> Liều lĩnh nuôi tu hài
> Hàng trăm tỷ đồng chìm theo tu hài
Bài 1: Khai mở vương quốc tu hài
Ngôi nhà khang trang giữa thị trấn Vân Đồn, một chiếc tàu hàng trăm triệu đồng cùng cơ ngơi nuôi trồng thủy sản lớn nhất nhì huyện Vân Đồn. Khối tài sản mà 10 năm trước có nằm mơ vợ chồng ông Hoàng Văn Thụ, 46 tuổi trú tại TT Cái Rồng, Vân Đồn không bao giờ dám nghĩ tới. Tuy nhiên, để giàu vì biển, 10 năm qua lão ngư Hoàng Văn Thụ nếm trải không biết bao nhiêu nhọc nhằn, cay đắng…
Kiểm tra khu nuôi hàu . |
Từ thợ săn tới…
Ở Vân Đồn, ông Thụ là một trong những người đầu tiên nuôi tu hài từ năm 2003. Ông Thụ tiếp nhận dự án nuôi tu hài từ một tổ chức nước ngoài. Chỉ vẻn vẹn vài nghìn con giống và một chút ít kỹ thuật ban đầu, ông Thụ chính thức mở đường tiên phong cho loại đặc sản có sản lượng lớn nhất huyện. Và cũng không ai biết rằng, chính con tu hài làm chấn động cả huyện Vân Đồn ngày nay. Ông Thụ cho biết, đến với nghề nuôi tu hài rất tình cờ nhưng bây giờ lại chính là
cái nghiệp.
Lớn lên ở Vân Đồn nhiều sóng gió nhưng ông Thụ khi đó không bao giờ lại nghĩ đời mình gắn với biển. Mặc dù mẹ ông rất giỏi nghề đi biển với tài bắt, khai thác các loại nhuyễn thể trên vùng biển giàu có này. Năm 1991, ông Thụ lấy vợ, một người con gái đất Quan Lạn chính gốc, cũng ăn sóng nói gió và nhiều đời bám biển nhưng lại chuyển vào đất liền kiếm kế sinh nhai trong căn nhà nhỏ do bố mẹ ông Thụ để lại. Hàng ngày, ông Thụ chạy xe ôm và vợ thì buôn bán lặt vặt qua ngày. Cuộc sống tưởng như bình yên thì, cơn lốc đề đóm, cờ bạc bỗng tràn vào căn nhà nhỏ bé. Ông Thụ say đề như thuốc phiện. Bao nhiêu tiền của làm được và cả vay mượn, rồi, căn nhà nhỏ cũng đội nón đi theo những giấc mơ làm giàu không khó.
Lúc này, đứa con lớn ra đời khiến cuộc đời anh xe ôm trở nên cùng quẫn hơn bao giờ hết, không việc làm và chiếc xe máy cà tàng chở khách cũng phải bán và ông trắng tay. Thời đó, Vân Đồn là một đơn vị hành chính thuộc TX Cẩm Phả và là nơi nghèo nhất, xa nhất vì để tới Vân Đồn phải qua phà. Nhặt nhạnh vay mượn mãi cuối cùng ông Thụ cũng mua được một chiếc mủng lắp máy nhỏ. Không rõ điều gì xui khiến, ông Thụ trực chỉ ra biển.
Ông Thụ trong ngôi nhà nổi giữa vịnh Vân Đồn. |
Chiếc mủng cập bờ một hòn đảo tên Đông Chén, hòn đảo đất hiếm hoi rộng lớn thuộc xã đảo Bản Sen ngày nay. Và câu chuyện đời một Robinson hiện đại thứ thiệt
bắt đầu.
