Nhà cũ, cổ chờ sập, chính quyền bế tắc

Nhà cũ, cổ chờ sập, chính quyền bế tắc
TP - Sự cố sập nhà tại 43 Cửa Bắc, Ba Đình, Hà Nội là hồi chuông cảnh báo đối với an toàn xây dựng tại Thủ đô. Hiện còn hàng trăm căn nhà được xây dựng từ những năm 70, 80 thế kỷ trước có thể đổ sập bất thình lình nhưng vẫn không được tu sửa vì nhiều lý do. Nhiều khu tập thể nằm trong danh sách nguy hiểm nhưng việc cải tạo vẫn bế tắc khiến hàng nghìn người dân đối mặt hiểm nguy.

Hàng loạt nhà có nguy cơ đổ sập

Sau sự cố sập nhà nghiêm trọng xảy ra tại số 43 Cửa Bắc, Ba Đình, Hà Nội, nhiều quận nội thành đã tổ chức rà soát, kiểm tra để có biện pháp xử lý đối với những căn nhà trong tình trạng nguy hiểm. Sáng 8/8, có mặt tại hiện trường vụ sập nhà, Phó Chủ tịch UBND phường Trúc Bạch Nguyễn Xuân Minh cho biết, phường đã lập danh sách 10 căn nhà trong diện không đảm bảo chất lượng, nguy cơ đổ sập để kiểm tra và có phương án xử lý.

Không chỉ ở phường Trúc Bạch, trên địa bàn nhiều quận nội đô lâu nay tồn tại những chung cư, nhà ở xuống cấp nghiêm trọng. Người dân chỉ sống thấp thỏm với nỗi lo tử thần ghé thăm bất cứ lúc nào. Ghi nhận tại ngôi nhà 4 tầng số 177 đầu hẻm ngõ Quan Thổ 1, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, bằng mắt thường, dễ dàng nhìn thấy ngôi nhà nghiêng trên 5 độ, sân thượng 2 căn nhà gần như sắp chạm vào nhau. 

Đo đạc thực tế cho thấy, phần chân móng hai căn nhà cách nhau 160 cm. Đến tầng 4 thì khoảng cách giữa hai căn nhà chỉ còn là 80 cm. Ông Vũ Văn Khích, Tổ trưởng Tổ dân phố 81, phường Ô Chợ Dừa cho hay, căn nhà số 177 đã bị nghiêng ngót nghét chục năm nay, chủ nhà không ở được nữa nên đã chuyển đi. “Còn người dân thì lo sợ, kêu cứu lên các cấp chính quyền nhưng vẫn không có giải pháp xử lý dứt điểm”, ông Khích bức xúc.

Ông Phạm Văn Viên, Chủ tịch UBND phường Ô Chợ Dừa cho biết, ngày 7/8, đại diện Sở Xây dựng và UBND phường đã họp bàn phương án xử lý đối với ngôi nhà bị nghiêng lún. Tạm thời, chính quyền phường tiếp tục vận động người dân tự phá dỡ, nếu người dân không tự nguyện, UBND phường sẽ báo cáo UBND quận đưa ra biện pháp xử lý.

Ghi nhận một loạt các căn nhà tại khu phố cũ trên địa bàn quận Hoàn Kiếm: 45 Lò Sũ; 22, 51 Hàng Đào; 20, 22 Hàng Ngang; 59 Lương Ngọc Quyến… tất cả đều trong tình trạng xuống cấp khá nặng.

 Đây là những ngôi nhà trong diện bảo tồn, tuy nhiên, nhìn từ bên ngoài, tất cả đều có những mảng bong tróc lộ ra mảng gạch và xà đỡ nhà. Như căn nhà số 59 Lương Ngọc Quyến, phường Hàng Buồm, phía dưới tầng 1 là cửa gỗ lụp xụp long bản lề, các vết nứt tường lộ rõ. Căn nhà lụp xụp, nguy cơ mất an toàn vậy nhưng công trình này vẫn phải “gồng gánh” thêm 2 căn nhà cơi nới bên cạnh.

Ông Nguyễn Sơn Hải, Phó Chủ tịch UBND phường Hàng Đào cho biết, trên địa bàn phường có 38 công trình trong tình trạng xuống cấp, nguy cơ mất an toàn và cần tu bổ, sửa chữa. Ngay trong ngày 9/8, UBND phường sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra rà soát 10 căn nhà thuộc diện bảo tồn có dấu hiệu xuống cấp. Qua đó, có biện pháp gia cố, xử lý, phòng ngừa sự cố có thể xảy ra.

