Nguyễn Thiện Đạo - 'một nốt nào đó khác'

Nguyễn Thiện Đạo chỉ huy tác phẩm Định mệnh bất chợt lấy cảm hứng từ Truyện Kiều tại Hà Nội, tháng 5/2012. Ảnh: N.M.Hà.
Nguyễn Thiện Đạo chỉ huy tác phẩm Định mệnh bất chợt lấy cảm hứng từ Truyện Kiều tại Hà Nội, tháng 5/2012. Ảnh: N.M.Hà.
TP - Vài đồng nghiệp nữ trẻ có thể hơi “dị ứng” khi lần đầu gặp đã được Nguyễn Thiện Đạo yêu cầu gọi bằng anh. Đơn giản chắc ông muốn xóa khoảng cách thế hệ. Không chỉ vì ông trong giới nghệ mà còn vì ở ông không toát lên vẻ gì của một người già.

Tôi cảm thấy rõ tinh thần ông vẫn tráng niên bên trong cơ thể gày gò của tuổi ngoài 70. Dù nhiều nếp nhăn nhưng da mặt ông vẫn có độ căng và sáng của một người luôn ý thức giữ gìn sức khỏe.

Mấy năm trước, ngồi với ông ở quán cà phê ven hồ Thành Công, ông vắt nguyên quả chanh vào nước, uống vã. Tôi ngạc nhiên hết sức (phong trào thanh lọc giải độc cơ thể hồi đó chưa thịnh hành như bây giờ), lo cho cái dạ dày của ông. Ông giải thích: “Nhiều khi tôi còn uống chanh không. Mỗi ngày tối thiểu 1-2 quả, vắt vào nước uống. Lúc đầu khó lắm, về sau quen. Nhất là ở Việt Nam, ăn cay mặn, mì chính đủ thứ hết, có cái này vào nó tiêu hóa tốt. Thật ra cũng tùy người. Có bà bạn ăn cơm xong cũng bắt chước mình uống một quả cam xong lăn ra…”. Theo nhà báo Thanh Hà, nếu phải ăn ở quán bình dân, ông sẽ yêu cầu tráng bát bằng nước sôi, rau sống cũng chần trước khi ăn. Ông hay tìm nhà hàng Nhật để ăn cho sạch, nếu không thì xơi tạm củ khoai, quả chuối cũng xong bữa. Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long từng chứng kiến mắt ông Đạo đỏ lên và rỉ nước sau khi ăn phải mì chính.

“Trông anh như có yoga dưỡng sinh”, tôi gợi chuyện. Ông đáp ngay: “Có chứ. Luyện ghê lắm. Sáng dậy ăn hoa quả thôi cho chắc bụng, rồi ra công viên chạy, đi thật nhanh. Xong về tắm rửa luyện piano để trí nhớ làm việc tốt”. Ông luôn chọn nơi ở có không gian để tập thể dục. Ở Paris, nhà ông ngay cạnh công viên Luxembourg. Ở Hà Nội, ông có căn nhà nhỏ trông ra hồ Hoàng Cầu. Mỗi khi có công chuyện trong nước, ông lại về đây ở cả tháng. Khi có tác phẩm, công trình gì mới, ông thường gọi thẳng cho một nhà báo nào đó đến để chia sẻ.

Tôi vẫn nhớ hình ảnh ông ngồi bên đàn trong chiếc áo đông xuân ngắn tay màu trắng mặc lâu đã doãng cả ra. Ra ngoài, ông luôn bảnh bao trong các kiểu áo vest sáng màu. Cũng trong buổi chiều chạng vạng đó, ông bộc bạch đại ý chẳng biết những gì mình viết ra có thật sự đóng góp gì cho âm nhạc. Khoảnh khắc tự vấn đáng trân trọng của một tài năng sáng tạo không ngừng nghỉ.

