Nguyễn Ngọc Tư: Lâu rồi mới thấy sự rạo rực trong viết

0:00 / 0:00
0:00
TP - Cuốn sách mới nhất của Nguyễn Ngọc Tư “Hong tay khói lạnh”, ra mắt cách Tết chỉ mấy ngày, như dự đoán, được độc giả đón nhận bằng tâm thế dành cho một tác giả best seller. Bên cạnh phần lớn người đọc trung thành “vẫn yêu Tư như ngày đầu”, một số người nói rằng họ không thích Nguyễn Ngọc Tư của hiện tại, rằng chị đã đánh mất sự mộc mạc vốn là duyên làm nên Tư Cà Mau của ban đầu.

Nguyễn Ngọc Tư trái lại, dường như đã đứng ngoài những yêu ghét ấy.

Tôi biết nhiều người sợ không thể vượt qua được chính mình, đến tê liệt không viết nổi

Trước khi cuốn tản văn “Hong tay khói lạnh” chính thức xuất hiện, chỉ là một giới thiệu chạy qua facebook nhưng đã có đến hàng ngàn độc giả đòi đặt tiền mua trước sách của chị. Sự chờ mong nồng nhiệt ấy, nói thật là động lực hay áp lực đối với chị?

Động lực hay áp lực từ bạn đọc hay giới phê bình, xuất bản thì chỉ là tác động bên ngoài, áp vào nhanh rồi lùi lại cũng nhanh. Tiếng nói bên trong người viết mới là thứ ám ảnh, đòi hỏi, khắc nghiệt, và đeo bám dai dẳng. Tôi biết nhiều người sợ không thể vượt qua được chính mình, đến tê liệt không viết nổi. Nhưng tôi cũng biết nhiều nhà văn lớn viết thật thoải mái, dường như họ biết bản thân không phải thánh thần chỉ tạo nên những thứ toàn bích, cũng không phải cỗ máy mà sản xuất tác phẩm hay đều chằn chặn như nhau. Tôi thích kiểu nhà văn thứ hai, nên cũng không gây áp lực gì lên chính mình cho lắm.

Truyện ngắn, tiểu thuyết, tản văn và cả thơ... có vẻ chị đã chạy qua hầu hết các thể loại văn học, có dấu hiệu chỉ dẫn nào không, rằng khi nào thì chị có tâm trạng viết tản văn chẳng hạn?

Đã có hồi tôi rất coi trọng thể loại, luôn tự hỏi sau khi một cuốn sách hoàn thành, cuốn sau mình viết gì đây, là truyện hay gì khác. Nhưng hai năm trở lại đây, tiếp cận với nhiều cuốn sách phi thể loại, tôi như nhìn thấy đây là thứ dành cho mình. Giờ không quan trọng thể loại nào, chỉ cần tìm một chủ đề và nhìn vào nó bằng cái nhìn đa chiều, viết bằng mọi thể loại mà mình thấy phù hợp, tập trung vào thứ duy nhất đó.

Nguyễn Ngọc Tư: Lâu rồi mới thấy sự rạo rực trong viết ảnh 1

Nguyễn Ngọc Tư tại Hội sách Frankfurt (Đức) nhân dịp nhận giải thưởng Literaturpreis 2018

Giờ tôi khá hào hứng với kiểu viết vậy. Có cảm giác gì đó như là tự do, khi tôi làm việc. Viết, vì vậy không còn là gánh nặng, là áp lực. Tôi vừa mới nói với người bạn vài bữa trước, rằng lâu rồi mình mới thấy niềm vui, sự rạo rực trong viết.

Kể từ lúc xuất hiện cho đến giờ, sách của chị ra khá đều, chị có một thời khóa biểu dành riêng cho việc viết không?

Tôi không làm công việc gì khác, ngoài viết và việc nhà. Cả khi làm việc nhà, nếu không phải căng não nghĩ coi mình giở tủ lạnh ra đây là để lấy thứ chi, hay chiều nay nấu món gì, thì tôi cũng nghĩ về thứ đang viết dở, nghĩ đoạn tiếp nối của ngày mai. Tôi cũng chểnh mảng nhiều khi, có lúc cả quãng vài ba tháng không viết. Nhưng sự không viết đó chỉ là không ở trạng thái vật lý, cái đầu tôi vẫn suy nghĩ này kia, vẫn nuôi nấng những ý tưởng. Chỉ khi vô thức thì một nhà văn mới ngừng viết, tôi tin vậy.

