đường ông đi sẽ mở ra một chân trời mới cho nền văn chương cũng như nền văn hóa - doanh nhân nước nhà, thì bỗng chốc ông đổ bệnh, rồi liên tiếp những biến cố trong cuộc đời cứ thế kéo đến vây bọc lấy cuộc đời ông. Khổ nhất là câu chuyện vợ con. Đến giờ nhắc lại ông vẫn thổn thức khóc nấc trong sự xót xa không nói được thành lời. Tôi chỉ sợ ông xúc động quá lại đổ bệnh nên xua tay nói vài điều vui vẻ để ông cười, nhưng thực sự nỗi đau quá lớn ấy không có gì bù đắp nổi khiến trái tim ông tan nát, nhỏ lệ.
Có một câu châm ngôn đại ý: Càng làm nhiều, thấy nhiều và cảm nhận nhiều thì người ta càng biết đánh giá chân thực về những điều cơ bản như gia đình, tình yêu và thấu hiểu sự đồng hành. Hơn ai hết, có lẽ nhà văn Lê Lựu hiện nay đang là người nếm trải được tất thảy mọi mất mát của sự đồng hành ấy. Mất đi một gia đình, quan trọng nhất, ông mất tất cả niềm tin, hy vọng vào con người. Hóa ra đồng tiền có sức mạnh vô biên mà một nhà văn như ông đôi khi không thể lý giải được. Ông bảo, ông viết hàng nghìn hàng vạn trang sách rồi, nhưng những trang viết về đời mình thì ông không thể nào có thể tưởng tượng mà viết ra như thế này được.
Nói về gia đình, về các con, nhà văn Lê Lựu khóc, những giọt nước mắt đọng trên đôi mắt nhăn nheo, già nua, chậm chạp của ông. Đã nhiều mùa xuân trôi qua, ông không có gia đình bên cạnh, không có bàn tay săn sóc của vợ con mặc dù những cơn bạo bệnh tưởng đã quật ngã ông. Những cuộc sum vầy, quây quần chỉ còn trong ký ức, ký ức không thể nguôi quên, ký ức không bị lầm lẫn mới đáng buồn, đáng tiếc. Những ngày tết bán buôn tấp nập, chỉ có dăm ba người con cháu họ hàng thân thích bên họ nhà ông tới thăm ông.
Có năm những người đi bán hàng ngày 30 Tết ở ngõ chợ trước cửa nhà ông xin vào ngủ nhờ tránh rét chờ trời sáng. Và may mắn cho nhà văn Lê Lựu vì có cháu Hoài, một người gắn bó đã lâu với Trung tâm Văn hóa doanh nhân hàng ngày chăm sóc. Cô vừa là Trưởng ban Biên tập của tạp chí Văn hóa doanh nhân, vừa là người chăm cho ông từng bữa ăn, giấc ngủ.
Sau nhiều lần bị tai biến, nhà văn Lê Lựu không thể tự lo cho bản thân được, cuộc đời ông, bây giờ gắn với chiếc xe lăn và cháu Hoài. Cũng chỉ Hoài mới là người tỉ mẩn nấu cho ông từng bữa ăn giấc ngủ, tiêm thuốc tiểu đường đều đặn hàng ngày, và cũng chỉ Hoài mới có thể dịu dàng với ông đến vậy khi muốn ông ăn thêm chút cơm canh ngoài khẩu phần bác sĩ quy định.
Ông ngủ cứ đến 2 giờ sáng là tỉnh giấc, ngồi dậy bật tivi rồi cứ để thế cho đến khi trời sáng. Có khi ông cũng chả xem đâu nhưng tivi của ông lúc nào cũng để volume hết cỡ để có tiếng người. Nhiều đêm không ngủ được, một chốc một nhát ông lại gọi “Hoài ơi! Hoài ơi”, khi thì ông cần nước, khi thì đi vệ sinh, khi lại uống sữa… Cũng bởi vậy mà Hoài chỉ về quê đêm 30, ngày mồng một Tết đã phải lên Trung tâm để chăm sóc cho nhà văn Lê Lựu.
Nhiều khi tôi chợt nghĩ, nếu không có Hoài, liệu có ai có thể chăm sóc, chiều chuộng, dịu dàng và chịu đựng ông cho hết những tháng ngày mỏi mòn trong căn nhà rộng chỉ toàn bàn ghế, những bức ảnh đã úa màu thời gian và những đám chuột làm bạn, chạy vào gặm cả chân của ông cùng cái vắng lặng đến tê người trong con ngõ cuối cùng của khu nhà ấy…
Với chặng đường văn nghiệp, mọi thứ đã dường như khép lại, dù trong đầu ông nhiều ý tưởng, nhưng bàn tay run run đã không thể cầm bút, nói lại càng khó vì ông không thể phát âm rõ chữ sau nhiều lần tai biến. Giờ ông chỉ mong có một kết thúc có hậu cho thiên tiểu thuyết của đời mình với “Quỹ nhà văn Lê Lựu”, một điều tâm huyết cả đời ông khắc khoải.
