Nhà ở xã hội 100 triệu đồng: Hà Nội làm được nếu có quỹ đất sạch

Hà Nội cần những khu NƠXH như Bình Dương với giá 100 triệu đồng/căn hộ. Ảnh: Duy Bách
Hà Nội cần những khu NƠXH như Bình Dương với giá 100 triệu đồng/căn hộ. Ảnh: Duy Bách
TP - Nhiều chủ đầu tư cho rằng, Hà Nội có thể xây nhà 100 triệu đồng/căn hộ nếu áp dụng đúng mô hình nhà ở xã hội (NƠXH) tại Bình Dương. Tuy nhiên, chủ đầu tư lo ngại quỹ đất nội thành hạn hẹp, còn xây ở ngoại thành sẽ rơi vào cảnh không có người mua.

Xây ở đâu?

Mỗi năm, Hà Nội đưa vào sử dụng hàng nghìn căn hộ NƠXH nhưng nguồn cung không đủ cầu. Cảnh người dân xếp hàng đi nộp hồ sơ, những khuôn mặt thẫn thờ khi bốc trượt quyền được mua căn hộ diễn ra tại nhiều dự án: Tây Nam Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội), Chèm - Cổ Nhuế (Nam Từ Liêm, Hà Nội). Một nguyên nhân dẫn đến việc nguồn cung NƠXH hạn chế do Hà Nội thiếu quỹ đất cho loại hình nhà ở này. Nhiều chủ đầu tư có kinh nghiệm làm NƠXH muốn làm tiếp nhưng phải dừng vì “hết đất”.

“NƠXH 100 triệu đồng/căn hộ tại Bình Dương dành cho đối tượng công nhân. Hà Nội hoàn toàn có thể làm được nhà ở giá rẻ như Bình Dương, nếu cần có thể thí điểm gần các khu công nghiệp. Vấn đề là Hà Nội có quan tâm đến công nhân hay không mà thôi”.

Ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam

Chia sẻ vấn đề Bình Dương làm NƠXH 100 triệu đồng, ông Nguyễn Văn Đa, Phó Giám đốc Cty CP Bê tông và Xây dựng Vinaconex Xuân Mai - chủ đầu tư 2 dự án NƠXH tại quận Hà Đông, cho rằng: “Trong các quận nội thành, nếu làm dự án 5 tầng như Bình Dương rất lãng phí. Còn ở ngoại thành như Đông Anh, Sóc Sơn, Quốc Oai... sợ rằng không có người mua. Cách đây 7 - 8 năm, công ty dự định làm mô hình nhà ở như Bình Dương, nhưng nhu cầu lúc đó rất thấp. Sở dĩ Bình Dương bán hết 5.000 căn hộ vì lượng công nhân đổ về Bình Dương gia tăng nhanh”.

Cũng theo ông Đa, Bình Dương làm được NƠXH 100 triệu đồng bởi sự đồng thuận từ chủ đầu tư, chính quyền, người dân và ngân hàng. Dự án này nằm trong khu phức hợp công nghiệp - đô thị nên chủ đầu tư được phép chuyển toàn bộ chi phí hạ tầng, đường sá, nhà đậu xe... vào chi phí cho thuế đất công nghiệp, thành ra giá bán chỉ là chi phí xây dựng nhà. Hiện giá xây dựng khoảng 4 triệu đồng/m2 và mỗi căn hộ 30m2 tại Bình Dương chỉ xây 20m2 sàn. “Ở Hà Nội nếu có đất sạch, doanh nghiệp được vay ưu đãi, áp dụng theo thiết kế của Bình Dương thì không có gì là không làm được. Thậm chí còn làm tốt hơn Bình Dương”, ông Đa nói.

Đồng quan điểm với ông Đa, ông Nguyễn Quý Hưng, Tổng Giám đốc Cty CP Phát triển NƠXH (HUD) cho biết: “Chúng tôi đang triển khai dự án NƠXH Tây Nam Linh Đàm và bàn giao vào quý III tới. Những căn hộ 35m2 thu hút nhiều khách hàng. Sắp tới, nếu Hà Nội có đất triển khai tiếp các dự án NƠXH, công ty sẽ chú trọng xây dựng những căn hộ diện tích nhỏ”.

Ông Hưng cho biết NƠXH tại Hà Nội cao hơn so với nhiều địa phương vì xây cao tầng (từ 12 - 22 tầng), cộng thêm chi phí giải phóng mặt bằng... sẽ đội giá thành lên. “Quỹ đất sạch là điều kiện cần. Nhưng đất sạch ở đâu mới là quan trọng nhất. Nếu đem áp dụng xây NƠXH tại khu công nghiệp ngoại thành Hà Nội sẽ thành công còn xây trong nội thành sẽ gây nhiều tranh cãi vì áp lực hạ tầng”, ông Hưng nói.

Giảm lãi vay gói 30.000 tỷ đồng

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM cho rằng, các địa phương đều có thể làm như mô hình của Bình Dương, tuy nhiên còn không ít vướng mắc trong chính sách phát triển NƠXH, cụ thể là lãi vay. Hiệp hội đề nghị mức lãi suất vay gói 30.000 tỷ đồng nên giảm về mức 3-3,5% (thay vì 5 đến 6% hiện nay), đồng thời có ân hạn 3 năm đầu chưa phải trả lãi để hỗ trợ người vay.

Đồng thời, nâng thời hạn vay từ 15 năm lên 20 năm. Đây là kiến nghị từ thực tế bởi gói hỗ trợ này phục vụ chủ yếu đối tượng nghèo, thu nhập thấp. Để thời hạn vay 15 năm họ khó tích lũy đủ trả nợ. Đề xuất của chúng tôi cũng dựa theo thông lệ cho vay trả góp của thế giới là 25 năm. Nhiều nước cho vay trả góp từ 20 đến 30 năm.

MỚI - NÓNG