Thân cò lặn lội
Tôi đến thăm nhà thơ Đỗ Bạch Mai vào một ngày đẹp nắng nhưng đoạn đường đến nhà chị không tươi như thời tiết, đủ loại phương tiện giao thông đua chen cùng với… bụi. Và rồi tôi cũng đến được địa chỉ cần tìm, không dám tin ấy là nhà của nhà thơ Đỗ Bạch Mai. Đó là một xưởng in gia công đang hoạt động tốc lực vào những tháng cuối năm. Đang ngơ ngác thì nhà thơ xuất hiện. Bà đưa tôi vượt qua xưởng in để lên gác trò chuyện. Chiếc bàn uống nước kiêm bàn ăn của nhà thơ vẫn còn đó mâm cơm chưa kịp dọn. Bà kêu người giúp việc lên dọn mâm để tiếp chuyện tôi. Chỉ có những tấm hình hai vợ chồng nhà thơ được treo khắp phòng cùng với giá sách to mới nhắc nhớ tôi, mình đang đến thăm nhà thi sĩ. Ở mùa thu cuộc đời, Đỗ Bạch Mai đã sắm vai mới: Làm ăn buôn bán, quản lí thợ thuyền, thơ ca tạm thời gác sang một bên.
Bà bảo với tôi, đang bị viêm phế quản, vẫn ngày ngày phải đi tiêm. Rồi giơ đôi bàn tay nói tiếp: "Em nhìn xem, tay chân tôi thế này". Nỗi xót xa ùa đến khi tôi chợt nhớ câu chuyện "năm bông hồng trắng" của bà: “Bông này xa vắng/Bông này nhớ thương/Bông này giận hờn/Bông này chờ đợi/Còn bông cuối cùng/Em không dám nói/Còn bông cuối cùng/Anh không dám hỏi/Còn một bông cuối/Dịu dàng tỏa hương". Một hồn thơ dịu dàng, nữ tính khác xa một Đỗ Bạch Mai đang nói chuyện với tôi. Thỉnh thoảng câu chuyện giữa chúng tôi lại ngắt quãng, bà bận trả lời điện thoại của khách hàng hoặc chỉ đạo thợ thuyền. Bà tâm sự thật thà: "Tôi mở công ty trách nhiệm hữu hạn chuyên gia công sách, lịch từ năm 2009. Ơn trời bao năm qua, bao nhiêu công ty kinh doanh như chúng tôi đã đóng cửa còn công ty của chúng tôi vẫn hoạt động. Có lúc công việc nhiều quá khiến tôi cảm thấy bị kiệt sức". Bà khoe sức lao động của bà không dễ gì những người đang sung sức như tôi bì kịp: "Tôi làm thì các em không theo được đâu. Tôi thức dậy từ 6 rưỡi sáng đến 11 giờ đêm mới đi ngủ. Sáng dậy sớm, đun nước, lo từ cái tăm, hạt gạo, hạt muối cho thợ. Trước đây, tôi cũng thuê mấy bà giúp việc chuyên cơm nước cho thợ nhưng họ không làm nổi, nên bây giờ tôi làm tất". Đỗ Bạch Mai tự hào về khoản bếp núc nhanh nhẹn của mình: "Tôi nấu ăn chỉ trong vòng tiếng rưỡi, tay năm tay mười, xong hết cả cơm cho thợ và cho gia đình". Bà thú nhận trong đời thực cũng có lúc bà phải to tiếng với thợ thuyền, khách hàng. Rồi bà biện minh cho những phút nóng giận của mình: "Tại sao tôi khó chịu, bẳn gắt? Bởi vì tôi đã sống hết mình, thấy người ta hời hợt thì tôi không chịu nổi". Nhưng không chỉ trong cuộc sống đời thường Đỗ Bạch Mai mới hết mình. Trong thi ca và trong tình yêu, bà cũng như que diêm dám cháy kiệt cùng.
Tranh của Nguyễn Văn Hổ.
Nên duyên với thơ nhờ... ghen
Đỗ Bạch Mai kể: Cũng trong căn phòng này, có những đêm bà trằn trọc không ngủ được vì thơ. Đó là khoảng thời gian khi chồng bà, nhà thơ Bế Kiến Quốc qua đời, bà muốn hoàn thiện tập thơ "Một mình đi trong mưa" nhưng bài "đinh" chưa có. Sau nhiều đêm trăn trở, cuối cùng thơ đã gõ cửa. Bà bật dậy ghi lại trong nước mắt: "Từ nay cò ơi/Thân cò lặn lội/Một mình nuôi con/Đồng dọc đồng ngang/Đồng trên đồng dưới/Đồng xa đồng gần/Cò đừng lạc lối…”.
Đỗ Bạch Mai biện minh cho những phút nóng giận của mình: "Tại sao tôi khó chịu, bẳn gắt? Bởi vì tôi đã sống hết mình, thấy người ta hời hợt thì tôi không chịu nổi". Nhưng không chỉ trong cuộc sống đời thường mới hết mình, trong thi ca và trong tình yêu, bà cũng như que diêm dám cháy kiệt cùng.
Trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí, Đỗ Bạch Mai từng khẳng định: Không bao giờ bà thấy số phận mình kém may mắn, mặc dù những nhọc nhằn, vất vả của cuộc sống mưu sinh vẫn đeo bám bà không thôi. Với nữ thi sĩ "được sống, được khẳng định mình, mình được yêu người, được người yêu", đã là hạnh phúc. Cặp đôi Bế Kiến Quốc - Đỗ Bạch Mai là cặp đôi đẹp của thi ca Việt Nam hiện đại.
Vừa qua, trong giới trẻ đang lên cơn "sốt" ca khúc "Ông bà anh" của Lê Thiện Hiếu, một tác giả trẻ: "Ông bà anh yêu nhau thời chưa có ti vi/Ông bà anh yêu nhau thời chưa có xe hơi/Ông thường đưa bà anh đi dạo quanh… trên con ngựa sắt Thống Nhất màu xanh". Ca từ có thế thôi mà gây chấn động, có lẽ bởi vì ở thời đại này tình yêu bình dị đang trở nên xa xỉ. Thực ra câu chuyện yêu của "ông bà anh" vốn chẳng có gì đặc biệt ở ngày xưa. Thời ấy ai chẳng yêu như vậy. Đỗ Bạch Mai nhớ về người chồng đã khuất trên mười năm vẫn rưng rưng: "Tình yêu của chúng tôi đẹp lắm, lãng mạn và lí tưởng, nếu không tin em cứ đọc thơ ông ấy viết cho tôi sẽ thấy". Một chi tiết đáng ghen tị: Đỗ Bạch Mai được nhà thơ Bế Kiến Quốc, viết tặng trăm bài thơ, trong khoảng thời gian hai người yêu nhau, chừng một năm, trước khi cưới. Bà xem mình hạnh phúc như En-xa, nữ văn sĩ Nga kiều diễm, người "tái sinh" cuộc đời Aragông, nhân vật khổng lồ của văn học Pháp thế kỷ XX.
Lý do khiến Đỗ Bạch Mai không đi bước nữa, vẫn ở vậy nuôi các con, sau khi nhà thơ Bế Kiến Quốc qua đời: "Cái bóng anh ấy sừng sững, làm sao tôi có thể quên đi để đến với người khác được". Tính tuổi âm, Bế Kiến Quốc chỉ hơn vợ một tuổi nhưng hai người là hai thế hệ thơ ca: Đỗ Bạch Mai là tiếng thơ sau 75, Bế Kiến Quốc là tiếng thơ thời chống Mỹ. Trong đời sống, Đỗ Bạch Mai luôn coi chồng như người yêu, người anh, người thầy. Sẽ mãi mãi không có một thi sĩ Đỗ Bạch Mai, nếu bà không thành vợ Bế Kiến Quốc. Bà kể: "Tôi không nghĩ là mình sẽ làm thơ. Một ông lớn thế, nổi tiếng thế đã làm thơ, sao mình còn làm thơ nữa, rõ ngớ ngẩn. Chỉ đến lúc có sự cố về tinh thần thì tự nhiên thơ ở trong người". Thi sĩ không giấu chuyện xưa: "Anh ấy đi trại sáng tác ở Đồng Tháp, ở đó có một cô bé như hoa đồng nội, cũng kính nể và say mê thơ anh. Anh ấy yêu mến, cũng là tình cảm trong sáng thôi. Tôi đổ vỡ khi phát hiện ra chồng thư hai người gửi qua gửi lại. Trong đó có đoạn anh ấy viết cho cô ấy: "Nhỏ ơi, nhỏ đừng làm khổ anh nữa, anh phải nói với nhỏ rằng anh đã có một người vợ rất tuyệt vời, một người phụ nữ đôn hậu, hiền lành, thông minh, một con người sẵn sàng hi sinh tất cả cho chồng con”. Ấy là một lá thư từ chối. Nhưng tôi vẫn đau. Bà bắt đầu làm thơ, bài đầu tiên diễn tả cảm giác cô đơn giữa tiết trời mùa thu, trong đó những câu giận hờn: "Bồng bềnh mây nước là anh/Vu vơ ngồi hát một mình là em". Có những ngày bà làm 4, 5 bài thơ. Ngày ngày bận bịu với công việc ở Báo Văn nghệ, về nhà lại làm bánh quế lo chuyện áo cơm, vừa ngồi nướng bánh quế bà vừa làm thơ, nước mắt cứ chảy dài: "Có hôm nhà thơ Phạm Tiến Duật đến, đang thấy tôi chùi nước mắt, tôi đưa cho anh xem một bài thơ vừa viết xong. Anh bảo: Giời bắt mày làm thơ rồi". Còn chồng bà, nhà thơ Bế Kiến Quốc thường tâm sự với bạn bè: "Tôi rất sợ lấy vợ làm thơ nhưng đến lúc ấy, sự cố đến, thì tôi thấy Mai thực sự là một nhà thơ và tôi không thể ngăn cản được". Chồng bà thường nói đùa: "Nhờ cơn "Ăng-ghen" mà có thêm một nhà thơ". Trong cuộc sống đời thường, Bế Kiến Quốc luôn động viên vợ ngồi vào bàn viết, không để phí tài năng cùng sự ăn học của mình. Nhà thơ nghĩ đơn giản: "Viết xong em lấy nhuận bút". Nhưng Đỗ Bạch Mai đã quyết lùi lại để chồng tiến lên: "Tiền nhuận bút ấy không đủ sống. Thôi em lùi lại phía sau, vừa làm việc, vừa phấn đấu dần dần. Em quen chịu khổ rồi".
