Nhà thơ, Nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo qua đời: Thứ hàng dễ vỡ …

TP - Thứ hàng dễ vỡ ấy nay đã bể! Cứ rờn rợn khi đọc lại những dòng NTT viết về nhà thơ Võ Thanh An. Mà hiếm khi NTT lại nhiêu khê khi đề từ cho một bài thơ như thế nhỉ? 
Nhà thơ, Nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo qua đời: Thứ hàng dễ vỡ … ảnh 1
 

Hàng là nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo (NTT).

Năm xa ấy, một buổi đã nhọ mặt người, nhà nghiên cứu Hán Nôm Đào Thái Tôn võng NTT trên chiếc xe Honda cánh én cũ mèm bành bạch ghé khu tập thể xập xệ của tôi ngó ra Hồ Trả Gươm.

Chuyện trời bể thế nào chả rõ. Và cái vò sành to tổ bố đựng rượu trắng cứ dần vơi vợi đi những phần đêm. Chỉ biết bửng tưng hôm sau, mở mắt ra thấy cặp chân Đào Thái Tôn gác trên ngực NTT! Sau đấy cứ lo lo ngài ngại thế nào khi thấy nhà nghiên cứu họ Đào vẫn đương bung biêng nhưng lại với vẻ hăng hái dứt khoát là sẽ đưa thi sĩ NTT về cái nơi cần về. Rằng tớ biết đèo cái giống nhà thơ như chở thứ hàng dễ vỡ mà! Nhà thơ NTT nghe được thích quá cười phe phé. Và sau này có bài thơ đại loại cái kiếp nhà thơ mong manh bất trắc, vô thường và đưa nguyên cái câu của Đào Thái Tôn thi sĩ như thứ hàng dễ vỡ.

Nhà thơ, Nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo qua đời: Thứ hàng dễ vỡ … ảnh 2 Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo (giữa), nhà báo Xuân Ba (trái) và nhà thơ Nguyễn Thụy Kha (phải). Ảnh: TL

Gặp NTT lần đầu đâu như quãng năm 1991. Chuyến đi Huế nhiều cơn cớ đã cấu khơ khớ thời gian. Nhà thơ Dương Kỳ Anh và Nguyễn Hoàng Sơn mệt nằm nhà khách Lê Lợi biểu tôi đi tìm NTT khi đó đang mới nổi danh thơ xứ Huế. Rồi tôi với chú Đỗ Hà lái xe cũng triệu được NTT đến.

Huế độ ni ra răng? Hoàng Sơn nhại giọng Huế hướng về gã trai rất khó đoán tuổi râu ria xộc xệch. NTT cười, mắt cứ hun hút về phía e ấp của cô phóng viên mới Dương Phương Vinh đáp ngay Sông Hương hóa rượu ta đến uống/ Đắc đạo rượu ngon đắc đạo tình/ bạn bè xứ Huế thương nhau thiệt/ Một đứa vợ la chục đứa kinh.

Sức rượu của NTT thật đáng nể. Rứa mà không thấy bê bết mê mệt hay loạn ngôn?  Chuyến ghé Huế ấy nhà thơ đã khai nhỡn lẫn mở miệng cho lũ chúng tôi biết thế nào là rượu Kim Long, Rượu O Hiếu… bền danh trước nay của đất thần kinh. Ít lâu sau NTT ra định cư hẳn ở Hà thành có thủ theo lên tàu  ngược Bắc một vò con đựng chất lửa lỏng nồng nàn Kim Long ấy.

Đáng phục là cái sức rượu của NTT. Cầm chịch trang thơ Báo Văn rồi những thành viên Hội đồng thơ quốc gia, yếu nhân trong nhiều tạp chí trong đó có Tạp chí âm nhạc và hội viên có tới hơn 10 Hội này khác. Rồi hào phóng làm bìa cho các thi nhân văn nhân ra sách vv… Tíu tít bấn bíu những việc nhưng NTT cứ đều đều cứ thong thả rượu và tưng tửng thơ như thế. Hình như hao đi bao nhiêu ly bao nhiêu vò thì cứ dầy mãi lên những trang thơ?

