Nhà hàng trên mương Phan Kế Bính phớt lờ 'tối hậu thư' di dời

TP - UBND phường Cống Vị (quận Ba Đình) đã ra “tối hậu thư” cho các cơ sở kinh doanh vi phạm tại dự án cống hóa mương Phan Kế Bính (quận Ba Đình). Cụ thể, thông báo yêu cầu các đơn vị kinh doanh không đúng mục đích sử dụng đất chấm dứt hoạt động trông giữ xe và nhà hàng tại đây trước ngày 10/6.

Tuy nhiên, đã quá hạn di dời nhưng các cơ sở kinh doanh không đúng mục đích tại đây vẫn án binh bất động. Một số doanh nghiệp (DN) đang thuê lại mặt bằng cho rằng, các hợp đồng thuê đất đều đúng luật, nếu giải tỏa cơ quan chức năng và cả chủ đầu tư cống hóa kênh mương phải có trách nhiệm đền bù những thiệt hại kinh tế cho DN.

Theo chủ sở hữu của nhà hàng Hải Sản Phố (mương Phan Kế Bính) đến thời điểm này vẫn chưa được dự cuộc họp nào, thậm chí chưa có 1 văn bản nào liên quan đến sự việc cho đến khi nhận được thông báo của UBND phường Cống Vị. UBND phường ra văn bản yêu cầu dừng kinh doanh trong vòng chưa đầy 10 ngày là không hợp lý, bởi đơn vị này không có điều kiện chuẩn bị cho việc di dời. Đơn vị này cũng cho rằng, đã đầu tư 40 tỷ đồng cho nhà hàng. Nếu phải di dời, số tiền trên mất trắng, hơn 200 nhân viên mất việc làm.    

Tại dự án cống hóa mương Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy) nhiều DN cũng đang gặp vướng mắc tương tự. Một DN đang kinh doanh tại Lô 678, ô số 3 của dự án cho biết, khi ký hợp đồng 7 năm (từ 2015) DN có lên Sở Kế hoạch – Đầu tư xin cấp phép kinh doanh nhà hàng thì được chấp thuận. Do đó, DN đã đầu tư gần 8 tỷ đồng, cùng gần 100 triệu đồng thuê nhà/năm vào đây.

Theo ông Cù Đức Tố, Giám đốc Cty CP Đầu tư, xây lắp, thương mại và dịch vụ (chủ đầu tư dự án mương Nghĩa Đô) cho biết, năm 2007 khi khu vực này còn là kênh sông hôi thối, đơn vị đã đầu tư 40 tỷ đồng nạo vét và làm 2 lớp cốt thép, giúp lòng sông sâu 9m được cống hóa như ngày nay. Toàn bộ khu đất cũng đã được Sở TN&MT cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 50 năm, ghi rất rõ là đất dành cho sản xuất kinh doanh. Về thuế đất, thành phố thu của Cty 500 triệu đồng, đến nay 2013 thu thành 9 tỷ đồng/năm (tương đương với toàn bộ là thuế kinh doanh dịch vụ).

Giải thích về việc sử dụng đất sai mục đích, ông Tố cho rằng nhiệm vụ chống ô nhiễm và thoát nước cho thành phố đã được hoàn thành, chúng tôi phải được kinh doanh để thu hồi vốn.

Luật sư Nguyễn Hồng Hà, đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho rằng, hiện nay các DN thuê lại đất kênh mương đang gặp 2 vấn đề về pháp lý, giữa chủ đầu tư dự án và với cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và hợp đồng thuê đất đã bị vô hiệu thì đây chỉ là vấn đề dân sự.

MỚI - NÓNG