Nguyên nhân dẫn đến viêm bàng quang cấp
Theo Bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lữ (Nguyên Bác sĩ Sản phụ khoa – Bệnh Viện Bưu Điện) thì viêm bàng quang có thể do nhiễm trùng hoặc những nguyên nhân khác nhau. Hiện tượng này phổ biến ở những người mới có quan hệ tình dục trong thời gian đầu. Biểu hiện đặc trưng nhất của viêm bàng cấp là có cảm giác nóng bỏng khi đi tiểu, tiểu rắt, từng chút một nhưng tiểu gấp, không thể dừng được và bị đau bụng dưới.
Có đến 20% phụ nữ thường xuyên bị viêm bàng quang và nhiều người bị tái đi tái lại nhiều lần.Lý do khiến bệnh viêm bàng quang cấp dễ xảy ra ở phụ nữ là do niệu đạo (ống gắn kết giữa lỗ niệu đạo và bàng quang) của phụ nữ ngắn, chỉ khoảng 3cm (trong khi đó ở nam giới là 20cm) khiến các vi khuẩn dễ dàng xâm nhập từ ngoài vào như từ hậu môn, âm đạo, âm hộ, ruột. Bình thường, nước tiểu không bị nhiễm trùng, nhưng khi lỗ tiểu mở rộng trong tình trạng có nhiều vi trùng tấn công vào đường tiểu và sinh sôi nảy nở khiến nhiễm trùng.
Nếu nhiễm trùng ở niệu đạo thì là viêm niệu đạo nhưng vi khuẩn tiếp tục tấn công và bàng quang và sinh sôi tại đây được gọi là viêm bàng quang. Thông thường, nữ giới sẽ tự kháng thể được nhưng khi có những yếu tố cộng hưởng khác như mang thai, giai đoạn đầu quan hệ tình dục, sau khi sinh con… thì căn bệnh này càng dễ xảy ra.
Sở dĩ, những người mới có quan hệ tình dục trong thời gian đầu dễ mắc căn bệnh này là do những vết rách ở màng trinh gây viêm bàng quang ngay sau những lần đầu ân ái.
Mảng rách của màng trinh dính vào vách âm đạo là điều kiện thuận lợn cho vi khuẩn đi lên bàng quang, hơn nữa, giai đoạn này, tần suất quan hệ tình dục cao khiến người bệnh càng đẩy nhanh quá trình phát triển và khiến bệnh trở nên trầm trọng.
Những phụ nữ mang thai cũng dễ bị nhiễm trùng niệu đạo do sự ùn ứ nước tiểu khiến vi khuẩn dễ dàng sinh nở. Ở phụ nữ sau sinh mắc bệnh này chủ yếu do vết rạch ở tầng sinh môn làm giảm bớt khoảng cách giữa hậu môn và bộ phận sinh dục khiến vi khuẩn dễ dàng lây nhiễm vào trong…
Ngoài ra, cơ thể mệt mỏi, cấu tạo niệu đạo bất thường, uống ít nước, đi tiểu ít, stress kéo dài, phụ nữ mắc bệnh tiểu đường, mất cân bằng dinh dưỡng, giảm khả năng miễn dịch… cũng tác động đến căn bệnh viêm bàng quang. Trong khi chờ đi khám, nên tiếp tục uống nước nhiều (2 lít/ngày) để đi tiểu nhiều, thải trừ tối đa mầm bệnh, có thể nằm dài đặt túi chườm nóng lên bụng và uống thuốc giảm đau.
Phòng ngừa và điều trị bệnh viêm bàng quang cấp
Theo bác sĩ Lê Thị Kim Dung, Trung tâm Y tế Lao động Thái Hà (Hà Nội), hiện tượng tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu ra máu là hiện tượng phổ biến ở những phụ nữ trẻ mới kết hôn hoặc trong giai đoạn đầu có quan hệ tình dục, phụ nữ mãn kinh, sau khi sinh con. Thông thường, các bệnh nhân này chỉ cần nghỉ ngơi, giảm tần xuất “yêu”, uống nhiều nước, những loại nước lợi tiểu, thư giãn... sau vài ngày sẽ khỏi.