Mà Con Tạo luôn khắc nghiệt khắt khe tỷ lệ cùng xác suất ngặt nghèo cái giống thi - tửu ấy? Mà nay thi sĩ tửu đồ là ai? Tản Đà đã riết róng, cảnh báo vậy. Hiếm lắm. Có phải cứ nốc vào là ra thơ cả đâu? Để ý lắm anh tập tọng thơ, mê NTT, môn đệ hẳn hoi một thời gian thấy cứ khật khừ tái xanh tái tử và thơ cũng tắc!

Trời cho chút tài rượu nhưng NTT không có cái thói hiếu cổ mê muội để mà cuồng, ngông học đòi người xưa chả phải lối. Kiểu Cổ kim thánh hiền giai tịch mịch/ Duy hữu ẩm giả lưu kỳ danh (những hiền thánh xưa nay lặng lẽ chỉ anh say tiếng để muôn đời - Trần Trọng Kim dịch thơ Lý Bạch). Đệ tử Lưu Linh NTT  sớm nhận chân ra cái nhỏ nhoi bé mọn mong manh trong cõi vô cùng trời đất nên đã nhân hậu khiêm nhường khi trời còn cho thú thưởng và thẩm rượu. Mong mỏng hớp rượu Vân/ Dầy dầy ngụm Bàu Đá/ Cay một hơi rượu cần/ Đất nước mình yêu quá.

Cái phao ấy là thứ cứu sinh cho NTT tỉnh táo chừng mực giữa bể rượu đời?

Gẫm thêm cái tình bạn bè của NTT thật đáng kể lẫn đáng nể. Ấy là năng lực của sự liên tài. Chợt giật thột cánh viết thời buổi này ít khi và hiếm việc họ đọc của nhau. Chừng như liên tài là một phẩm trật, tiêu chí của kẻ sĩ? Một thi sĩ đa năng như NTT đâu có khó khăn gì cho việc trợ giúp để một nhạc sĩ NTT suôn sẻ phần lời ca khúc? Nhưng NTT đã lấy cái tình cùng cái tài để động viên đề cao và cao hơn thế tôn vinh bạn bè. Lẩn thẩn nghĩ, một nhà thơ Nguyễn Phan Hách người ta biết nhiều hơn so với một Nguyễn Phan Hách Giám đốc NXB Hội Nhà văn sau này bởi bài thơ từng được NTT sử dụng cho phần lời Làng quan họ quê tôi chứ? Một nhà thơ Lê Huy Mậu có lẽ dần dà chìm lút và lãng quên trong những bộn bề xô bồ của Vũng Tàu nếu không có cái tài thăng hoa của NTT để bay bổng lên nhân quần Việt với Khúc hát sông quê?

Cũng cần phải nói đến cái duyên trời cho ở hiền gặp… đàn bà của NTT.  Quả thoạt đầu tôi cũng như bao gã khác cứ thấy gai gai, ghen ghen khi tụ bạ với nhau, chén anh chén chú đấy mà thi sĩ hên làm sao khi cuối cuộc và cuộc nào cũng thế, thể nào phần thắng cũng thuộc về NTT vì có một người đẹp nào đó theo đi hoặc lưu lại. Mà họ dẫn nhau đi đâu nhỉ? Bao giờ về nhỉ? Cứ ngẩn ngơ, lẩn thẩn vô lối vậy! Chả ít những cuộc tình chóng vánh lẫn dài dài… Và rồi ở cả những cuộc hôn nhân không bền. Nhưng tất thảy dường như toát yếu lên một NTT vị tha yếu đuối và như gì đó thua thiệt. Chưa thấy kẻ chiến thắng NTT phách lối khinh khi hay ruồng rẫy. Mà hóa ra NTT là kẻ bại! Và lão chợt nhận ra sự bất biến vô thường của các cặp phạm trù nam - nữ, đực - cái, hôn nhân qua những bấy bớt đến tội nghiệp trong Người đàn bà bỏ người đàn ông vào trong túi.

