Nhà máy xi măng “tra tấn” dân

Nhà máy xi măng “tra tấn” dân
TP - Nhà máy xi măng Đồng Lâm (huyện Phong Điền, tỉnh TT-Huế) mặc dù chưa chính thức vận hành, nhưng hoạt động nổ mìn khai mỏ nguyên liệu từ 3 tháng nay đang gây bất an cho hàng trăm hộ dân, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.

> Dừng dự án xi măng trị giá hơn 760 tỷ đồng
> Thủ tướng đồng ý đưa 9 DA xi măng ra khỏi quy hoạch

Mới hơn 10 giờ sáng, cánh đồng Điền Lộc (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền) nằm cạnh mỏ đá Phong Xuân vắng hoe. Đưa chúng tôi ra thăm ruộng lúa, nông dân Nguyễn Đình Trì kể, do lo ngại nạn đá bay, đá rơi từ mỏ đá ra ruộng đồng gây sát thương, cứ gần đến giờ nổ mìn, nông dân rút hết về trong làng.

Dấu tích của những trận “mưa” đá mỏ trước đó vẫn còn hiện hữu giữa mặt ruộng. Khuân vội tảng đá to bằng chiếc nón có xuất xứ từ khu mỏ ra khỏi mặt ruộng, ông Trì cho biết: “Vì không biết có đá tảng, đá dăm bay từ mỏ găm xuống mặt ruộng như thế này, nhiều phương tiện cơ giới làm đất của dân liên tục bị hỏng hóc, thiệt hại.

Các máy cày hễ xuống ruộng làm đất là gặp sự cố, do vướng “bẫy” đá vỡ của các trận nổ mìn”. Chưa hết, kể từ ngày khai mỏ, công việc đồng áng của nông dân trong vùng cũng bị xáo trộn. “Nhiều lúc chỉ còn một đám ruộng nhỏ sắp gặt xong, chúng tôi đành bỏ dở công việc, do gần đến giờ nổ mìn. Chúng tôi phải mất công, tốn thêm tiền thuê nhân công, máy gặt, máy cày làm nốt chút công việc còn bỏ dở vào buổi chiều”, nông dân Đặng Quang Quốc kể.

Một vị cán bộ UBND xã Phong Xuân cùng dân ra thăm ruộng cho biết, thoạt đầu mới xảy ra sự cố đá văng, đại diện chủ mỏ phủ nhận thực tế nguy hiểm của hoạt động nổ mìn và ra điều kiện, hễ nông dân nào nhặt được mỗi viên đá rơi từ mỏ ra ruộng sẽ nhận hỗ trợ 1 triệu đồng.

“Đến khi dân nhặt hàng chục cục đá lớn có xuất xứ từ mỏ nằm trên mặt ruộng, chủ mỏ không đáp ứng được điều kiện do chính họ đặt ra. Dân phản ứng dữ dội, chính quyền phải đứng ra giải quyết, yêu cầu hỗ trợ tượng trưng cho dân có ruộng bị nhiễm đá mỏ, tình hình tạm yên”, cán bộ xã Phong Xuân kể.

Vị này cho biết, trong lần cùng chính quyền địa phương đi kiểm tra ruộng đồng bị nhiễm đá mỏ vào giờ nổ mìn, Giám đốc điều hành mỏ đá Đoàn Văn Huy từng suýt bị mảnh đá văng trúng người.

Nứt nhà vì nổ mìn

Nhà dân Phong Xuân bị nứt được cho là do nổ mìn khai thác đá
Nhà dân Phong Xuân bị nứt được cho là do nổ mìn khai thác đá.
 

Hoạt động nổ mìn tiềm ẩn nguy cơ gây hư hại nhà cửa của hàng trăm hộ dân xung quanh. Gia đình bà Trần Thị Đẻo sống cách điểm nổ mìn chừng 300 mét. Ngôi nhà hai tầng mới xây bề thế của bà nham nhở các vết nứt. Chỉ tay lên vết nứt dài hơn 5m dưới trần nhà bê tông, bà Đẻo kể: “Trước thời điểm mỏ đá nổ mìn, nhà tôi chưa hề bị nứt như thế này. Nếu tình trạng này cứ tiếp diễn, chả ai dám ở trong ngôi nhà này nữa”. Cách nơi ở của bà Đẻo không xa, căn nhà cấp 4 của hộ ông Trì cũng xuất hiện nhiều vết nứt trên hệ thống vách ngăn bê tông.

Ruộng đồng ở Phong Xuân luôn hứng chịu những đợt “mưa” đá do nổ mìn
Ruộng đồng ở Phong Xuân luôn hứng chịu những đợt “mưa” đá do nổ mìn.

“Cháu ngoại tôi mới sinh được mấy tháng. Cứ đến giờ nổ mìn, cả nhà phải canh chừng để ôm ghì cháu. Nhiều hôm không chịu nổi tiếng nổ mìn quá lớn, cháu lăn ra khóc ngất cả giờ đồng hồ. Khổ nhất là người già đau ốm và trẻ em mới sinh như cháu tôi đây”, bà Hoàng Thị Mão - vợ ông Trì - kể.

Theo ông Trần Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Xuân, rung chấn dữ dội do nổ mìn phá đá gây bất an cho nhiều vùng dân cư trên địa bàn. Trước phản ứng của dân, lãnh đạo huyện, cơ quan chức năng từng về kiểm tra, yêu cầu chủ mỏ thực hiện nổ mìn đúng khối lượng, quy trình cam kết. “Thời điểm có đoàn kiểm tra, rung chấn do nổ mìn được hạn chế một cách khác thường. Nếu với mức độ như vậy, chả ai phản ứng làm gì. Tuy nhiên, ngay hôm sau, mức độ rung chấn lại dữ dội như cũ, dân tiếp tục kêu”, ông Toàn cho biết.

Mới đây, qua kiểm tra thực tế tình hình sản xuất nông nghiệp quanh khu mỏ, lãnh đạo Cty CP Xi măng Đồng Lâm - đơn vị quản lý mỏ đá - đồng ý hỗ trợ cho nông dân bị ảnh hưởng, với mức 2,7 tạ thóc/1 sào đất trồng lúa. Tuy nhiên, ông Đoàn Văn Huy - Giám đốc điều hành mỏ đá Phong Xuân - phủ nhận tác động do nổ mìn đến nhà dân. “Trước thời điểm nổ mìn, chúng tôi đã khảo sát, ghi hình hiện trạng nhà cửa bị nứt và có thống kê cụ thể. Dân không thể vin vào hoạt động nổ mìn để cho rằng nhà cửa bị nứt do khai mỏ”, ông Đoàn Văn Huy cho biết.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.