Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải: 'TPHCM vì cả nước, cùng cả nước…'

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải trao đổi với các đại biểu dự hội thảo. Ảnh: Việt Dũng.
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải trao đổi với các đại biểu dự hội thảo. Ảnh: Việt Dũng.
LTS: Những năm tháng cuối đời sống ở quê nhà (xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh), nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải vẫn dành thời gian, công sức, tâm huyết đóng góp vì sự phát triển của TP Hồ Chí Minh.

Tại Hội thảo khoa học “Thành phố Hồ Chí Minh-40 năm xây dựng, phát triển và hội nhập”, diễn ra tháng 3-2015 nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, ông có bài tham luận thể hiện tình cảm, tâm huyết và tầm nhìn chiến lược đối với sự phát triển của thành phố. Đây là một trong những bài viết cuối cùng của ông. Tưởng nhớ nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, báo Quân đội nhân dân trân trọng trích giới thiệu cùng bạn đọc bài tham luận nói trên.

Với thắng lợi của ngày 30/4/1975 đã kết thúc vẻ vang 30 năm tiến hành hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc ta chống giặc ngoại xâm. Ngày ấy đã trở thành cột mốc lịch sử đánh dấu sự chuyển tiếp giai đoạn cách mạng của miền Nam và thành phố chúng ta. Đúng như đồng chí Lê Duẩn đã trình bày tại Đại hội đại biểu lần thứ III Đảng bộ TP Hồ Chí Minh ngày 8/11/1983: “Vì cả nước, cùng cả nước, TP Sài Gòn hôm qua đã được giải phóng. Vì cả nước, cùng cả nước, TP Hồ Chí Minh hôm nay nhất định xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội”.

Thắng lợi hoàn toàn của sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước đã đưa TP Hồ Chí Minh bước vào thời kỳ mới, thực hiện nhiệm vụ chiến lược của giai đoạn cách mạng mới “Tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội”, thực hiện Di chúc thiêng liêng của Bác Hồ: Còn non còn nước, còn người/ Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay.

Từ nhiệm vụ lãnh đạo hai cuộc kháng chiến, trưởng thành trong việc nắm quy luật của cuộc chiến tranh nhân dân, Đảng bộ TP Hồ Chí Minh đã nhanh chóng chuyển sang chỉ đạo và tổ chức thực hiện những công việc mới mẻ, khó khăn và trọng đại của sự nghiệp xây dựng, phát triển kinh tế và văn hóa, quản lý toàn diện các hoạt động đa dạng trong thời kỳ quá độ xây dựng chủ nghĩa xã hội, biến khẩu hiệu chiến đấu: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng!” thành mục tiêu hành động mới: “Tất cả vì Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, vì hạnh phúc của nhân dân!”, biến đội ngũ cán bộ và chiến sĩ trên chiến trường T4 năm xưa thành “lao động tiên tiến”, “chiến sĩ thi đua”, “anh hùng lao động” trong việc bảo vệ, xây dựng và tái thiết đất nước.

Trong khi vết thương 30 năm chiến tranh còn ngổn ngang, thành phố phải đương đầu với những thử thách mới vô cùng nghiệt ngã: Thiên tai nghiêm trọng đã xảy ra dồn dập, chiến tranh biên giới Tây Nam gây ra những tổn thất mới, nguồn lực viện trợ từ Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu ngày càng suy giảm, giá cả trên thị trường thế giới luôn đột biến… Đặc biệt, các cuộc cải tạo công thương nghiệp đã gây ra tác động mạnh đến lĩnh vực sản xuất và lưu thông phân phối. Chúng ta không thể nào quên thời phải ăn cơm độn bo bo, bột mì và khoai, sắn. Việc cung cấp theo định lượng cho cán bộ, nhân viên và nhân dân lao động giảm sút cả về số lượng và chất lượng. Chỉ số giá cả thị trường tăng nhanh. Công nhân xí nghiệp quốc doanh phải nghỉ việc ăn lương 70% vì thiếu nguyên liệu, vật tư. Thành phố đã phải “chạy ăn từng bữa” cho 3,5 triệu dân. Lúc sinh thời, đồng chí Võ Văn Kiệt thường hay kể lại câu chuyện vui. Thời gian làm Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, mỗi khi đến vùng Đồng bằng sông Cửu Long để chạy lương thực, thực phẩm cho nhân dân thành phố, những đồng chí lãnh đạo ở các địa phương thường hay trêu đùa đồng chí bằng biệt danh “ông chủ tịch gạo”, “ông chủ tịch heo”…

