Nhà báo Hữu Thọ: Cây bút sắc, lòng trong, tâm sáng!

Nhà báo Hữu Thọ: Cây bút sắc, lòng trong, tâm sáng!
Nhà báo Hữu Thọ: Cây bút sắc, lòng trong, tâm sáng!
Sáng 13/8, nhà báo Hữu Thọ đã trút hơi thở cuối cùng, hưởng thọ 83 tuổi. Chúng ta đã mất đi một nhà báo "Bút sắc, Lòng trong, Tâm sáng"!

Sáng 13/8, nhà báo Hữu Thọ, nguyên ủy viên trung ương Đảng, trợ lý Tổng bí thư, Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, đã trút hơi thở cuối cùng, hưởng thọ 83 tuổi.

Tin ông mất khiến nhiều người không chỉ trong làng báo mà cả rất nhiều độc giả hâm mộ ông bàng hoàng, đau xót. Một bạn đọc đã thốt lên: “Chúng ta đã mất đi một cây Bút sắc, Lòng trong, Tâm sáng!”.

Xin giới thiệu tới bạn đọc những dòng tâm sự đầy kỷ niệm của nhà báo Dương Xuân Nam- nguyên Tổng biên tập báo Tiền Phong về Nhà báo Hữu Thọ - một nhà báo lão thành của báo chí cách mạng Việt Nam.

Lần đầu tiên tôi gặp ông là trên một chuyến bay quốc tế từ thủ đô Tiệp Khắc (cũ) về Việt Nam. Dạo đó ông đang là Trưởng ban Nông nghiệp của báo Nhân Dân. Tôi ngồi cạnh ông.

Khi biết tôi đang là phó tổng biên tập báo Tiền Phong, ông say sưa nói về giới trẻ, về khoán hộ, về lý tưởng làm giàu trong thanh niên. Đó là những năm cuối thập niên tám mươi của thế kỷ trước, những năm đất nước vừa bước vào thời kỳ đổi mới.

Sau này, khi ông đảm nhận nhiều trọng trách như Tổng biên tập báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương…, chúng tôi thường xuyên gặp nhau.

Khi báo Tiền Phong phối hợp với báo Nhân Dân tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu truyền thống cách mạng (lần thứ I)”, ông làm trưởng ban chỉ đạo, còn tôi làm trưởng ban tổ chức.

Tôi nhớ, trong một cuộc họp chuẩn bị cho việc chấm thi (có hàng chục vạn bài thi, có bài thi dày gần trăm trang), ông đang làm việc với Ban bí thư. Tôi tưởng ông không đến được. Thế nhưng, khi gọi điện, ông bảo: “Mình vừa họp xong, sẽ đến ngay!”.

Khi đến, tôi thấy ông cứ lẩm nhẩm điều gì đó. Tôi chưa tiện hỏi, ông đã bảo:“Mình vừa nghĩ ra một đề tài. Hay lắm”. Thì ra ông đang có ý tưởng hình thành một bài báo trong đầu.

Tôi đã đọc nhiều bài viết của ông. Ngắn gọn. Súc tích. Đầy tâm huyết. Hầu hết các bài viết của ông đều nêu ra những vấn đề mới, giàu tính gợi mở, phản biện. Ông không thích những bài viết một chiều!

Đến lần thứ hai, cuộc thi “Tìm hiểu truyền thống lịch sử cách mạng Việt Nam”được tổ chức quy mô hơn.

Ông bảo tôi: “Kỳ này mời anh Nguyễn Phú Trọng làm trưởng ban chỉ đạo nhé”.Lúc đó, đồng chí Nguyễn Phú Trọng là Ủy viên Bộ Chính trị phụ trách công tác tư tưởng của Đảng.

Tôi đề nghị ông (nhà báo Hữu Thọ - PV) làm Trưởng ban tổ chức, ông bảo:“Không. Cậu làm Trưởng ban tổ chức, tớ làm Phó trưởng ban chỉ đạo thôi”.

Tôi biết ông rất bận trong công tác quản lý. Thế nhưng, dù bận đến mấy ông vẫn dành thời gian viết báo. Ông thực sự là một nhà báo say mê, tâm huyết và hết lòng với nghề. Bởi vậy, khi ông làm Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, ông rất thông cảm với những người làm báo.

Có lần, giao ban báo chí, tôi phát biểu có hơi nặng lời với ông nhưng ông không giận. Xong cuộc họp, ông bảo tôi: “Nam thông cảm cho mình nhé. Mình biết, các cậu cũng khổ lắm chứ. Viết một chiều thì không ai đọc. Viết gai góc thì đụng chạm nhiều… Mấy ông ở địa phương kêu lên bọn mình, bọn mình phải nhắc… Khổ lắm!”.

Nhiều hôm giao ban báo chí, ông “mắng” rất ghê. Nhưng xong là thôi, ông không “trảm” ai cả. Ông thực sự là một người quản lý báo chí giàu lòng nhân ái và biết cảm thông.

Khi ông nghỉ hưu rồi, tôi thường đến nhà ông chơi, nói chuyện với vợ chồng ông. Vợ ông cũng là một nhà báo lâu năm nên câu chuyện của chúng tôi cũng chỉ xoay quanh nghề báo.

Bây giờ, ông ra đi, đi về cõi vĩnh hằng. Nhưng ông đã để lại một tấm gương về lòng say mê nghề nghiệp, về nhiệt huyết của một nhà báo trọn đời vì sự nghiệp báo chí cách mạng.

Với ông - cố nhà báo Hữu Thọ, báo chí không chỉ là một nghề, mà nó như là một cái nghiệp. Bởi tôi thiển nghĩ, có người coi báo chỉ là “bậc thang danh vọng” để tiến thân!

Sinh năm 1932, ông Nguyễn Hữu Thọ từng là học sinh trường Bưởi (nay là THPT Chu Văn An, Hà Nội), tham gia Cách mạng tháng Tám 1945, sau đó thoát ly gia đình đi kháng chiến năm 1946.

Ông làm báo chuyên nghiệp từ tháng 8/1957, là cây bút phóng sự điều tra về nông nghiệp, nông thôn và tiểu phẩm có dấu ấn trong lòng bạn đọc.

Nhà báo Hữu Thọ từng giữ chức Tổng biên tập báo Nhân dân, Chủ nhiệm Khoa báo chí của Học viện Báo chí và Tuyên truyền, ủy viên Trung ương Đảng các khoá 7-8, Ủy viên Ủy ban Đối ngoại Quốc hội các khoá 9-10, nguyên Trưởng ban Tư tưởng, văn hóa Trung ương (1995 - 2001); nguyên Trợ lý của Tổng bí thư Nông Đức Mạnh giai đoạn 2001 - 2006.

Lễ viếng nhà báo Hữu Thọ dự kiến được tổ chức sáng 14/8 tại nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội).

Theo Theo tintuc.vn
MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.