Chỉ mình em biết anh là

 của em

Không ai biết

Em suốt đời chỉ mình anh

Mình anh biết em

Anh

 Người đàn ông duy nhất

của em

Người đàn ông trong túi

đàn bà.

May mắn làm sao sau bao bận những khôn ngoan cùng dại khờ lầm lẫn, NTT đã gặp được chút may. Ôi đương còn đây một gia đình bé mọn mà cô con gái Thu Hương kết quả của cuộc hôn nhân đầu luôn hiếu đễ bên bố, bên một con bệnh trọng hết tai biến lại ung thư phổi ở nhà thương Bạch Mai. 

Thứ hàng dễ vỡ ấy nay đã bể! Cứ rờn rợn khi đọc lại những dòng NTT viết về nhà thơ Võ Thanh An. Mà hiếm khi NTT lại nhiêu khê khi đề từ cho một bài thơ như thế nhỉ? 

…Dù biết ông sẽ ra đi bất cứ lúc nào. Nhưng được tin ông mất tôi ngỡ như có bức tượng đá đã vỡ thành muôn ngàn hạt bụi bay vào cõi thiên thu.

Và thơ.

 Bệnh ung thư đau đớn vẫn nở cười/ Cười vì bạn vì con mà quên mình đau đớn/ Anh là thế giữa cuộc đời đùa giỡn.

Và hôm nay tượng đá vỡ tan rồi/ Đã thành bụi nhập vào cát bụi/ Giữa xa xanh/ Giữa trời bão nổi/
Những câu thơ hiển hiện.

Là Anh.

Có phải NTT đang chia thì tương lai gần cho những u ám của chính mình vậy?

Chỉ ngày rằm tháng Giêng, Ngày thơ Việt  này thôi tôi đang nghĩ đến thời khắc  hết thảy người dự Ngày thơ Việt đều nhất loạt ngẩng lên phía cao xanh vào thời điểm thả thơ. Những câu thơ vấn vít bên lá cờ Thơ sống động hình ảnh chim Lạc đang dìu chữ Thơ bay lên. Cờ ấy, biểu tượng ấy Nguyên tiêu này nữa là lần thứ 17 bay trên Miếu Văn mà tác giả là Nguyễn Trọng Tạo.

Tưởng như hồn thi sĩ đa tài Nguyễn Trọng Tạo đang siêu thoát lên chín tầng giời.

Đêm 7/1/2019

Nguyễn Trọng Tạo sinh ngày 25/8/1947 tại Diễn Châu, Nghệ An, nhập ngũ năm 1969, học Ðại học viết văn Nguyễn Du khoá 1, làm thơ từ năm 14 tuổi. Ông là nhà thơ, nhà văn, kiêm nhạc sĩ, hoạ sĩ. Từng là Ủy viên Hội đồng thơ của Hội Nhà văn Việt Nam. Ông từng được các giải thưởng thơ của Nghệ An năm 1969, và giải thơ của các báo Văn nghệ, Văn nghệ quân đội, Nhân dân (1978), hai lần được Giải thưởng Văn học nghệ thuật cố đô (Huế), Giải thưởng Văn học nghệ thuật Hồ Xuân Hương, Giải thưởng Ủy ban toàn quốc các hội văn học nghệ thuật Việt Nam về thơ và văn xuôi. Thơ và truyện ngắn của ông dịch ra tiếng Pháp, Anh, Nga, Tây Ban Nha... Tác giả của những tập thơ, trường ca  “Ðồng dao cho người lớn”, “Nương Thân”, “Thế giới không còn trăng”, “Con đường của những vì sao” vv…Ông còn là nhạc sĩ tài danh tuy viết không nhiều. Tác giả các ca khúc đi cùng năm tháng Làng quan họ quê tôi/ Khúc hát sông quê…

Mất hồi 19 giờ 50 ngày 7/1/2019 tại Bệnh viện Bạch Mai.

Lễ viếng nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo từ 12h-13h30 ngày 9/1/2019, tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội). Theo gia đình, linh cữu cố thi sĩ sẽ được hỏa táng, sau đó đưa về Khu tưởng niệm của gia đình tại quê nhà.

MỚI - NÓNG