Với tất cả những thành tựu đã đạt và được ghi nhận, ông vẫn còn kiểu trăn trở đó. Tôi hiểu rằng, đôi lúc ông cũng cô độc trên con đường mà ông tự gọi “dân tộc đích thực và nhân loại tiên phong” của mình. Con đường mang tính khai phá mà thành quả đem lại không ngừng khiến người ta phải ngạc nhiên và… hoang mang. Về sau này, ông được mời về nước nhiều hơn để sáng tác và giảng dạy. Những lần gặp sau này thấy ông tươi tỉnh hơn.

Ông khẳng định mình không chọn đường mà “cuộc đời nó bắt mình đi thế”. Quả thực, khi bắt đầu bước vào con đường dành cho mình, đâu ai biết nó sẽ chông gai đến thế nào. “Mình chân thành đóng góp cho nền âm nhạc Việt Nam thì có thể vượt qua được một số chông gai. Còn nếu mình dấn thân vào âm nhạc để cho cá nhân mình không thôi chưa chắc đã thành công”, ông ngẫm ngợi.

Thời điểm Hà Nội kỷ niệm 1.000 năm tuổi, Nguyễn Thiện Đạo về nước công diễn Rồng bay khai nhạc. Tôi cảm nhận được chút đỉnh hài lòng của nhà soạn nhạc. Ông được đặt hàng đúng 12 phút nhạc cho dàn nhạc giao hưởng dân tộc. Nhận viết rồi, ông đọc sách, tìm hiểu chức năng của tất cả các nhạc cụ dân tộc với một thôi thúc làm sao đóng góp đôi chút cho sự cách tân dàn nhạc này. “Tôi không dám thiếu khiêm tốn đâu nhưng có lẽ bản Rồng bay cũng đem lại một nốt nào đó mới, khác với mấy chục năm qua”, nhà soạn nhạc nói. Cảm giác của tôi về bản nhạc này là sự bay bổng dù chỉ là trong một vài khoảnh khắc. Dàn nhạc dân tộc tạo nên những âm thanh giàu tính không gian mà nó chưa từng làm ra trước đó.

Còn đây là cảm nhận của một người có chuyên môn, đào đàn Phạm Thị Huệ: “Tôi đã hỏi ông sau lần đầu tiên nghe Rồng bay khai nhạc dưới bàn tay ông chỉ huy: Làm thế nào anh có thể điều khiển âm thanh tài tình thế, em cứ nghĩ dàn nhạc dân tộc cần 10 năm nữa để xử lý được những kỹ thuật tinh tế. Hay anh có phép thuật gì, dạy em với. Ông cười: Em phải làm việc bằng trái tim, truyền cho họ hơi thở của em, họ sẽ lắng nghe nhịp đập và hòa chung cùng em... Tôi cứ nghĩ sẽ có ngày nào đó được ông truyền lại bí quyết này. Nghe tin ông ra đi, với tôi là sự hẫng hụt, một khoảng trống... Vẫn biết mình đã may mắn được làm việc cùng ông, chơi hết mình hai tác phẩm lớn của ông Định mệnh bất chợtTiên du. Có phải đó là điểm báo không, sau Định mệnh bất chợt lại là Tiên du…”.  

Theo lời kể của một số đồng nghiệp, tháng 9 vừa rồi về nước, Nguyễn Thiện Đạo đã kêu mệt, tìm bệnh viện để khám và rao bán cả nhà lẫn chiếc piano để lập một quỹ hỗ trợ tài năng sáng tác trẻ. Nhưng không ai biết gì về bệnh tình của ông. Và sau này khi biết mình bị ung thư gan trước khi ra đi chừng hơn tháng, ông cũng hầu như không để ai biết. Sự ra đi của ông gây hẫng cho mọi người hẳn vì họ vẫn giữ ấn tượng còn tươi về một nghệ sĩ lúc nào cũng trẻ trung và mới mẻ cả trong đời sống cũng như sáng tạo.

MỚI - NÓNG