Nhà máy thành cao ốc, công nhân bị đẩy ra đường

Công nhân đòi quyền lợi trước trụ sở Công ty dệt Mùa Đông.
Công nhân đòi quyền lợi trước trụ sở Công ty dệt Mùa Đông.
TP - Dưới danh nghĩa cổ phần hóa và phải di dời ra khỏi nội đô, hàng loạt khu đất các nhà máy trên địa bàn Hà Nội đang rơi vào tay các “đại gia” bất động sản để biến thành những khu chung cư cao tầng để bán, trong khi những người lao động, công nhân gắn bó lâu năm lại bị đẩy ra đường.

Công nhân ra lề đường

Gần một tháng nay những công nhân của Cty CP dệt Mùa Đông vẫn tập trung trước cổng công ty tại số 47 Nguyễn Tuân (quận Thanh Xuân, Hà Nội) để yêu cầu lãnh đạo đơn vị này chi trả mọi quyền lợi khi nhà máy di dời ra ngoại thành. Theo các công nhân, việc di dời nhà máy ra ngoại thành nhưng lại thông báo đột ngột trong thời gian ngắn, gây khó khăn cho người lao động.

“Đa số công nhân ở đây đều là nữ, nhiều trong số này đã gắn bó trên 20 năm với nơi đây nhưng khi di dời họ đã áp đặt thời gian đẩy chúng tôi vào tình thế khó khăn. Với lương ít ỏi nếu đi làm ở nơi cách hơn 20km so với địa điểm hiện nay thì không đủ trang trải trong khi tìm việc mới thì không kịp”, một công nhân tâm sự. 

Được biết, Cty CP dệt Mùa Đông được cổ phần hóa từ năm 2006. Ngày 25/10/2010, UBND thành phố Hà Nội có quyết định việc thu hồi 22.602m2 của Cty giao cho Cty CP bất động sản Mùa Đông-VID (trong đó Cty CP dệt Mùa Đông sáng lập) để thực hiện dự án xây dựng Tổ hợp văn phòng dịch vụ thương mại và nhà ở cao tầng để bán… Cũng theo quyết định này thì khu đất nhà máy này sẽ mọc lên một loạt khu chung căn hộ để bán cao từ 19 đến 35 tầng. 

Cách Công ty CP dệt Mùa Đông không xa, hơn 120 công nhân của Công ty CP thể dục thể thao Việt Nam (Vinasport) ở số 181 Nguyễn Huy Tưởng cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Được cổ phần hóa từ năm 2007, Công ty Vinasport là doanh nghiệp duy nhất của ngành thể thao sản xuất, kinh doanh trang thiết bị, dụng cụ thể thao. Trong khi nhà xưởng đang sản xuất, việc kinh doanh đang ổn định thì ngày 18/3/2015, công ty này đã thông báo cho toàn bộ công nhân tạm thời nghỉ làm để di dời ra khu công nghiệp Thanh Oai (huyện Thanh Oai) gây khó khăn cho người lao động.

Nhà máy thành cao ốc, công nhân bị đẩy ra đường ảnh 1

Thay vì xây dựng khu trưng bày sản phẩm, khu đất 181 Nguyễn Huy Tưởng được cho thuê sai mục đích.

“Bắt tay” đối tác để trục lợi


Theo tìm hiểu, sau thực hiện cổ phần hóa năm 2008 Công ty Vinasport đã “bắt tay” với đối tác bên ngoài là Công ty Megastar hợp tác để thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu phức hợp chung cư cao tầng tại khu đất 181 Nguyễn Huy Tưởng (với dự kiến 9 tòa chung cư cao 30 tầng-PV). Thời điểm này, ông Nghĩa là Phó Chủ tịch HĐQT, nhưng đã không tổ chức họp HĐQT mà tự ý ký nghị quyết, quyết định phê duyệt Công ty Megastar là đối tác, sau đó ký hợp đồng nguyên tắc với đơn vị này.

Không chỉ sai phạm trong việc “bắt tay” với đối tác bên ngoài để thực hiện dự án chung cư tại khu đất 181 Nguyễn Huy Tưởng, mới đây lãnh đạo Cty này còn để xảy ra những sai phạm khác. Theo ông Huỳnh Bá Bình, Trưởng phòng Vật tư Công ty Vinasport, sau khi bị yêu cầu dừng triển khai các dự án khai thác khu đất ở 181 Nguyễn Huy Tưởng thì lãnh đạo công ty này đã cho phá toàn bộ khu xưởng sản xuất, khu điều hành và chuyển hết công nhân ra khu công nghiệp Thanh Oai (huyện Thanh Oai) để lấy 16.000 m2 tại 181 Nguyễn Huy Tưởng cho đối tác bên ngoài thuê với giá rẻ mạt.

“Chủ trương di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư là đúng đắn. Thế nhưng, những người lao động gắn bó với mảnh đất này hơn 30 năm mà toàn bộ giá trị quyền sử dụng đất của công ty là tài sản của nhà nước lại đang được lãnh đạo công ty sử dụng như tài sản cá nhân, tự ký kết hợp đồng cho thuê có giá rẻ mạt”, ông Bình nói.

Cụ thể, ngày 8/4/2015, Công ty TDTT Việt Nam đã có văn bản gửi UBND quận Thanh Xuân làm hồ sơ xin thi công xây dựng khu nhà trưng bày sản phẩm thể dục thể thao, nhưng kỳ thực đơn vị này lại đi ký kết với một đối tác khác để cho thuê làm khu nhà mẫu, phòng bán hàng với khu nhà kiên cố, hệ thống đường giao thông, bãi xe hoành tráng. Điều đáng nói, theo ký kết giữa Công ty TDTT Việt Nam với Công ty CP HBI thì hợp đồng thuê phần nhà xưởng và cơ sở hạ tầng trên diện tích đất 11.650m2 tại 181 Nguyễn Huy Tưởng để HBI làm khu nhà mẫu cho dự án Imperia Garden với giá thuê chỉ 1.667 đồng/m2, tức chưa bằng giá của 1 cốc trà đá vỉa hè.

Trong thời gian qua trên địa bàn đã xảy ra nhiều trường hợp, người lao động, công nhân tập trung phản đối, đòi quyền lợi khi nhà máy bị di dời như công nhân Công ty May số 8 Lê Trực, công nhân Công ty Dệt 8/3… Điều đáng nói, các cơ sở sản xuất sau di dời này đều được chuyển sang làm dự án nhà ở, văn phòng, trung tâm thương mại đi ngược lại với chủ trương giảm dân số nội đô. 

MỚI - NÓNG