Không giấu được niềm vui sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép cùng các đối tác lập báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Cảng hàng không Quảng Ninh theo hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) để làm cơ sở thực hiện các bước tiếp theo, ông Dolien Han, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Joinus Việt Nam cho biết: “Chúng tôi sẽ thực hiện thật tốt dự án này”.
Đeo đuổi kế hoạch xây dựng Sân bay Vân Đồn từ đầu năm 2010, ngay sau khi nhà đầu tư Rockingham (Mỹ) rút khỏi dự án, nên dễ hiểu vì sao ông Dolien Han vui như vậy. Hơn 4 năm, với rất nhiều phần việc được thực hiện, như khảo sát, nghiên cứu, thuê tư vấn thiết kế, ký thỏa thuận hợp tác với KAC, Posco E&C, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi…, cuối cùng, “cửa” đã mở cho Sân bay Vân Đồn.
Trước đó, hồi tháng 2/2014, quan điểm của Chính phủ vẫn là “việc lập Dự án Cảng hàng không Quảng Ninh sẽ được xem xét sau khi Đặc khu kinh tế Vân Đồn được phê duyệt”. “Chúng tôi sẽ nhanh chóng bắt tay vào việc thực hiện các thủ tục tiếp theo để chuẩn bị cho việc triển khai Dự án”, ông Dolien Han nói.
Được biết, ngay sau khi có văn bản thông báo ý kiến của Chính phủ về việc chấp thuận giao UBND tỉnh Quảng Ninh là cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Dự án Cảng hàng không Quảng Ninh, ngày 31/7, UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu Liên danh KAC, Posco E&C và Joinus Việt Nam khẩn trương phối hợp với tỉnh lập dự án đầu tư làm cơ sở để triển khai các bước tiếp theo.
“Việc đàm phán ký hợp đồng BOT cũng sẽ phải tuân thủ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và quy định của pháp luật Việt Nam”, ông Nguyễn Văn Thành, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, yêu cầu.
Như vậy, sẽ còn một chặng đường khá dài để hoàn tất các thủ tục cần thiết cho việc đầu tư xây dựng Sân bay Vân Đồn. Tuy nhiên, ông Dolien Han kỳ vọng, Dự án có thể hoàn thành vào năm 2018, sau khoảng 4 năm xây dựng.
Theo báo cáo đề xuất sơ bộ mà liên danh các nhà đầu tư đã trình UBND tỉnh Quảng Ninh từ giữa năm ngoái, do công ty TNHH một thành viên Thiết kế và Tư vấn xây dựng công trình hàng không (ADCC) lập, thì Dự án có quy mô vận chuyển đến năm 2020 là 6,6 triệu lượt khách, với tổng mức đầu tư gần 654 triệu USD (không bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng). 21% vốn thực hiện Dự án sẽ do các nhà đầu tư đóng góp, phần còn lại vay vốn thương mại.
Ông Dolien Han cho biết, CastlePines Corporation (CPC), tập đoàn tài chính được thành lập ở Australia, chuyên đầu tư vốn vào các dự án hạ tầng cơ sở lớn, khai khoáng, bất động sản, hoạt động ở nhiều thị trường lớn như Mỹ, châu Âu…, đã xác nhận đầu tư không ít hơn 100 - 700 triệu USD vào dự án với vai trò vừa là một nhà đầu tư, vừa là một nhà cung cấp tài chính cho dự án.
UBND tỉnh Quảng Ninh, Bộ Giao thông - Vận tải và Cục Hàng không Việt Nam đã làm việc trực tiếp với CPC hồi tháng 3/2014, và tập đoàn này cũng cam kết cung cấp tài chính cho dự án. “Chúng tôi đã có các cam kết về khoản tài chính khoảng 1,1 tỷ USD, vừa để đầu tư, vừa để chuẩn bị cho giai đoạn đầu vận hành dự án”, ông Dolien Han nói.
Trong khi đó, theo thỏa thuận hợp tác, Posco E&C, công ty con của Tập đoàn Posco (Hàn Quốc), sẽ tham gia thực hiện dự án với tư cách là nhà thầu EPC độc quyền. Công ty này sẽ thực hiện từ việc lập kế hoạch, thiết kế, xây dựng cơ sở hạ tầng của dự án. Còn KAC sẽ đảm nhận thực hiện công tác quản lý khai thác, vận hành và bảo trì đối với Sân bay Vân Đồn. Năng lực, kinh nghiệm của cả Posco E&C và KAC đều đã được các cơ quan chức năng Việt Nam xác nhận. Như vậy, những điều kiện cơ bản ban đầu cho việc triển khai xây dựng đã có. Bước tiếp theo là sự nỗ lực của các bên trong việc chuẩn bị, cũng như triển khai.
Được biết, để chuẩn bị cho việc hình thành và phát triển Đặc khu kinh tế Vân Đồn, Quảng Ninh cũng đã và đang kêu gọi đầu tư một loạt dự án lớn, trong đó có khu nghỉ dưỡng phức hợp có casino, vốn đầu tư khoảng 4 tỷ USD. Sân bay Vân Đồn và khu nghỉ dưỡng phức hợp này chính là hai dự án có vai trò động lực, quyết định sự thành công của Đặc khu kinh tế Vân Đồn. Sân bay Vân Đồn cũng là một trong các dự án nằm trong Danh mục Dự án quốc gia kêu gọi đầu tư nước ngoài đến năm 2020.