Những năm tháng đó, tại văn phòng của Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh cũng như khi đi xuống các cơ quan, xí nghiệp, nhà máy, công nông trường… các đồng chí lãnh đạo Thành ủy như Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt đã hiệu triệu giai cấp công nhân, nhân dân lao động và viên chức nhà nước phải “tự cứu lấy mình” với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm nhằm thoát khỏi sự trói buộc của cơ chế quản lý kinh tế quan liêu bao cấp, duy ý chí, tìm ra những biện pháp xác đáng để giải quyết những vấn đề kinh tế-xã hội bức xúc phù hợp với tình hình thực tế của thành phố.

Từ đó có một khí thế mới, một phong trào hành động cách mạng quần chúng được khơi dậy và ngày càng dâng lên như sức mạnh của Phong trào Đồng khởi trên chiến trường B2 thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Hai hội nghị lịch sử lần thứ 9 và lần thứ 10 của Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hồ Chí Minh vào mùa hè năm 1979 và năm 1980 mở đầu những điểm đột phá theo hướng nâng cao tính chủ động, sáng tạo của cơ sở, phát huy mọi khả năng phát triển sản xuất ở cơ sở. Chính trong thời điểm này, chúng ta đã chứng kiến sự liên tiếp xuất hiện hàng loạt mô hình sản xuất, kinh doanh tiên tiến như: Công ty Bột giặt miền Nam (VISO), Xí nghiệp Thuốc lá, Nhà máy Bia Sài Gòn, Xí nghiệp Cầu Tre, các Xí nghiệp Dệt Thành Công, Phong Phú… Phong trào thi đua sôi nổi có hàng vạn lao động tiên tiến, chiến sĩ thi đua, tổ đội lao động xã hội chủ nghĩa, 60 đơn vị kinh tế được Hội đồng Nhà nước tặng huân chương, 90 đơn vị được Hội đồng Bộ trưởng tặng bằng khen. Hàng ngàn tổ dân phố, tổ nhân dân tiên tiến cấp thành phố cũng đã xuất hiện trong khoảng thời gian này.

Các tầng lớp đồng bào ta đã nỗ lực cùng với Đảng bộ thành phố ra sức khắc phục khó khăn, tìm tòi hướng suy nghĩ mới, cách làm ăn mới, phát triển những mô hình mới. Thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, “Trung ương, địa phương và cơ sở cùng làm”, “thành phố và quận cùng lo”, những mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi xuất hiện ngày càng nhiều, được phổ biến và nhân rộng nhanh chóng. Quận, huyện nào, ngành nào, lĩnh vực công tác nào, các tổ chức quần chúng và đoàn thể xã hội nào cũng đều dấy lên phong trào thi đua sôi nổi với nhiều hình thức phong phú, đa dạng.

Đến những năm đầu thập niên 80, Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã mở rộng diện chỉ đạo nhằm kiên quyết xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, bảo đảm quyền tự chủ sản xuất, kinh doanh trong các đơn vị kinh tế, nhờ đó, sản xuất nhiều sản phẩm cung ứng cho nhu cầu xã hội.

Do liên tục khơi dậy các phong trào hành động cách mạng của quần chúng thông qua những điển hình tiên tiến xuất hiện trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh từ những đơn vị cơ sở, Đảng bộ TP Hồ Chí Minh đã tìm tòi, phát hiện ra hàng loạt mô hình mới, như: Cải tạo xã hội chủ nghĩa gắn liền với việc tổ chức lại sản xuất; việc thực hiện các đòn bẩy kinh tế như “ba lợi ích” và các quan hệ hàng hóa-tiền tệ mua bán theo giá thị trường mở ra sức mạnh thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển, hàng hóa ngày càng dồi dào; việc kế hoạch hóa kết hợp với thị trường; việc xác định cơ cấu kinh tế hợp lý nhằm tổ chức lại sản xuất, liên kết giữa công nghiệp với nông nghiệp, sản xuất với lưu thông, liên kết các thành phần kinh tế và các khu vực.

