Vì thế sau khi xử lý về mặt Đảng thì các cơ quan bảo vệ pháp luật cần phải vào cuộc làm rõ dấu hiệu vi phạm và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Điều đó cũng chứng tỏ không có khái niệm “hạ cánh an toàn”!
Mới chỉ xử lý về mặt Đảng
Ông bình luận thế nào về kết quả xử lý “cảnh cáo” của UBKT T.Ư đối với ông Vũ Huy Hoàng, nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương?
Kết quả xử lý mà UBKT T.Ư nêu ra trong ngày hôm qua (24/10) mới chỉ là về mặt tổ chức Đảng, theo quy định của Đảng, trong đó ông Vũ Huy Hoàng, bà Hồ Thị Kim Thoa (Thứ trưởng Bộ Công Thương) và ông Đào Văn Hải (nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ) là những đảng viên. Tuy nhiên, kết luận của UBKT T.Ư mới chỉ xử lý về mặt Đảng, chúng ta không nên nhầm lẫn giữa quy định của Đảng với pháp luật nhà nước. Đảng không quyết thay, không làm thay Nhà nước trong việc có truy cứu trách nhiệm hình sự, trách nhiệm hành chính, trách nhiệm dân sự đối với ông Vũ Huy Hoàng và các cá nhân có liên quan hay không. Công việc đó thuộc trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, mà cụ thể là các cơ quan bảo vệ pháp luật. Sau khi Đảng có kết luận, các cơ quan nhà nước phải vào cuộc để xem xét, làm rõ vi phạm của ông Vũ Huy Hoàng và các cá nhân trên là vi phạm hành chính, hay vi phạm hình sự để xử lý.
Ông Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội.
Trong kết luận của UBKT T.Ư đã chỉ rõ, ông Vũ Huy Hoàng báo cáo không trung thực về PVC và ông Trịnh Xuân Thanh. Đây có phải là hành vi vi phạm pháp luật hình sự?
Kết luận của UBKT T.Ư cho thấy, sai phạm của ông Vũ Huy Hoàng là tương đối rõ. Những dấu hiệu vi phạm được chỉ ra cho thấy có đủ yếu tố cấu thành tội phạm như, cá nhân đã có động cơ, mục đích trong vi phạm pháp luật; sử dụng các động cơ để đạt được mục đích đề ra, bất chấp các quy định của pháp luật và hậu quả có thể xảy ra. Thực tế chúng ta đều thấy, chỉ riêng hậu quả kinh tế do PVC và Trịnh Xuân Thanh gây ra đã thiệt hại hơn 3.000 tỷ. Tất cả những điều đó cho thấy, nếu chỉ xử ông Vũ Huy Hoàng về mặt hành chính là quá nhẹ, còn về mặt hình sự thì rõ ràng có dấu hiệu vi phạm hình sự. Cơ quan bảo vệ pháp luật cần phải vào cuộc để chứng minh các yếu tố cấu thành tội phạm của ông Vũ Huy Hoàng và xử lý theo quy định của pháp luật.
Mặc dù, biết ông Trịnh Xuân Thanh có sai phạm, không đủ tiêu chuẩn nhưng ông Vũ Huy Hoàng vẫn đồng ý cho thuyên chuyển về Hậu Giang. Vậy phải chăng ông Vũ Huy Hoàng đã cố tình làm trái các quy định của pháp luật về bổ nhiệm cán bộ?
Rõ ràng trong vụ việc của Trịnh Xuân Thanh thì những dấu hiệu vi phạm từ lâu. Thế nhưng con đường thăng tiến của Trịnh Xuân Thanh không những không bị ngăn chặn mà còn rộng mở. Điều này cho thấy có sự tiếp tay của các cá nhân, tổ chức và kết luận của UBKT T.Ư đã nêu rõ và cũng đã kiến nghị, ra quyết định xử lý bằng hình thức cảnh cáo đối với với ông Vũ Huy Hoàng, khiển trách với Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa và cảnh cáo đối với Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Đào Văn Hải. Nhưng tôi muốn nhắc lại Đảng không thể làm thay nhà nước, Đảng không thể quyết định việc truy tố người này người kia. Đảng chỉ xem xét kết luận những hành vi vi phạm của Ban cán sự Đảng, của đảng viên theo quy định của Đảng. Trách nhiệm bây giờ là của các cơ quan nhà nước, các cơ quan bảo vệ pháp luật trong việc xem xét, làm rõ các dấu hiệu vi phạm pháp luật của các cá nhân trên. Tôi nghĩ việc này không khó, vấn đề là cơ quan pháp luật vào cuộc thế nào để trả lời cho công luận và người dân.