Song hành với Quỹ này, là một bản di chúc về việc phân chia tài sản chi tiết, tỉ mỉ, dày dặn dưới sự chấp thuận của nhà văn Lê Lựu cùng những người chứng kiến và do một luật sư có uy tín trong Đoàn Luật sư Hà Nội soạn thảo, có tư cách pháp nhân của pháp luật giám sát.
Trong di chúc, ngoài những tài sản đất đai nhà cửa cố định như căn nhà ở quê sẽ được làm nhà tưởng niệm nhà văn Lê Lựu, còn lại gần như cả tài sản (tiền mặt khác có liên quan) của mình ông sẽ dành cho “Quỹ nhà văn Lê Lựu” khi ông tạ thế. Bởi vì theo ông, đó là một quỹ xã hội hoạt động không vì lợi nhuận, nhằm mục đích hỗ trợ và khuyến khích phát triển văn học, xã hội, văn hóa doanh nhân, góp phần phát triển xã hội.
Quỹ được hình thành từ nguồn vốn đóng góp ban đầu của nhà văn Lê Lựu là 1 tỉ đồng và sau đó thì tự tạo vốn trên cơ sở vận động quyên góp, vận động tài trợ của các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật để thực hiện các hoạt động trao giải thưởng cho các cá nhân, tổ chức có tác phẩm văn học xuất sắc về đề tài nông nghiệp, nông thôn, doanh nhân và văn hóa doanh nhân.
Trong quỹ này, ông chú trọng khuyến khích những tác phẩm, tác giả viết về văn hóa doanh nhân, nông thôn đổi mới, đặc biệt là sinh viên, học sinh nghèo có tác phẩm hay. Ông có vẻ hạnh phúc khi nhắc tới quỹ này, bởi tới đây, cái tên của ông sẽ được xướng lên trong một cuộc vinh danh về văn học nghệ thuật, ông hạnh phúc bởi ông cảm thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa.
Hoài kể lại rằng, mới đây, không hiểu sao bỗng dưng ông trở chứng, cứ ngồi như vậy nói chuyện một mình cả một ngày trời. Dù ông không ốm, không mệt, phải gọi bác sĩ đến tận nhà thăm khám kê thuốc thì ông mới chịu yên. Tuổi già mỗi ngày một khác, dù nhà văn Lê Lựu là một người khá minh mẫn thì vẫn không thể tránh được quy luật của đời người. Hỏi ông có sợ cái chết không, ông bảo, có gì mà phải sợ, quy luật cả thôi. Số ông đã được nhà văn Hà Ân xem tử vi cho từ ngày còn trẻ, và rất đúng.
Nhà văn Hà Ân từng nói rằng, số của ông đến khi chết vẫn không có người thân bên cạnh bởi vậy ông đã chuẩn bị hết cho mình mọi thủ tục cho ngày “về cõi”: “Tâm nguyện của tôi là được cơ quan cũ là Tạp chí Văn nghệ quân đội cùng Trung tâm Văn hóa doanh nhân, Quỹ nhà văn Lê Lựu phối hợp tổ chức lễ tang, chôn cất tại quê hương bên cạnh mẹ và các anh tôi ở thôn Mãn Hòa, Khoái Châu, Hưng Yên. Trung tâm Văn hóa doanh nhân và Quỹ nhà văn Lê Lựu phụ trách trưng bày phòng lưu niệm cho tôi tại quê nhà. Lúc sống, cả đời tôi một lòng theo cách mạng, cống hiến toàn bộ sức lực của mình cho dân tộc, cho văn hóa nước nhà, không ân hận điều gì nên được vậy lúc chết tôi cũng được phần an ủi.
Còn về gia đình, tôi đã làm tròn bổn phận của người chồng, người cha. Với các con, tôi đã cho ăn học trưởng thành. Khi về già ốm yếu tôi không được gia đình người thân chăm sóc như người khác nên việc tôi dành toàn bộ số tài sản còn lại cho quỹ xã hội là muốn nhắc nhở mọi người chấn chỉnh lại đạo lý gia đình, đạo lý dân tộc và phát triển văn hóa nước nhà - Đây cũng là mong muốn khắc khoải cuối cùng của tôi”…
Chia tay nhà văn Lê Lựu khi phố xá đã đỏ đèn và ông bắt đầu bữa ăn tối của mình để đi ngủ sớm dù mới 5 giờ chiều. Trời tối nhanh nhưng không khí ấm áp của tết vẫn hiện rõ trên gương mặt những người đi đường. Chợt chạnh lòng nghĩ tới nhà văn Lê Lựu với những cái tết không gia đình, những cái tết cô đơn dù ông vẫn có một xấp tiền mới để mừng tuổi những người đến chơi với Trung tâm Văn hóa doanh nhân. Mùa xuân này ông đã ngoài 70 tuổi…
Theo Trần Hoàng Thiên Kim