Nhà Trắng hôm qua, 25/9 lên tiếng bác bỏ cáo buộc của Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong-ho cho rằng chính Tổng thống Mỹ Donald Trump là người châm ngòi cho cuộc chiến giữa hai nước.
“Chúng tôi không tuyên chiến với Triều Tiên, và nói một cách thẳng thắn thì cáo buộc đó là vô lý”, thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders khẳng định.
“Một quốc gia không thể bắn hạ máy bay của một quốc gia khác khi nó đang bay trên vùng biển quốc tế.”, bà Sanders nhấn mạnh. “Mục tiêu của chúng tôi vẫn như cũ, đó là giải trừ hạt nhân bán đảo Triều Tiên. Đây là trọng tâm của chúng tôi. Và chúng tôi sẽ thực hiện việc đó thông qua cả áp lực kinh tế và ngoại giao.”
Trước đó không lâu, phát biểu trước các phóng viên tại New York (Mỹ), Ngoại trưởng Triều Tiên tuyên bố: vì Washington đã tuyên chiến nên Bình Nhưỡng “có quyền áp dụng các biện pháp đối phó, bao gồm cả việc bắn hạ máy bay ném bom chiến lược của Mỹ ngay cả khi các máy bay này không xâm phạm không phận Triều Tiên.”
Về lý thuyết, Triều Tiên và Hàn Quốc – đồng minh thân cận của Mỹ vẫn đang ở trong tình trạng chiến tranh kể từ sau khi kí hiệp định đình chiến vào năm 1953. Từ đó đến nay, giữa các nước thường xuyên có những động thái gây hấn, khiêu khích, nhưng chưa để nổ ra chiến tranh.
Theo giới truyền thông Mỹ, hồi tuần trước, các trợ lý của Tổng thống Trump đã khuyên ông không nên nhắc đến Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un khi phát biểu tại Đại hôi đồng Liên Hợp Quốc hôm 19/9, nhưng ông Trump không nghe.
Phát biểu trước cộng đồng quốc tế, ông Trump gọi người đồng cấp Triều Tiên bằng một biệt danh đầy mỉa mai là “Ông Tên Lửa” và nói Mỹ có thể “hủy diệt hoàn toàn Triều Tiên”.
Tuyên bố này của ông Trump đã khiến Chủ tịch Kim buộc phải lên tiếng trong một tuyên bố cá nhân hiếm hoi, thậm chí là chưa từng có: “Triều Tiên chắc chắn sẽ trị kẻ rối loạn tâm thần Mỹ bằng hỏa lực”, ông Kim cảnh báo.
Trước cuộc khẩu chiến nảy lửa giữa Bình Nhưỡng và Washington, tiến sĩ Sue Mi Terry – một chuyên gia hàng đầu về Triều Tiên từng làm việc tại Cục Tình báo Trung ương MỸ (CIA) cho biết hai nước có thể sẽ “châm ngòi một cuộc chiến mà không ai mong muốn”.
“Cuộc khẩu chiến này sẽ không có lợi. Nước Mỹ có thể có những biện pháp mạnh mẽ để đáp trả Triều Tiên mà không cần đặt biệt danh hay sử dụng những lời lẽ như vậy nhằm vào ông Kim Jong-un”, bà Terry nói. “Trong lịch sử Triều Tiên, chúng tôi chưa từng thấy có có nhà lãnh đạo nào đưa ra những tuyên bố như ông Kim. Chủ tịch Triều Tiên đang coi những lời nói của Tổng thống Mỹ là lời công kích cá nhân. Và ông Kim sẽ không lùi bước. Tôi không rõ liệu ông Trump có hiểu điều này hay không.”
Cùng quan điểm, Will Saetren – một chuyên viên thuộc Viện Nghiên cứu Trung Quốc – Mỹ tại Washington DC (Mỹ) cho rằng Tổng thống Trump đang khiến chính sách đối ngoại của Mỹ trở nên “vượt quá tầm kiểm soát” của cơ quan ngoại giao nước này.
“Chúng ta đang bước đi như người mộng du”, Saetren nói, “Thông thường, những sự cố đáng tiếc sẽ chỉ xảy ra ở cấp thấp. Nhưng chúng ta đang nói đến cấp lãnh đạo, những người đứng đầu đất nước. Vì vậy, tôi hy vọng chúng ta có thể hạ giọng để tránh vạ miệng.”
Theo Saetren, việc Triều Tiên bắn hạ máy bay quân sự Mỹ đáng lo ngại tương đương, thậm chí hơn cả việc nước này phóng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân bay qua Nhật Bản rồi phát nổ ở Thái Bình Dương.
Shin Chang-hoon, chuyên gia cấp cao của Viện Chiến lược Hàng hải Hàn Quốc cho rằng để giảm bớt căng thẳng, đáng lẽ Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho chỉ nên nhấn mạnh quyền tự vệ của Bình Nhưỡng thay vì đề cập đến việc bắn rơi máy bay Mỹ. “Mọi chuyện đang trở nên rất tồi tệ. Việc Triều Tiên bắn rơi máy bay Mỹ sẽ đồng nghĩa với việc nổ ra chiến tranh”.