Theo thống kế của ngành chức năng tỉnh Lâm Đồng đến chiều 11/8, số lượng bò sữa mắc tiêu chảy tăng 451 con so với ngày trước đó. Đến nay, hai huyện Đơn Dương và Đức Trọng đã có khoảng 4.900 con nhiễm bệnh, 209 con chết.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến (người mang đồ bảo hộ, bên phải) đi kiểm tra thực trạng bò sữa chết ở Lâm Đồng |
Trước tình hình đó, Sở NN&PTNN tỉnh Lâm Đồng đã công bố phác đồ điều trị, hướng dẫn chăm sóc những con bò sữa bị bệnh tiêu chảy trước tham vấn của Cục Thú y, Phân viện Thú y miền Trung...
Theo đó, phác đồ nêu rõ các biện pháp an toàn sinh học, như phân nhóm bò để chăm sóc, quản lý và điều trị; vệ sinh, tiêu độc, khử trùng đồng thời các loại hóa chất để sát trùng… Đối với những con bò có triệu chứng bệnh tiêu chảy nặng, cần truyền dịch hoặc uống điện giải cưỡng bức, mỗi lần từ 3-5 lít, cách nhau 3-4 giờ.
Trường hợp bò sốt cao, người dân cần dùng thuốc hạ sốt, kháng viêm, như: Neuxyn 5%, Cronyxin, Flunex, Vime Fluxin, Fluxin 600, Ketovet, Bio-Anazine C, Ketofen, Nova Profen,... Trường hợp tiêu chảy có máu nên dùng vitamin K, vitamin C và tiêm các hỗn dịch có chứa các hợp chất canxi gluconat, magiê sulphat (Calmafort,…).
Ngoài ra, trường hợp xuất huyết đường ruột nặng, kéo dài có thể cân nhắc sử dụng thuốc Transamine (thành phần có hoạt chất Axit Tranexamic).
Ngành chức năng cũng đưa ra khuyến cáo người dân không vứt xác bò chết ra ngoài môi trường. Việc tiêu hủy bò chết phải theo hướng dẫn của cơ quan thú y và chính quyền địa phương. Đồng thời nhân viên thú y tham gia điều trị không đi lại/hạn chế đi lại giữa các trang trại, hộ chăn nuôi khi không cần thiết.
Người dân bất lực nhìn đàn bò sữa đổ bệnh rồi chết dần |
Để nhanh chóng tìm ra nguyên nhân một cách chính xác, khách quan, ngày 11/8, cơ quan chuyên môn đã mổ một con bò khỏe mạnh, chưa tiêm vắc xin phòng bệnh VDNC được mua từ một hộ dân trên địa bàn thôn Bồng Lai (xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng).
Theo đó, con bò được cơ quan chức năng mổ, lấy mẫu xét nghiệm, phân tích, đối chứng với mẫu được lấy từ những con bò sữa đã tiêm vắc xin trước đó.
Những mẫu vật này sẽ được gửi đi phân tích tại 3 cơ sở xét nghiệm khác nhau ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội của Cục Thú y, Bộ NN&PTNT. Sau khi có kết luận chính thức, Bộ NN&PTNT sẽ công bố nguyên nhân.