Những triệu chứng của người bệnh bị viêm bàng quang cấp là bỗng nhiên bị tiểu gấp, tiểu rắt, rát khi đi tiểu, đau bụng dưới, ớn lạnh, nước tiểu đục hay có màu đỏ, hồng, sẫm, kèm máu… là những biểu hiện của nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm bàng quang cấp.
Ở một số trường hợp, viêm nhiễm còn đi vào sâu hơn gây bể thận, niệu quản. Vì vậy, nếu có những biểu hiện lạ, bệnh nhân cần đi khám ngay để được xác định chính xác bệnh và có phác đồ điều trị đúng bệnh, kịp thời. Bệnh nhân không được tự ý dùng thuốc, nhất là thuốc kháng sinh vì dễ gây kháng thuốc khiến bệnh dẫ tái phát và nếu dung kéo dài còn tạo cơ hội cho nấm phát triển.
Những trường hợp bị nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm bàng quang cấp lần đầu và được điều trị sớm sẽ giảm đi các triệu chứng nhưng người bệnh không được tự ý ngưng thuốc mà phải tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ trong đợt điều trị. Những trường hợp hết triệu chứng mà ngưng thuốc thì vi trùng vẫn tồn tại sẽ sớm phát triển nhanh và bùng lên đợt nhiễm trùng mới gây khó khăn cho lần điều trị tiếp theo.
Theo lương y Nguyễn Hồng Siêm (Chủ tịch Hội Đông y Hà Nội) thì Đông y gọi bệnh viêm bàng quang cấp là bệnh viêm bàng quang thấp nhiệt, nếu đi tiểu kèm theo máu thì gọi là tiện huyết. Bệnh do thân nhiệt nóng, uống ít nước, do giải phẫu bất thường ở cơ thể, lao động quá sức hay tình dục không điều độ. Bệnh thường gặp vào mùa hè do thời tiết nắng nóng khiến cặn bã không thể thoát ra bằng đường mồ hôi, ít đi tiểu, lượng nước tiểu dồn ứ khiến vi khuẩn phát triển nhanh chóng.
Theo lương y Hồng Siêm, chữa bệnh viêm bàng quang cấp cần phải làm mát cơ thể tức thanh thấp nhiệt, giúp bệnh nhân lợi tiểu, nếu đi tiểu có máu cần chỉ huyết (cầm máu). Người bệnh sẽ được chỉ định dùng những bài thuốc có thêm các vị thuốc như nam hoàng bá, bông mã đề, chỉ khát, râu ngô…người có đái máu cho thêm hòe hoa, chắp bách diệp.. để cầm máu. Trong khi điều trị, người bệnh cần uống nhiều nước, uống thuốc đủ liều, kiêng quan hệ tình dục, kiêng ăn uống các đồ cay nóng như tiêu, ớt, uống rượu bia…
Khi có hiện tượng són tiểu, tiểu cấp, tiểu rắt, tiểu máu càn đi khám để thầy thuốc xác định đúng bệnh. Viêm tiết niệu, viêm bàng quang cấp không khó chữa, người mới bị chỉ cần uống vài thang thuốc là khỏi nhưng cần làm đúng theo sự chỉ dẫn của thầy thuốc, tránh tái phát và gây hậu quả nghiêm trọng hơn.
Những điều cần lưu ý khi đang điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm bàng quang cấp:
- Người bệnh cần uống nhiều nước (khoảng 2 lít nước mỗi ngày) đặc biệt là những loại nước có tính chất mát và tuyệt đối không nhịn tiểu.
- Vệ sinh sạch sẽ “vùng kín” bàng xà phòng chuyên biệt.Kiêng quan hệ tình dục.
- Mặc quần lót khô thoáng, rộng rãi.
- Ăn nhiều protid như cá, thịt để axit hóa nước tiểu và không ăn những thực phẩm có tính chất cay nóng, chất kích thích.
- Uống thuốc theo đơn và tái khám đúng theo sự chỉ định của bác sĩ.