TPO - UBND quận Hoàn Kiếm, Hà Nội vừa tổ chức lễ đón bằng xếp hạng Di tích cấp Quốc gia cho Đình Tú Thị - nơi thờ ông Tổ nghề thêu – Lê Công Hành.
Sáng 23/11, Lễ đón nhận bằng xếp hạng Di tích cấp Quốc gia cho Đình Tú Thị đã diễn ra tại số 2 phố Yên Thái, phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm. Đình là công trình tín ngưỡng thờ ông Tổ nghề thêu Lê Công Hành (1606 – 1661). Ông là người làng Quất Động, huyện Thường Tín, là người có công trong việc sáng tạo và phát triển nghề thêu của Việt Nam.
Cùng với dòng người hội tụ về Kinh thành Thăng Long làm ăn, những người thợ thủ công làng Quất Động đã di cư tới đây, định cư tại làng Yên Thái để sinh cơ, lập nghiệp theo nghề tổ tiên để lại. Tại đây, dân làng đã xây dựng ngôi đền để thờ Lê Công Hành vào năm 1891. Tương truyền xưa kia, những thợ thêu trong làng Yên Thái cứ ngày phiên chợ là mang đồ thêu ra bán và giao dịch với khách hàng tại ngôi Đình, nên mới có tên Chợ Đình thợ Thêu.
Nghề thêu làng Yên Thái đên nay không còn tồn tại, nhưng nghề thêu của làng Quất Động vẫn lưu truyền cùng lịch sử và hiện nay vẫn chiếm được cảm tình của khách hàng trong và ngoài nước.
Bà Nguyễn Ngọc Hà, Chủ tịch UBND phường Hàng Gai cho biết, Đình Tú Thị là chứng tích lịch sử thời nhà Lê, nơi bảo lưu khá nguyên vẹn kiến trúc: Long ngai, hương án, hoành phi… Đây còn là nơi lưu giữ giá trị văn hoá phi vật thể, giá trị truyền thống của nghề thêu. “Là cơ hội thúc đẩy du lịch bằng việc phát triển những mặt hàng thêu truyền thống trên phố Hàng Bông, Hàng Gai… để khách quốc tế biết đến những sản phẩm thêu của Việt Nam”, bà Hà nói.
Một số sản phẩm từ làng thêu truyền thống Lãnh đạo Cục Di sản (Bộ VHTT&DL), UBND quận Hoàn Kiếm khánh thành bảng công nhận di tích.