Ông Trịnh Xuân Thanh (trái) và ông Vũ Đức Thuận thời còn đương chức PVC.
Không có khái niệm “hạ cánh an toàn”!
UBKT T.Ư kết luận rằng, ông Vũ Huy Hoàng có biểu hiện vụ lợi, vi phạm Luật Phòng chống tham nhũng trong việc tiếp nhận, điều động, bổ nhiệm con trai là ông Vũ Quang Hải?
Vụ lợi có nghĩa là có động cơ trục lợi, vun vén cá nhân. Vụ lợi là lợi dụng điều kiện, hoàn cảnh, chức vụ mà mình có để chi phối, để lôi kéo lợi ích về cho riêng mình. Kết luận mà UBKT T.Ư nêu ra không phải là vô tình mà chắc chắn đã được xác minh, đầy đủ căn cứ. Một người là bố, là bộ trưởng lại bổ nhiệm con (Vũ Quang Hải) vào một đơn vị gây ra phản ứng dữ dội, chứng tỏ rất có vấn đề. Thực tế theo phản ánh của dư luận, ông Vũ Quang Hải cũng không thể hiện được năng lực quản lý tại các đơn vị được điều động, bổ nhiệm, thậm chí còn có cả dấu hiệu về thiệt hại của doanh nghiệp. Điều đó cho thấy, rõ ràng việc bổ nhiệm đó là không đúng.
Hình thức kỷ luật được đề xuất là cảnh cáo lúc này có còn nhiều ý nghĩa khi ông này đã về hưu?
Tôi nghĩ về mặt đảng thì UBKT T.Ư đã xem xét kỹ mới chọn hình thức cảnh cáo với ông ấy. Việc đó có ý nghĩa với ông Hoàng là sự trừng phạt của Đảng với thành viên của mình để nhắc nhở, răn đe đảng viên đó về hành vi vi phạm. Với xã hội, việc này có tác động để dư luận thấy được sự nghiêm minh của Đảng trong việc quản lý đảng viên của mình. Tôi nghĩ cái này có tác động, một mặt để duy trì kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, mặt khác là để xã hội thấy là cán bộ nhân viên trong Bộ Công Thương, rộng hơn là các cơ quan khác, dư luận nhân dân thấy được sự nghiêm khắc của Đảng đối với thành viên của mình. Nó cũng chứng tỏ rằng sẽ không có khái niệm “hạ cánh an toàn”. Tuy nhiên, tôi cũng xin nhắc lại là những công việc trên mới chỉ là về mặt Đảng, việc còn lại là các cơ quan nhà nước, các cơ quan bảo vệ pháp luật phải vào cuộc, làm rõ dấu hiệu vi phạm của ông Vũ Huy Hoàng có đủ để cấu thành tội hình sự hay không. Nếu có thì phải xử nghiêm để răn đe, cảnh tỉnh.
Phải khởi tố, điều tra mới có cơ sở pháp luật xem xét cụ thể trách nhiệm, còn nếu chỉ dừng ở những vấn đề chung, tôi không hài lòng.”
ĐBQH Vũ Trọng Kim
Nhân dân rất phân tâm về tình trạng hư hỏng của cán bộ, lợi dụng quyền lực để tham nhũng, lợi dụng quyền lực mà không có kiểm tra. Đây chính là cơ hội để lấy lại niềm tin.”
Ông Vũ Mão
Phải vào cuộc, làm rõ dấu hiệu vi phạm của ông Vũ Huy Hoàng có đủ để cấu thành tội hình sự hay không. Nếu có thì phải xử nghiêm để răn đe, cảnh tỉnh.”
ĐBQH Lê Thanh Vân
Khởi tố, điều tra mới có cơ sở pháp luật để xem xét
“Trong vụ việc ông Vũ Huy Hoàng, nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương thì phải làm cụ thể, không nên dừng ở kết luận chung vì những vi phạm được chỉ ra liên quan đến nhiều quy định nhà nước, đặc biệt là động chạm quy định của Bộ luật Hình sự và xâm phạm đến lợi ích chung của đất nước. Hệ quả nhiều hay ít thì cũng cần phải tính. Tôi muốn tỏ thái độ về việc này như vậy. Phải khởi tố, điều tra mới có cơ sở pháp luật xem xét cụ thể trách nhiệm, còn nếu chỉ dừng ở những vấn đề chung, tôi không hài lòng”, ông Vũ Trọng Kim, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, ĐBQH đoàn Hải Dương.