Nguyên nhân vụ đàn bò sữa chết ở Lâm Đồng

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Tính đến 13h ngày 13/8, thành phố Bảo Lộc (Lâm Đồng) đã xuất hiện 6 con bò sữa có biểu hiện bệnh tiêu chảy. Như vậy, tới nay đã có 4 huyện, thành phố thuộc Lâm Đồng xảy ra tình trạng này.

Theo thông tin mới nhất từ thành phố Bảo Lộc (Lâm Đồng), tính đến 13h ngày 13/8, trên địa bàn thành phố xuất hiện 6 con bò sữa có biểu hiện bệnh tiêu chảy, ở 3 hộ có tổng đàn 45 con, thuộc 3 xã, phường (xã Đại Lào 4 con, phường Lộc Sơn 1 con và phường Lộc Phát 1 con). Ngoài ra, một số con bò sữa tại các hộ có bò bị nhiễm bệnh trên đang có hiện tượng bỏ ăn, giảm sữa.

Trước đó, thành phố này tiếp nhận 1.500 liều vắc xin Navet-LPVac tiêm phòng bệnh viêm da nổi cục (VDNC) cho đàn trâu bò trên địa bàn. Từ ngày 14/7-2/8, thành phố đã sử dụng 1.330 liều vắc xin tiêm cho 1.321 con bò (trong đó 545 con bò sữa, 776 con bò thịt).

Theo UBND TP Bảo Lộc, hiện Trung tâm Nông nghiệp huyện đã phối hợp với nhân viên thú y cấp xã trực tiếp hướng dẫn và điều trị số bò đang bị bệnh theo hướng dẫn phác đồ điều trị của Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thuỷ sản tỉnh Lâm Đồng, đồng thời cấp phát thuốc sát trùng để nông hộ vệ sinh, tiêu độc khử trùng.

Như vậy, tới nay trên địa bàn Lâm Đồng có 4 huyện, thành phố có bò sữa mắc bệnh tiêu chảy, gồm Lâm Hà, Đơn Dương, Đức Trọng, Bảo Lộc.

Nguyên nhân vụ đàn bò sữa chết ở Lâm Đồng ảnh 1

Toàn cảnh hội nghị.

Sáng 13/8, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lâm Đồng cũng tổ chức Hội nghị giao ban và cung cấp thông tin báo chí tháng 8.

Tại hội nghị, ông Hoàng Sỹ Bích - Giám đốc Sở NN&PTNT - đã thông tin nguyên nhân bệnh tiêu chảy và chết ở đàn bò sữa trên địa bàn tỉnh vừa qua.

Theo đó, từ cuối tháng 7 đến ngày 12/8, trên địa bàn ba huyện Đức Trọng, Đơn Dương và Lâm Hà có 5.350 con bò phát bệnh, 237 con bị chết. Cụ thể, huyện Đơn Dương có 2.923 con phát bệnh, 172 chết, huyện Đức Trọng có 2.392 con phát bệnh, 63 chết và huyện Lâm Hà 35 con phát bệnh, 2 chết.

Theo ông Bích, trước đó, Thứ Trưởng Bộ NN&PTNT đã thông tin việc tiêm vắc xin viêm da nổi cục (VDNC) của Cty CP Thuốc Thú y Trung ương có ảnh hưởng đến bò bị bệnh tiêu chảy.

Nguyên nhân vụ đàn bò sữa chết ở Lâm Đồng ảnh 2

Ông Hoàng Sỹ Bích - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng.

Liên quan đến việc liên danh nhà thầu trúng gói vắc xin có đúng theo trình tự, trả lời báo Tiền Phong, ông Bích cho biết vắc xin VDNC được UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT tổ chức đấu thầu qua hình thức đấu thầu rộng rãi và có liên danh 5 nhà thầu trúng thầu, cung ứng 8 loại hàng hóa (6 loại vắc xin, 2 loại hóa chất).

Trong đó, vắc xin VDNC do công ty CP Thuốc Thú y Trung ương Navetco cung ứng đảm bảo đầy đủ quy trình và đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật.

Ông Bích thông tin sở này cũng đã phối hợp các đơn vị liên quan kiểm tra cụ thể tình hình bệnh, xác định nguyên nhân gây bệnh. Đồng thời Sở tạm dừng việc tiêm phòng vắc xin VDNC và triển khai một số biện pháp phòng chống bệnh tạm thời trên đàn bò sữa.

Sở này đã xuất 1.800 lít hóa chất để các địa phương khử trùng tiêu độc phòng chống bệnh và đã huy động các nguồn lực, tiếp nhận, cấp phát một số loại thuốc tăng cường sức đề kháng, trợ tim, trợ lực, kháng sinh, kháng viêm, hạ sốt cho bò để hỗ trợ người dân.

Nguyên nhân vụ đàn bò sữa chết ở Lâm Đồng ảnh 3

Cán bộ thú y hướng dẫn người dân.

Tính đến chiều 12/8, sở đã tiếp nhận và cấp phát được 36.580 lọ dịch truyền, 5.590 chai vitamin C và Bcomplex, 3.420 chai kháng sinh, 990 gói điện giải, 420 lít Benkocid và 400 bộ đồ bảo hộ để hỗ trợ các địa phương điều trị.

"Trong ngày 13/8, sở tiếp tục cấp phát thêm 4.950 lọ dịch truyền các loại, 3.560 chai vitamin C các loại, cafein, 3.018 chai kháng sinh và 120 chai giảm đau", ông Bích cho hay.

Cũng theo ông Bích, trước đó các lực lượng chính của các huyện, tỉnh đã huy động được 101 người (chuyên gia của Cục Thú y, bác sĩ thú y, thú y viên của các địa phương khác) trực tiếp hỗ trợ các hộ dân có bò bị bệnh thực hiện điều trị.

Đồng thời thành lập Ban chỉ đạo Phòng chống bệnh tiêu chảy trên đàn bò sữa tại huyện Đức Trọng, Đơn Dương do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng làm Trưởng ban.

MỚI - NÓNG
Huyện miền núi Nam Trà My đề xuất xây thêm 15 thủy điện, có xã thêm... 8 thủy điện
Huyện miền núi Nam Trà My đề xuất xây thêm 15 thủy điện, có xã thêm... 8 thủy điện
TPO - Trên địa bàn hiện có 12 thủy điện, tuy nhiên huyện Nam Trà My (Quảng Nam) đề xuất thêm 15 thủy điện vì cho rằng, với tiềm năng về phát triển năng lượng tái tạo hiện có, kết cấu hạ tầng truyền tải điện cơ bản hoàn thiện với cấp điện áp 110kV, và nhu cầu tiêu thụ điện tương đối lớn nên việc đầu tư, phát triển nguồn điện trên địa bàn huyện hiện nay là rất cần thiết.