Tôi đọc thơ, rất nhiều thơ

Chị có hay đọc những phản hồi về tác phẩm của mình không?

Dù không thường nhận những phản hồi, do tôi không dùng mạng xã hội, nhưng nếu tình cờ đọc được, tôi coi đó là một kênh tham khảo.

Có khi nào chị bị, hay là được ảnh hưởng từ những phản hồi ấy?

Dù phản hồi tích cực hay tiêu cực, tôi đều nghĩ là từ sự bạn đọc nhìn thấy mình, coi trọng mình. Họ phải coi trọng ai đó thì mới khen ngợi hoặc chê bai, không thì họ im lặng bỏ qua như chưa từng thấy. Bởi yêu và ghét đều là cảm xúc quý giá, không ai phung phí cho người không đâu.

Nguyễn Ngọc Tư: Lâu rồi mới thấy sự rạo rực trong viết ảnh 2

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư

Thời điểm chị viết bây giờ và thời điểm chị viết những truyện ngắn đầu tiên, xác tín với văn học của chị có thay đổi không?

Chẳng có gì khác. Đây là công việc không dễ dàng, nhưng mình làm được và có thể làm tốt hơn. Thật ra tôi không nghĩ ngợi về nghề nhiều lắm đâu. Tác phẩm mới là đối tượng để tôi nhắm vào chứ không phải là công việc.

Có khi nào chị từng hoài nghi về công việc của mình: về ý nghĩa của nó, tác dụng của nó, sự cần thiết của nó...?

Vì không lý tưởng chuyện viết, nên ít khi nghĩ về nó như một đối tượng để xoi mói, nghi ngờ. Lại càng không khoác lên nó những ý nghĩa cao siêu nào ngoài chuyện viết là một công việc thuận tay, bên cạnh chuyện chăm con. Và bởi hoảng sợ cái sự tự chán nên tôi luôn cũng loay hoay tìm cách để có gì đó mới, bắt đầu những thay đổi nhỏ nhất. Nhưng bao giờ cũng vậy, hiện thực và mơ ước là một khoảng cách. Có quá nhiều chuyện cần làm để thu hẹp khoảng cách ấy, nên tôi cũng không quá rảnh rang để sinh buồn chán.

Ai là người ảnh hưởng nhiều nhất đến những trang viết của chị trong giai đoạn này?

Olga Tokarczuk, Isak Dinesen, Han Kang. Những cuốn sách phi thể loại của họ tạo hứng khởi, gợi ý cho tôi một con đường, đúng lúc tôi loay hoay tìm kiếm. Và hai người bạn, có thể họ không làm gì nhiều, nhưng khích lệ đúng lúc, dĩ nhiên không phải bằng khen ngợi.

Nguyễn Ngọc Tư: Lâu rồi mới thấy sự rạo rực trong viết ảnh 3

Cuốn tản văn mới nhất của Nguyễn Ngọc Tư vừa ra mắt hồi giữa tháng 1

Một số phát thanh viên nói rằng họ thích đọc truyện của Nguyễn Ngọc Tư vì rất thuận nhịp và âm. Có người còn đoán Tư viết thế vì tạng của cô ấy thế. Nhưng hơn một lần tôi nghe chị nói với những người viết trẻ rằng muốn đi theo con đường chuyên nghiệp, nên tập hành văn và tích chữ. Quá trình này ở chị diễn ra như thế nào?

Tôi vẫn giữ thói quen từ hồi mới viết đến giờ, dù đọc sách hay lội mạng, chữ nào hay câu nào đẹp tôi hay ghi lại. Ghi vào sổ tay, tôi tin chữ viết tay khiến mình nhớ lâu hơn. Tôi cũng hay đọc từ điển. Nhận ra quá nhiều từ hay mà mình chưa dụng tới lần nào. Thật sự có nhiều câu từ gợi cảm đến mức tôi sẵn sàng nghĩ ra một câu chuyện chỉ để dùng chúng. Cả dụng câu cũng vậy, cùng ý nghĩa đó, nhưng xoay kiểu nào thì hay nhất. Những chỗ cảm thấy mắt không đáng tin, tôi sẽ đọc lên xem âm có ổn không, có trúc trắc quá không, đã có nhạc tính chưa. Cơ bản là vì tôi là người nghe nhạc, và đọc thơ, rất nhiều thơ.

