Giữa tháng 5/2016, chúng tôi có mặt tại xóm 1, xã Kim Lan, huyện Gia Lâm. Làng nghề gốm sứ lâu năm ven sông Hồng từ vài tháng nay không còn yên ả, bởi nỗi lo của nhiều hộ gia đình. Gia đình ông Mão, xóm 1, xã Kim Lan cho hay, vài tháng trở lại đây, nhà máy sản xuất xe đạp được chuyển đổi thành nhà máy sản xuất hóa chất. Nhà máy luôn có rất nhiều thùng nhựa đựng hóa chất màu.
“Nhà tôi làm chăn nuôi nên rất lo không biết hóa chất có ảnh hưởng gì đến thức ăn của bản thân gia đình hay đàn gia súc không?”, ông Mão lo lắng. Cách đó không xa, bà Hoa, chủ một vườn cây cảnh cho biết, cứ 2 ngày một lần, lại có 1 xe tải cỡ lớn đến lấy các thùng hóa chất. “Rất mong chính quyền có thông báo nhà máy sản xuất gì, để dân an tâm sinh sống, làm ăn”, bà Hoa nói.
Đem những câu hỏi của người dân đến UBND xã Kim Lan, mới hay chính quyền xã không hề hay biết về hoạt động của nhà máy trên. Lãnh đạo UBND xã Kim Lan khẳng định: Sẽ cử cán bộ xuống địa bàn để nắm tình hình ngay.
Đến ngày 18/5, ông Đào Văn Duyệt, cán bộ tư pháp xã Kim Lan thông tin: Sau khi nhận được phản ánh, chúng tôi đã đến địa bàn nơi có nhà máy sản xuất phụ gia bê tông này.
Đây vốn là xưởng sản xuất xe đạp, hiện nay đã được Cty Cổ phần Vật liệu xây dựng Hưng Hải thuê lại để sản xuất hóa chất. Nhà máy phụ gia xi măng này hoạt động chưa hề xin phép xã. Biên bản kiểm tra hoạt động của nhà máy vào ngày 18/5 cho thấy, nhà máy sản xuất hóa chất nhưng không hề có hệ thống phòng chống cháy nổ.
Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở không có mặt nên cơ sở không đưa ra bất cứ giấy tờ gì. “Đoàn kiểm tra đã yêu cầu tạm dừng hoạt động của cơ sở này, yêu cầu chủ cơ sở lên làm việc với UBND xã”, ông Duyệt nói.
Khó đánh giá tác hại nếu không kiểm soát chặt
Ghi nhận tại xưởng hóa chất ngày 27/5 (sau gần 10 ngày chính quyền lập biên bản xử lý), hoạt động sản xuất, pha chế hóa chất của cơ sở này vẫn diễn ra bình thường. Bên trong cánh cửa đóng im ỉm, công nhân vẫn pha chế, chỉ mở cửa khi có xe tải đến lấy hàng.
Trong xưởng có hàng chục thùng nhựa (mỗi thùng khoảng 1.000 lít hóa chất), hàng chục bao bột trắng với dòng chữ Made in China, một loạt vỏ nhựa hóa chất độc hại (có ghi cảnh báo trên vỏ) vứt lăn lóc phía góc xưởng.
Trao đổi với PV Tiền Phong ngày 6/6, ông Nguyễn Tiến Mừng, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Lan cho biết, chủ cơ sở sản xuất đã mang giấy tờ liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh để làm việc. Tuy nhiên, phía doanh nghiệp không xuất trình được đánh giá tác động môi trường. Chủ cơ sở cho biết, đánh giá tác động môi trường đã được gửi lên Phòng Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) huyện Gia Lâm chờ giải quyết.
Trong khi đó, ông Lương Văn Thành, Trưởng phòng TN&MT huyện Gia Lâm khẳng định: Chưa hề nhận được hồ sơ của Cty Cổ phần Vật liệu xây dựng Hưng Hải. Huyện Gia Lâm cũng không có chức năng cấp phép cho hoạt động của cơ sở sản xuất hóa chất. Như vậy, 3 tháng vừa qua, hóa chất từ Cty trên đã và đang được xử lý như thế nào không ai rõ. Người dân vẫn đang thấp thỏm, chờ đợi trong lo âu.
TS Nguyễn Hồng Quyền, Phó Viện trưởng Viện công nghệ vật liệu vô cơ thông tin: Trong số các chất sử dụng làm nguyên vật liệu sản xuất bê tông có các chất nguy hiểm được khuyến cáo tránh tiếp xúc với da, có mùi độc hại không hít vào trực tiếp như: PEMA, POWDER, SEMI…
Điều kiện bảo quản cho các sản phẩm này cũng hết sức chặt chẽ (trong thùng kín, nơi râm mát, tránh bị ngấm nước). Vì vậy, trước khi xây dựng nhà máy, cần có đánh giá tác động môi trường cụ thể.
Có đơn vị đánh giá thực tế, kiểm định mua và sử dụng hóa chất sát sao ngay từ khâu nguyên liệu đầu vào. “Bởi nếu đã hòa tan vào nhau thì không thể phân tích được hết tác hại. Nguy hiểm có thể kể đến việc khiến cá chết hàng loạt, cây cối chậm lớn, thậm chí gây ung thư ở người”, TS Quyền cho hay.