Thực tế cho thấy, nếu không có những phong trào hành động cách mạng của quần chúng được khơi dậy liên tục và phát triển sâu rộng trên cơ sở khai thác tối đa sức mạnh tổng hợp của yếu tố nội sinh, thì Đảng bộ TP Hồ Chí Minh không thể nào xây dựng thành công các loại mô hình, nhân rộng điển hình, thúc đẩy phong trào học tập đuổi kịp và vượt điển hình tiên tiến ở các cơ sở, các ngành, các địa phương để thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ chính trị và kinh tế, từng bước vượt qua khó khăn do hậu quả chiến tranh để lại…

Điều rất mừng là qua 40 năm, TP Hồ Chí Minh đạt được những thành tựu to lớn, thành phố ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”…

Nhìn lại 40 năm, nhịp độ tăng trưởng kinh tế thường cao gấp 1,6 lần so với cả nước; sự đóng góp của thành phố ngày càng cao (những năm trước khoảng 13%, những năm gần đây chiếm 20% GDP cả nước). Nhờ lực lượng sản xuất phát triển nhanh như các khu công nghiệp, khu chế xuất, các xí nghiệp vừa, nhỏ với tốc độ tăng trưởng nhanh nên tạo ra nguồn thu ngân sách với quy mô ngày càng lớn, đứng đầu cả nước (chiếm 20-30% cả nước), thành phố có nguồn vốn ngày càng lớn để giải quyết những vấn đề của thành phố, như: Cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội… Ở ngoại thành cũng có những thay đổi to lớn về cơ sở hạ tầng (đường sá, điện, nước, trường học, bệnh viện); đời sống nông dân được cải thiện rõ rệt, đi đầu và thành công trong việc xóa đói, giảm nghèo…

Tôi nêu ngắn gọn những thành tựu kinh tế-xã hội đã đạt được trong 40 năm để khẳng định TP Hồ Chí Minh đã phát huy tốt lợi thế của thành phố lớn với nhiều trung tâm quan trọng (chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng, văn hóa, khoa học…) trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Bên cạnh những thành tích đã đạt được, thành phố cũng đang đứng trước những khó khăn thách thức cần phải có quyết tâm cao để vượt qua trên con đường phát triển nhanh, bền vững. Đó là quy hoạch và quản lý đô thị chưa xứng tầm với thành phố văn minh, hiện đại; hạ tầng kỹ thuật và xã hội chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và cải thiện dân sinh; hiệu quả sản xuất, kinh doanh và năng lực cạnh tranh chưa cao; tiềm năng khoa học và công nghệ chưa được phát huy đúng mức; các tệ nạn xã hội và tội phạm diễn biến phức tạp; việc xây dựng hệ thống chính trị chưa ngang tầm với nhiệm vụ trong thời kỳ mới, chưa tiến hành đồng bộ với việc cải cách bộ máy hành chính, chống tiêu cực và tham nhũng.

Từ hoạt động thực tiễn phong phú của Đảng bộ TP Hồ Chí Minh trải qua chặng đường lịch sử 40 năm, chúng ta có thể rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, nổi bật là bài học về sự phát huy tính năng động, sáng tạo.

TP Hồ Chí Minh có đủ thế và lực để tiếp tục phát huy vai trò, vị trí to lớn của mình trong sự nghiệp chung cả nước cả về chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng, văn hóa, khoa học. Với truyền thống cách mạng kiên cường, bất khuất, năng động, sáng tạo, đi trước về sau trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và sẽ đi trước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; với sự lãnh đạo năng động, sáng tạo, nội bộ đoàn kết của lãnh đạo thành phố, tôi tin rằng, toàn Đảng bộ sẽ phát huy sức mạnh của nhân dân xây dựng TP Hồ Chí Minh thành thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Theo Theo Quân đội Nhân dân
MỚI - NÓNG