Bà Pock Rey Cho vừa tới Việt Nam để tham gia tuyển phim dự LHP quốc tế Gwangju (GIFF) lần thứ 15 sẽ diễn ra tháng 5 tới, trả lời câu hỏi: điện ảnh Việt hiện thừa gì và thiếu gì? - đã thẳng thắn: Điện ảnh Việt hiện quá thừa phim giải trí, nội dung không hề chứa đựng ý nghĩa thực sự nào. Trong khi đó, các phim nghệ thuật truyền thống có mô típ tương đối giống nhau, những phim chiến tranh hoặc hậu chiến cũng không có gì khác biệt.
Cần lưu ý, đây là tiếng nói của một chuyên gia đến từ đất nước nổi tiếng về phim giải trí. Và phim giải trí Hàn đã là loại phim có tiếng là “sến”, đầy những cảnh sướt mướt, những éo le, những nhân vật tốt và xấu đều cực đoan. Nhưng những bộ phim này vẫn cuốn hút được khán giả. Và câu trả lời đã rõ rành rành: Dù là giải trí, nhưng vẫn phải có ý nghĩa nhân văn, ý nghĩa giáo dục. Trong khi, phim Việt gần đây ngày càng lao sâu vào kiểu giải trí hài nhảm và rỗng tuếch.
Với kinh nghiệm của mình, bà Pock Rey Cho cũng thành thật chia sẻ: Khán giả quốc tế rất mong muốn được xem những bộ phim Việt thực sự mang hơi thở của thời đại, của xã hội Việt Nam hiện nay.
Thực ra, không đợi người nước ngoài nhận xét, trong nước đã có một số ý kiến tương tự của các nhà văn hóa, các văn nghệ sỹ có tài, có tâm. Nhưng không chỉ (nhiều) người làm phim, mà cả người sáng tác văn chương nữa, đều sa đà vào thứ hiện thực sơ sài, bề mặt, khuôn sáo và cứng nhắc. Số khác thì chạy theo những vấn đề thời thượng mà họ tự trang trí bằng cụm từ “toàn cầu hóa”.
Trong khi, đời sống đương đại ở Việt Nam không thiếu gì những vấn đề đáng để văn nghệ sỹ khai thác. Tại sao ở ta luôn có rất nhiều người chỉ mong muốn đuổi theo những vấn đề, những hiện tượng trên thế giới? Tại sao ở ta khá nhiều người quên mất rằng thế giới sẽ chỉ quan tâm đến nghệ thuật Việt Nam khi nó thực sự đặc sắc riêng có.
Nghệ thuật của một nghệ sỹ chắc chắn sẽ không thể đạt được điều gì nếu không có những tìm tòi cá nhân. Cũng như vậy, nghệ thuật của cả một đất nước chắc chắn sẽ không thể tiến xa nếu quên đi những vấn đề bản thể.