Ông Thụ cho biết, con tu hài vốn có trong tự nhiên từ lâu đời, thi thoảng bới trên bãi cũng có. Tuy nhiên, khi nuôi thả trên bãi thì hiệu quả không cao. Chỉ có những con nuôi trong lồng cát thả dưới đáy mới phát triển đều và đẹp. |
Ông Thụ cho biết, tài sản khi ấy trên chiếc thuyền nan là mấy nắm gạo, mấy chiếc nồi, một con dao và khẩu súng săn. Đảo mênh mông không một bóng người và xung quanh chỉ tiếng chim kêu khỉ hét. Nhưng, ông trời cho ông Thụ một khả năng đặc biệt đó là săn bắn. Ròng rã 1 năm trời, ông Thụ ở trên đảo đi săn, những con khỉ, con nai, lợn rừng và nghề săn trở thành nguồn kiếm sống duy nhất hồi đó. Bước chân Robinson đã đặt lên tất cả mọi ngóc ngách trên đảo và những đảo đá xung quanh…
Những đồng tiền bán được từ nghề săn mới chỉ đắp đổi cuộc sống qua ngày. Nhiều tháng trời, ông Thụ ở hẳn trên đảo. Chỉ nền cái chòi cũ, ông Thụ cho biết, cứ có tiền ông lại mua cây ăn quả về đây trồng, chặt gỗ rừng đem bán và cuộc sống cũng dễ thở hơn khi có tiền để nuôi con. May mắn, năm 1994, ông Thụ được nhà nước giao đất trồng rừng. Những năm tháng quần quật với rừng lại tiếp tục. Lúc này biển bạc chưa có trong đầu nhưng cuộc sống được đắp đổi bằng những đồng tiền từ việc bán gỗ rừng, săn bắn và rừng bạch đàn cứ ngút tầm mắt xung quanh đảo.
Ông Thụ bảo, nhớ nhất thời điểm này chính là những tháng ngày hai vợ chồng mưu sinh trên đảo thì gặp bão lớn. Khi bão vào, ông Thụ vẫn còn ở trên biển cách chiếc chòi không xa nhưng bão đẩy chiếc thuyền nhỏ trôi dạt. Lúc này chỉ còn vợ ông một mình trên hoang đảo. Nhiều ngày liền hai vợ chồng bị cách li vì ông cũng trôi dạt trên vịnh mênh mông. Ở đảo hoang không có người, trên biển phương tiện đi lại không có nên tuyệt nhiên không có ai để nhờ cứu. 4 ngày trời đói rét, ông Thụ tìm về với vợ trong hình hài xơ xác run rẩy và lả đi vì đói rét. Ông Thụ khi đó nghĩ, biển cả không giết được mình, tất
cho lộc…
Năm 2002, lúc này rừng bạch đàn đã cho thu hoạch, ông Thụ cùng vợ đóng một chiếc bè nhỏ mà ngày nay anh chị vẫn giữ lại làm kỷ niệm và sắm một con thuyền nhỏ dọn ra ngoài đảo ở cách bờ vài phút bơi để tránh muỗi. Năm 2003, cơ hội bất
ngờ đến…
ông vua tu hài
Vân Đồn là địa phương có nhiều tiềm năng nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, lúc này nghề mới chỉ bắt đầu với những ô lồng nhỏ bé nuôi cá song và một số loài cá khác được ngư dân câu và nuôi thử. Người dân bên kho bạc khổng lồ vẫn nghèo bởi mùa vụ họ khai thác nguồn lợi tự nhiên từ biển là chính.
Tu hài. |
Năm 2003, một số cán bộ Sở Thủy sản Quảng Ninh cùng một nhóm chuyên gia nước ngoài đi tìm người để bắt đầu một dự án mới, đưa con tu hài vào nuôi trồng thử nghiệm. Nếu dự án thành công sẽ nhân rộng để giúp dân thoát nghèo. Tiếp nhận con giống và chút kỹ thuật sơ đẳng, bởi ngay cán bộ thủy sản ngày ấy cũng thấy mới lạ với loại con giống này. Ông Thụ chia con giống ra làm mấy phần để tránh rủi ro. Phần thì thả xuống bãi triều, phần thì cho vào lồng treo nuôi thử. Số con giống ít ỏi ấy khi thu hoạch chẳng đáng là bao, nhưng con tu hài khi ấy là món ăn đắt đỏ chỉ đại gia ngành Than mới dám ăn. Mỗi con tu hài trên bàn nhậu có giá từ hàng chục nghìn đồng tới cả trăm ngàn đồng.
