Bò sữa chết hàng loạt ở Lâm Đồng: Mổ, khám cả bò chưa tiêm vắc xin

0:00 / 0:00
0:00
TP - Các hộ dân nuôi bò ở hai huyện Đơn Dương và Đức Trọng (Lâm Đồng) cho biết, hơn nửa tháng sau khi tiêm vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục (VDNC) của Cty CP Thuốc Thú y Trung ương Navetco, số lượng bò sữa chết trên địa bàn hai huyện gần 200 con, sức khoẻ nhiều đàn bò vẫn yếu, số lượng chết vẫn đang tăng.
Bò sữa chết hàng loạt ở Lâm Đồng: Mổ, khám cả bò chưa tiêm vắc xin ảnh 1
Lực lượng chức năng mổ bò chưa tiêm vắc xin

Ban hành phác đồ điều trị cho bò bị bệnh

Theo thống kê của ngành chức năng tỉnh Lâm Đồng, đến chiều 10/8, số lượng bò sữa mắc tiêu chảy tăng hơn 350 con so với ngày trước đó. Tại huyện Đơn Dương và Đức Trọng đã có 4.495 con nhiễm bệnh, 193 con chết.

Ngay sau khi tỉnh Lâm Đồng gửi đề xuất lên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Cục Thú y và cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng tổ chức điều tra dịch tễ, mổ khám, lấy mẫu bệnh phẩm; mẫu vắc xin để kiểm định tìm nguyên nhân gây bệnh.

Chi Cục thú y tỉnh Lâm Đồng cũng ban hành phác đồ điều trị bệnh tiêu chảy trên bò sữa, tập trung vào hai vấn đề chính là các biện pháp an toàn sinh học và cách chăm sóc, điều trị. Trong đó khuyến cáo người nuôi dùng các loại thuốc tăng cường sức đề kháng, trợ tim, trợ lực Vitamin C, tiêm Vitamin tổng hợp để bổ sung cho bò, bê đã được tiêm vắc xin phòng bệnh VDNC hoặc các vắc xin khác trước đó.

Tại buổi kiểm tra ngày 10/8 ở hai huyện Đơn Dương và Đức Trọng, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến yêu cầu các cơ quan và địa phương nhanh chóng triển khai giải pháp cứu chữa đàn bò bị tiêu chảy, hạn chế thiệt hại cho người dân, cũng như tránh bệnh lan rộng. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng được yêu cầu sớm xác định nguyên nhân chính gây bệnh, làm cơ sở đền bù hoặc hỗ trợ cho người dân.

Trước khi xảy ra hiện tượng bò chết vì tiêu chảy sau khi tiêm vắc xin, tỉnh Lâm Đồng triển khai tiêm miễn phí vắc xin cho hơn 30.000 trâu, bò trên địa bàn tỉnh. Trong đó có 10.000 bò sữa. Loại vắc xin phòng bệnh VDNC do Cty CP Thuốc Thú y Trung ương Navetco cung cấp này nằm trong gói thầu “Mua vắc xin, hóa chất phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2024 của tỉnh Lâm Đồng”.

Mổ, khám cả bò chưa tiêm vắc xin

Để nhanh chóng tìm ra nguyên nhân một cách chính xác, khách quan, ngày 11/8, cơ quan chuyên môn đã mổ một con bò khỏe mạnh, chưa tiêm vắc xin nhược độc đông khô NAVET-LPVAC phòng bệnh VDNC được mua từ một hộ dân trên địa bàn thôn Bồng Lai (xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng).

Theo đó, con bò được cơ quan chức năng mổ, lấy mẫu để xét nghiệm, phân tích, đối chứng với mẫu được lấy từ những con bò sữa đã tiêm vắc xin trước đó. Những mẫu vật này sẽ được gửi đi phân tích tại 3 cơ sở xét nghiệm khác nhau ở thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội của Cục Thú y, Bộ NN&PTNT. Sau khi có kết luận chính thức, Bộ NN&PTNT sẽ công bố nguyên nhân khiến hàng loạt bò sữa bị tiêu chảy, bỏ ăn, kiệt sức và chết hàng loạt tại các địa phương thuộc hai huyện Đơn Dương và Đức Trọng.

Ngày 11/8, các hộ chăn nuôi bò sữa tại huyện Đơn Dương và Đức Trọng lo lắng cho rằng, những ngày tới số bò chết có thể còn tiếp tục tăng mạnh. Nhiều con bò đã tiêm vắc xin đang có triệu chứng chuyển nặng. “Đàn bò của gia đình tôi hiện đang chán ăn và yếu. Mặc dù trước đó theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn bổ sung chất đề kháng nhưng trên địa bàn thôn vẫn có nhiều con bò chết”, bà Lê Thị Ánh Hồng (trú thôn Bồng Lai) cho biết.

Theo ông Nguyễn Ngọc Phúc- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, Tổ trưởng tổ công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh tiêu chảy trên đàn bò sữa, hiện nhiệm vụ hàng đầu là triển khai mọi biện pháp nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người chăn nuôi và xử lý bò bị chết đúng quy trình, đảm bảo vệ sinh môi trường.

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.