Nhà cũ, cổ chờ sập, chính quyền bế tắc ảnh 1

Khu tập thể Thành Công (Ba Đình, Hà Nội) nằm trong danh sách chung cư cũ nguy hiểm. Ảnh: Như Ý.

Di dời dân ra khỏi nhà nguy hiểm, khẩn trương trên giấy

Ngoài những ngôi nhà đơn lẻ xuống cấp nằm trong khu phố cũ, phố cổ, hiện trên địa bàn thành phố có nhiều khu chung cư đã đưa vào sử dụng 30 - 40 năm ở trong tình trạng sụt lún, nứt, vỡ, dột nát đang ngày đêm đe doạ cuộc sống của hàng nghìn người dân. 

Tình trạng nhà tập thể chờ sập đã được chính quyền địa phương báo cáo lên thành phố và các cơ quan chức năng, báo chí cũng nhiều lần vào cuộc phản ánh nguyện vọng được di chuyển của người dân, nhưng nhiều năm nay việc cải tạo các khu tập thể nguy hiểm vẫn giậm chân tại chỗ.

Khu tập thể H36 ở phường Xuân La (Tây Hồ) là một ví dụ. Tập thể H36 có nguồn gốc do Cty Xây lắp Hóa chất xây dựng bố trí làm nhà ở cho cán bộ, công nhân viên từ năm 1983. Khu tập thể H36 bao gồm dãy nhà cấp 4 và hai dãy nhà 2 tầng xây bằng gạch. 

Nhà được xây chủ yếu bằng gạch và vôi vữa, còn nhân khẩu lại gia tăng nhanh nên sau hơn 30 năm đưa vào sử dụng khu tập thể H36 đã xuống cấp nghiêm trọng.  Theo phản ánh của người dân, mỗi khi thời tiết có giông bão, nhiều căn hộ bị thấm dột, rung lắc rất nguy hiểm.

Từ tháng 8/2014, nguyên Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã có văn bản chỉ đạo di dời các hộ dân thuộc đơn nguyên III nhà C8 Giảng Võ (Ba Đình) xuống khu đô thị Pháp Vân nhằm đảm bảo an toàn cho người dân. 

Đã hai năm trôi qua, việc chủ trương di dời dân ra khỏi nhà C8 Giảng Võ nguy hiểm mới chỉ “khẩn trương” trên giấy. Tạm thời, toàn bộ cầu thang thuộc đơn nguyên III vẫn phải dùng thép gia cố để tránh nguy hiểm, nhiều điểm bê tông lớn bị  nứt, vỡ. 

Một hộ dân tầng 2 nhà C8 Giảng Võ cho biết: “Trên 80% người dân đã đồng thuận chủ trương di dời để xây dựng lại nhà mới. Hiện còn một số hộ tầng một không ủng hộ do ảnh hưởng quyền lợi”. 

Hà Nội rà soát toàn bộ công trình cũ nguy hiểm

Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Hùng vừa ký ban hành kế hoạch kiểm tra, rà soát, đánh giá an toàn chịu lực nhà ở và công trình công cộng cũ, nguy hiểm trên địa bàn thành phố. Công tác kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn chịu lực công trình được thực hiện bằng phương pháp đo đạc, đánh giá trực quan của người quản lý sử dụng công trình; Lập danh mục báo cáo sơ bộ tình trạng hư hỏng đối với các công trình được xác định là nguy hiểm, mất an toàn cho người sử dụng; kiểm tra, xác minh đối chiếu và tổng hợp, đánh giá, phân loại.               

 Tú Anh

MỚI - NÓNG
Thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương: Nhiều thách thức nhưng cơ hội rất lớn
Thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương: Nhiều thách thức nhưng cơ hội rất lớn
TPO - Dự ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại TP. Huế, ông Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương - cho biết, sắp tới khi Trung ương cho chủ trương, Quốc hội ban hành nghị quyết thành lập thành phố trực thuộc Trung ương sẽ đặt ra nhiều thách thức nhưng cũng có cơ hội rất lớn cho Thừa Thiên - Huế.