Sinh năm trọng đại - Làm gì cho Tổ quốc?
Tôi đặt cho anh câu hỏi: “Sinh năm 1975 anh thấy mình có may mắn hơn người khác?”.
Khi mới lớn lên tôi cũng không hay để ý năm sinh của mình, nhưng đến ngày 30/4, xung quanh nói nhiều đến độc lập, chiêm nghiệm với lịch sử dân tộc, tôi thấy thế hệ mình là lớp người may mắn, không phải trải qua chiến tranh như thế hệ cha ông. Nhưng trong thời bình, chúng tôi có thể làm được gì cho Tổ quốc, làm được gì để đất nước phát triển, thoát khỏi nghèo đói.
Sống trong gia đình viên chức, cuộc sống gia đình tôi không quá khó khăn so với bạn bè đồng trang lứa, nhưng chắc chắn cũng không đủ đầy ở thời kỳ đất nước cực kỳ gian khó đó.
Nếu hỏi cả giai đoạn vất vả ấy đã đem lại cho tôi điều gì, tôi sẽ không phải suy nghĩ mà trả lời ngay rằng đó là thái độ chủ động với cuộc sống, yêu lao động, gặp khó khăn cũng sẽ không đòi hỏi gì mà tự mình phải giải quyết.
Từ nhỏ, trong suy nghĩ của tôi đã rất mạch lạc rằng: Học cái này, cái kia sẽ dùng được gì cho cuộc sống? Tôi không làm gì vu vơ mà không biết mục đích của mình, không biết những cái mình học, mình làm sẽ ứng dụng ra sao. Ước mơ mà tôi ấp ủ và đang cùng các cộng sự thực hiện hằng ngày là xây dựng được thương hiệu toàn cầu cho sản phẩm Việt Nam.
Nhiều khi tôi băn khoăn vì nhiều bạn trẻ được học hành ở những trường danh tiếng trên thế giới nhưng không muốn về Việt Nam làm việc. Các bạn đó cho rằng, cơ chế, hành lang pháp lý, điều kiện làm việc không đủ để sáng tạo. Nhưng nếu những người có học vấn, trình độ khoa học không dùng kiến thức, nhiệt huyết của mình để thay đổi những điều đó thì đâu cần thế hệ trẻ. Tôi nghĩ, chính các bạn ấy nên quay về để góp phần thay đổi những điều chưa được đó.
Tìm hiểu Nhật hay Hàn Quốc, tôi thấy rằng trước kia họ cũng rất nghèo, nhưng đã có một thế hệ dám chấp nhận gian khó, chấp nhận thiệt thòi, chấp nhận những điều kiện thiếu thốn để cùng nhau xây dựng đất nước. Nhìn lại lịch sử Việt Nam, ngày trước lớp cha anh mình không những chấp nhận gian khó mà còn chấp nhận cả sự hi sinh để để giành lấy độc lập dân tộc. Nay, đất nước đã thanh bình, nếu lớp trẻ tiếp nối truyền thống như cha anh ngày trước, nhất định chỉ sau một, hai thập kỷ đất nước mình sẽ mạnh lên rất nhiều.
Những quan điểm mới lạ
Vài câu chuyện ban đầu về tập đoàn Bkav ư? Với tôi mọi thứ đến rất tự nhiên. Năm 1995, tôi được may mắn là sinh viên thuộc những khóa đầu tiên được học ngành công nghệ thông tin. Khi đó virus máy tính đã bắt đầu lây lan với tốc độ chóng mặt, phá hủy dữ liệu ổ cứng mà không có cách nào ngăn chặn. Gần 10 năm đầu tiên tôi và nhóm bạn theo đuổi việc viết phần mềm diệt virus để hỗ trợ người dùng máy tính. Ngày đó Bkav là miễn phí hoàn toàn.