Đã thôi buộc mình vào phương ngữ và sông nước miền Tây

Trước đây, văn chị dày đặc phương ngữ và những chi tiết mang đậm tính văn hóa bản địa. Nhiều người dịch đã chỉ ra rằng, điều đó trở thành một rào cản trên con đường chuyển ngữ. Gần đây, những đặc điểm ấy trong văn Nguyễn Ngọc Tư ít dần đi. Giống như là chị đã chú ý đến cái khó của các dịch giả?

Tôi nghĩ từ, câu là phương tiện của nhà văn. Giống như chiếc xe máy vậy. Xe nào tiện thì chạy. Càng viết tôi càng coi trọng tự do, nên thôi buộc mình vào phương ngữ, vào sông nước miền Tây, như một sự từ chối đóng khung. Như trên đã nói, nhiều câu chữ đẹp làm tôi động lòng, chúng phải tới từ mọi chân trời, sao tôi phải đóng cửa không mời chúng vào với mình. Tôi hay nghĩ phương ngữ miền Tây Nam Bộ đẹp, như đất và người, nhưng là một trong nhiều cái đẹp trên đời.

Nhưng rõ ràng không khí miền Tây có cái gì đó rất liên quan đến cảm giác buồn trong văn chị. Có người thậm chí cho rằng buồn là một đặc sản của văn Nguyễn Ngọc Tư. Chị nghĩ sao về điều này?

Với tôi nỗi buồn là nền tảng, như bóng tối, như khoảng trống vậy. Ta có thể vui thì là chút vui trên cái phông nền, hệt cách thắp lên ngọn nến, khi tắt đi mọi thứ lại về nguyên bản. Tôi chưa từng tìm kiếm sự vui vẻ ở sách. Cần vui thì xem phim, tụ tập quán xá. Dĩ nhiên một văn phong hóm hỉnh có thể khiến cho người đọc bật cười, nhưng không phải ai cũng làm được chuyện đó.

Trước đây rất phổ biến một quan điểm: nhà văn thì phải khổ hạnh, cuộc sống càng khổ viết càng hay. Gần đây, một số ông lớn của văn đàn thế giới đã phủi sạch điều đó. Họ nói: quên đi, trí tưởng tượng mới là sống còn với nhà văn. Chị thì sao: vốn sống quan trọng hay trí tưởng tượng quan trọng hơn?

Trí tưởng tượng. Tôi nghĩ một người có sống nhiều cỡ nào thì viết vài ba cuốn cũng hết. Muốn đi dài muốn nới những biên độ thì cần tưởng tượng, hình dung, ướm ta vào kẻ khác, giả định ta là ai đó. Bằng cách đó người ta sống được nhiều cuộc đời khác nhau, kể cả xây nên một thế giới khác, xã hội khác trên trang viết của mình.

MỚI - NÓNG
CLB Bóng đá Hà Nội, hoa hậu Đỗ Mỹ Linh cùng Tiền Phong thăm viếng gia đình nạn nhân tử vong tại cầu Phong Châu, Phú Thọ
CLB Bóng đá Hà Nội, hoa hậu Đỗ Mỹ Linh cùng Tiền Phong thăm viếng gia đình nạn nhân tử vong tại cầu Phong Châu, Phú Thọ
TPO - Chiều 19/9, đoàn thiện nguyện báo Tiền Phong cùng Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh, BLĐ CLB Bóng đá Hà Nội, các cầu thủ đã trao số tiền ủng hộ 55 triệu đồng, hỗ trợ bà con bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 tại tỉnh Phú Thọ. Đoàn cũng đã đến thăm, chia sẻ với gia đình có 2 nạn nhân tử vong trong vụ sập cầu Phong Châu vừa qua.