Mặc dù lời lãi từ vụ nuôi trồng đầu tiên không lớn nhưng ông Thụ thấy tương lai của một nghề mới. Nuôi tu hài không phải cho ăn, không mất tiền thức ăn nhưng khi đó những dịch vụ phục vụ nghề này chưa hề có như lồng nhựa, con giống… Cầm 20 triệu đồng tích cóp được, ông Thụ lặn lội tìm vào nhà máy nhựa nổi tiếng ở Hải Phòng để đặt lồng nuôi với kích thước mà qua quá trình nuôi ông Thụ vẽ ra mẫu. Tuy nhiên, giá nhà máy đưa ra làm ông giật mình. Phải có ít nhất 200 triệu mới chỉ đủ để làm…phôi lồng. Thất thểu cầm tiền về và coi như vỡ mộng vì đào đâu ra từng đó tiền trong khi rừng cây mới bán và số còn lại chưa thể thu hoạch. May mắn, một lần ra chợ, ông Thụ thấy một chiếc lồng nhựa hình như để đựng đồ giặt có kích thước đúng như mong muốn. Ông lập tức đặt mua hàng trăm lồng với giá 45-50.000 đồng/lồng.
Ươm giống tu hài. |
Một bài toán đặt ra nữa là con giống. Khi đó gần như không có con giống trên thị trường. Viện Thủy sản Nha Trang khi ấy tuy đã nhân cấy được nhưng không nhiều và rất khó mua. Nghe nói ở Trung Quốc làm ra giống ông Thụ lại tìm đường sang Trung Quốc. Lúc ấy, đúng là Trung Quốc sản xuất giống tu hài. Tuy nhiên, cầm hơn 80 triệu đồng đi mua tu hài Trung Quốc về thả, thì một thời gian sau chết hàng loạt vì tu hài của Trung Quốc không hợp với môi trường nước, độ mặn của biển Vân Đồn. Không nản, ông Thụ cầm tu hài bố mẹ mà ông có sang Trung Quốc cho đẻ và nhân giống. Tuy không nhiều nhưng đủ để ông thả gần 1.000 lồng vừa mua…
Tu hài từ cấp 1 tức là như đầu tăm rồi thành cấp 2 như ngón tay, phát triển ổn định thì chỉ còn một nửa. Nhìn con giống lớn dần ông Thụ vô cùng phấn khởi. Tuy nhiên, giấc mơ tu hài vẫn còn chập chờn bởi nếu không chủ động được nguồn giống thì không thể làm lâu dài. Ông quyết tâm mày mò kỹ thuật nhân giống và đã từng bước thành công.
Ông Đặng Khánh Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch Chi cục Nuôi trồng thủy sản Sở NN&PTNT Quảng Ninh là người theo dõi sát sao bước đi của con tu hài xác nhận: ông Thụ là người đầu tiên được chọn để nuôi tu hài. Có thể thời đó, ông Thụ không phải là người nuôi nhiều tu hài nhất nhưng, ông Thụ là một nông dân dám nghĩ dám làm, tìm tòi sáng tạo và không nản chí trước thất bại. Kinh nghiệm về nuôi con tu hài thời điểm đó không ai vượt
được ông…
Với nhiều ngư dân thời đó, trong mắt họ, qua mỗi vụ thu hoạch trên 10 tấn với giá trị trên 1 tỷ đồng ông Thụ đã là vua tu hài đất Vân Đồn. Quy mô, sản lượng cùng kinh nghiệm, cách thức nuôi trồng của ông đến bây giờ những người nuôi tu hài đi sau vẫn đang phấn đấu và áp dụng… (Còn nữa)