Mỗi ngày tôi và vài người bạn cùng nghiên cứu trong nhóm nhận được hàng trăm cuộc gọi và e-mail từ khắp cả nước gửi về nhờ trợ giúp về virus máy tính. Tuy nhiên, công việc từ trước tới thời điểm này hoàn toàn là miễn phí, phi lợi nhuận, nên việc tăng nhân lực, đầu tư cơ sở hạ tầng và kinh phí vận hành là bài toán nan giải. Sau nhiều ngày trăn trở, đặc biệt nhận được sự động viên của rất nhiều người dùng Bkav, chúng tôi quyết định chỉ có cách thương mại hóa Bkav thì mới giải quyết được khó khăn này. Vậy là sau 10 năm ra mắt phiên bản đầu tiên, tháng 12/2005 phiên bản BkavPro thương mại được đưa ra thị trường. Bkav khởi đầu là thế đấy.
“Tại Bkav, chúng tôi xác định chỉ có Khoa học công nghệ mới có thể đưa đất nước phát triển mạnh mẽ. Smartphone là sự hội tụ của đỉnh cao công nghệ, nên các tập đoàn công nghệ trên thế giới đều mơ ước. Nếu muốn trở thành tập đoàn công nghệ đỉnh cao, thì phải làm những thứ đỉnh cao. Đó là tiền đề”- Nguyễn Tử Quảng nói.
Mẫu điện thoại thông minh thương hiệu Việt sắp ra lò
Smartphone thuần Việt
Quay trở lại câu chuyện chiếc điện thoại thông minh. Một chiếc smartphone được cấu thành bởi hơn 800 linh kiện điện tử và cơ khí. Tương ứng với đó là hàng trăm các nhà cung ứng linh kiện. Ở Việt Nam chúng ta gọi là các nhà sản xuất phụ trợ. Ví dụ, Apple có trên dưới 80 nhà cung cấp linh kiện cho iPhone (còn nếu tính cả các sản phẩm khác thì lên tới 200). Samsung có ít nhất 87 nhà cung ứng linh kiện tại Việt Nam. Bkav cũng có tới 82 nhà cung cấp các thiết bị phụ trợ - anh Quảng lý giải.
Tôi lấy ví dụ thế này, để có thể nấu được một món ăn ngon như món phở, bạn không nhất thiết phải tự làm bánh phở, tự trồng hành, tự làm mì chính, muối hay phải nuôi bò lấy thịt… thì món phở đó mới ngon, mới là của bạn. Những thứ đó, bạn chỉ cần xách giỏ ra chợ hoặc gọi điện là có siêu thị cung cấp tận nhà. Vấn đề là bạn phải có bí quyết, có tay nghề chế biến những nguyên liệu đó để tạo được món phở ngon, đặc trưng phong cách của bạn. Vì thế mà Phở Nam Định có hương vị khác Phở Hà Nội, dù cũng chỉ là với những nguyên liệu đó - Quảng tâm sự.
Tương tự, để làm ra một smartphone không nhất thiết nhà sản xuất phải tự làm tất cả các linh kiện. Không ai lại làm như vậy cả, các nhà sản xuất phụ trợ sẽ cung cấp các linh kiện cho mình. Như vậy, điều quan trọng nhất là thiết kế kiểu dáng thế nào, có đẹp, hiện đại hay không, thiết kế cơ khí có chắc chắn không, có đáp ứng được cho kiểu dáng không, thiết kế điện tử có ổn định không, thiết kế phần mềm có thông minh hay không?…
Bkav chúng tôi làm điện thoại thông minh cũng như bác nấu phở thôi anh. Chúng tôi đã trăn trở vài năm nay, mấy trăm kỹ sư ngày đêm miệt mài với công việc để sắp cho trình làng chiếc điện thoại thông minh thuần Việt.
- Nghe thiên hạ đồn thổi nó cũng oách như một số điện thoại nổi tiếng trên thế giới?
- Mẹ nào mà chả khen con mình hay, nhưng cho tôi trả lời thế này: Hãy đợi, sắp ra lò rồi, khi đó người dùng sẽ trả lời hộ tôi nhé- Quảng úp mở.
Từ chỗ chỉ có hai thành viên, nay tập đoàn đã phát triển lên hơn 1.600 người. Bkav giờ không chỉ có phần mềm diệt virus, mà còn có Chính phủ điện tử, Nhà thông minh Bkav SmartHome… và đặc biệt là sắp cho ra đời điện thoại thông minh thuần Việt.