Vợ chồng nhà thơ Bế Kiến Quốc - Đỗ Bạch Mai thời trẻ.
Bài thơ "Năm bông hồng trắng" nổi tiếng của Đỗ Bạch Mai, đã được nhạc sỹ Phạm Tuyên phổ nhạc ra đời một cách không chủ định: "Tôi thích cắm hoa. Hôm đó tôi mua 5 bông hồng trắng về cắm trong cái lọ nhỏ. Bế Kiến Quốc thấy tôi lúi húi cắm hoa, anh nhìn thấy đầy chất thơ, vì lúc nào anh ấy cũng lãng mạn, có biết đâu vợ vất vả thế nào. Anh ấy bảo: Em làm thơ về 5 bông hồng trắng đi. Đó là lời động viên, cũng là lời thách thức. Tôi chợt nhớ đến bài Bói hoa của Đoàn Lê. Tôi nghĩ để bài thơ sâu sắc thì mỗi bông hoa nên là một câu chuyện. Và thế là tôi bắt đầu: "Nói chuyện nho nhỏ/Bên bông hồng đỏ/Bên bông hồng xanh/Trò chuyện với anh/Năm bông hồng trắng". Có người thắc mắc vì sao lại là "bông hồng xanh". Thực ra bông hồng xanh chỉ là đơn giản là bông hồng còn non thôi". Nữ thi sĩ còn nguyên cảm giác khi câu cuối cùng của bài thơ khép lại: "Mình run rẩy. Mình viết dễ như thế trước ông thầy của mình. Mình không đủ tự tin đó là một bài thơ nên hỏi chồng: Anh thấy có phải một bài thơ không? Chồng bảo: Thơ đây chứ còn gì nữa". Đỗ Bạch Mai tổng kết: "Những bài thơ thành công bao giờ tôi cũng làm trong một sự run rẩy". Bà viết "Năm bông hồng trắng" khi đã ngoài 30 tuổi. Bắt đầu làm thơ ở tuổi đã trải nghiệm và cảm hứng cho thơ lại khởi nguồn từ? ghen. Trường hợp của Đỗ Bạch Mai quả là hi hữu trong văn học Việt.
Sống thay phần anh ấy
"Hồi đó bọn tôi mơ mộng, lí tưởng lắm. Tôi học tiếng Pháp nên sinh nhật anh tôi dịch tập thơ "Người làm vườn" của Tagore tặng anh". Với Đỗ Bạch Mai, tình yêu của Bế Kiến Quốc là món nợ tinh thần lớn, có đi hết đời bà vẫn không trả nổi: "Người ta tặng mình một bài thơ mình đã nhớ cả đời, đằng này anh ấy tặng tôi cả tập thơ. Khi chúng tôi gặp nhau, cả hai đã không còn trẻ, mỗi người đã trải qua vài mối tình. Nhưng khi hai người tìm thấy nhau, tình yêu mới vỡ òa, những gì đã qua trước đây chỉ như là cõi tạm. Trước khi mất, chồng tôi nói: Anh phải cần 20 năm nữa mới làm được hết dự định của mình. Tôi đau khổ vì không thể làm gì để có 20 năm đó cho anh nên bây giờ tôi phải sống bù cho anh, sống bù cho khát vọng của anh. Bởi vậy cái gì cần trước thì tôi làm trước. Bây giờ cuộc sống của các con mình chưa đầy đủ nên mình phải lo cho chúng đầy đủ". Đó cũng là lí do tập thơ "Gió vẫn còn thổi mãi" chùng chình chưa xong. Trước khi tôi ra về, bà đọc lại bài thơ viết khi nhà thơ Bế Kiến Quốc mới qua đời. Đó là cảm xúc của lần đầu tiên một mình đi trong đêm mưa không còn ai đưa đón: “Một mình một lối/Một mình trong mưa/Lặn lội thân cò/Tối tăm mù mịt...". Bài thơ này của bà đã được phổ nhạc thành một ca khúc được yêu thích. Các sáng tác của Đỗ Bạch Mai thành công một phần vì âm hưởng dân gian đậm đà. Ít ai biết nữ sĩ Đỗ Bạch Mai đã hoàn thành chương trình đào tạo cao học của chuyên ngành văn học dân gian từ khi còn khá trẻ.